Hiện nay ở 2 xã Trực Cường, Trực Thái (Trực Ninh) còn lưu giữ được một loại hình nghệ thuật độc đáo: Múa Sơn Quân. Đây là loại hình nghệ thuật múa diễn các tích trò dân gian. Nét độc đáo của nghệ thuật múa Sơn Quân thể hiện ở việc diễn viên hóa thân vào các nhân vật trong tích cổ bằng mặt nạ.
Một số đạo cụ, trang phục trong biểu diễn nghệ thuật múa Sơn Quân tại đền Trần, xã Trực Thái. |
Theo các bậc cao niên ở địa phương, nghệ thuật múa Sơn Quân xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XIX với hoạt động của đội múa Sơn Quân Ninh Cường, thuộc tổng Ninh Cường, huyện Chân Ninh (nay là Trực Ninh). Năm 1956, xã Trực Cường chia tách thành các xã Trực Cường (mới), Trực Phú và Trực Thái. Đội múa Sơn Quân Ninh Cường đổi tên thành CLB múa Sơn Quân Thái Cường. Ông Đỗ Văn Đại (76 tuổi), xóm Đức Long, xã Trực Cường, Chủ nhiệm CLB múa Sơn Quân Thái Cường cho biết: Trước ông đã có 6 đời các vị tiền nhiệm phụ trách đội múa Sơn Quân ở địa phương. Hiện nay, CLB có 38 thành viên (20 thành viên ở xã Trực Cường, 18 thành viên ở xã Trực Thái), người cao tuổi nhất đã 76 tuổi, người trẻ tuổi nhất cũng ngoài 30 tuổi. Đặc biệt, khi diễn các tích trò, các thành viên CLB vẫn sử dụng những vật dụng, đạo cụ và nét biểu diễn truyền thống của ông cha. Hiện nay, CLB còn lưu giữ 30 chiếc mặt nạ có niên đại khoảng 180 năm (từ khi thành lập Đội múa Sơn Quân Ninh Cường), chất liệu được làm từ gỗ sung mô phỏng các nhân vật trong tích “Đường Tăng đi Tây thiên thỉnh kinh”. Các đường nét trên mặt nạ được chạm khắc tinh tế, công phu, khắc họa chân thực tính cách nhân vật. Ngoài ra, CLB vẫn lưu giữ hàng chục đạo cụ biểu diễn như 2 đôi kiếm, 2 đôi thiêu (gươm), 1 thiên lôi, 1 quả bồ, 1 gậy thiết trượng, 1 gậy độ… Múa Sơn Quân thường được biểu diễn theo 2 lối: Lối diễn ở sân khấu ngoài trời, sân khấu được trang trí gồm những cành cây được xếp thành hình quả núi hoặc thành “động” phỏng theo không gian của các tích diễn, như tích “Đường Tăng đi Tây thiên thỉnh kinh”. Ở lối diễn này thường theo hình thức “mở động” với các tiết mục võ thuật cổ đẹp mắt, những điệu múa di chuyển nhịp nhàng... Lối diễn ở các lễ rước, đội múa Sơn Quân sẽ đứng sau đội cờ, đội trống, thanh la, não bạt. Nhân vật Ngộ Không đi trước, vừa đi vừa nhảy múa theo nhịp trống để dẹp đường cho đoàn rước. Lối diễn này thường được sử dụng ở các dịp lễ hội ở địa phương như lễ hội Đức Thánh Trần (20-8 âm lịch) ở đền Trần, xã Trực Thái; dịp lễ hội chùa Phúc Linh (mùng 10-3) ở xã Trực Cường. Khi diễn các tích cổ, người diễn viên phải luyện tập các tư thế, cử chỉ, lời nói, điệu bộ đúng với nét tính cách của nhân vật. Bác Trần Văn Minh, xóm Thái Hòa, xã Trực Cường hiện là diễn viên đóng vai Tôn Ngộ Không chia sẻ, để hoá thân vào nhân vật, ngoài đọc, xem các tích về Tôn Ngộ Không, bác còn học hỏi kinh nghiệm của những người trong CLB. Vào vai diễn Trư Bát Giới, bác Đỗ Thanh Phong, xóm Nam Hòa, xã Trực Cường có cách biểu diễn hóm hỉnh nên thể hiện rất thành công, được người xem cổ vũ. Còn bác Tạ Văn Thuỷ, xóm Thái Hoà, xã Trực Cường là người điềm tĩnh, có nhiều năm kinh nghiệm biểu diễn nên rất phù hợp với vai Đường Tăng… Ngoài các tiết mục diễn tích cổ theo truyền thống, hiện CLB múa Sơn Quân Thái Cường dựng các vở chèo như vở “Huyết hồ” trong chương trình biểu diễn, thể hiện được công lao to lớn của cha, mẹ; giáo dục con cái phải sống hiếu thuận, trọn đạo làm con. Các tuyến nhân vật trong các cuộc giao tranh giữa cái thiện và cái ác dù khó khăn bao nhiêu thì cuối cùng nhân vật thiện vẫn luôn chiến thắng, nhân vật ác sẽ bị trừng trị. Như vậy những tiết mục của CLB không chỉ là diễn vui mà còn chứa đựng triết lý nhân sinh: cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Đồng chí Đặng Huy Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Cường cho biết: Hoạt động của CLB múa Sơn Quân Thái Cường đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Các tiết mục biểu diễn của CLB với các tích cổ luôn hướng con người tới chân, thiện, mỹ, có tác dụng giáo dục cao.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí cũng như việc bồi dưỡng, kết nạp thêm những thành viên mới, nhưng CLB múa Sơn Quân Thái Cường vẫn duy trì hoạt động. Với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống, các thành viên trong CLB múa Sơn Quân Thái Cường vẫn giữ gìn phát huy nét bản sắc văn hoá độc đáo của quê hương./.
Bài và ảnh: Viết Dư