Huyện Giao Thủy hiện có 2 từ đường được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh là Từ đường họ Nguyễn, thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh và Từ đường họ Doãn thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn. Cả 2 di tích này hiện còn lưu giữ được kiến trúc cổ và các lễ nghi truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con cháu trong dòng họ.
Từ đường họ Nguyễn, thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh là nơi thờ tự Thượng tổ - Thiếu Bảo, Bình Quận công Nguyễn Văn Ích. Theo sắc phong Lê Triều công thần và gia phả của dòng họ, Tả Đô đốc Thiếu bảo, Bình Quận công Nguyễn Văn Ích là vị công thần thời Lê Trung Hưng, có nhiều công lao với đất nước và là vị tổ có công tạo lập làng Hạc Châu xưa, xã Xuân Châu ngày nay, được các triều đại phong kiến sắc phong là Tả Đô đốc Thiếu Bảo Bình Quận công và được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Bên cạnh việc thờ tự ông tại đền làng, con cháu dòng họ còn lập từ đường để thờ tự. Từ đường họ Nguyễn còn là nơi thờ tự các vị tổ của dòng họ, những người đã đóng góp công lao trong công cuộc khai hoang, lấn biển, dựng xây đất Tồn Thành. Từ đường được khởi công xây dựng từ ngày mùng 6 tháng giêng năm Đinh Tỵ, niên hiệu Khải Định 2 (1917), hoàn thành ngày mùng 6 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1918). Công trình từ đường kiến trúc theo kiểu chữ “Công” gồm 3 toà: tiền đường, trung đường và hậu cung. Toà tiền đường 3 gian, xây theo kiểu cuốn vòm, cột gạch, hai bên hồi có xây 2 cột đồng trụ. Cột trụ cấu tạo thành ba phần: đỉnh trụ đắp hoạ tiết nghê chầu, thân trụ là một khối vuông tạo gờ chỉ nhấn nổi câu đối chữ Hán, chân đế đắp hình cổ bồng. Để giảm bớt sự nặng nề cho công trình kiến trúc, toà tiền đường có hệ thống cửa võng ở cả 3 gian với hoạ tiết triện tàu, tứ linh và bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị như bát bửu, nhang án, câu đối, đại tự. Trung đường 1 gian xây quay dọc nối mái với tiền đường, xây cuốn vòm, mái gắn ngói nam, nền lát gạch đỏ. Toà hậu cung gồm 3 gian là không gian thờ tự quan trọng nhất của từ đường. Gian giữa cung cấm đặt ngai và bài vị thờ Thượng tổ, Thiếu Bảo Bình Quận công Nguyễn Văn Ích ở vị trí chính giữa, hai bên là ngai bài vị thờ Thừa Quận công Nguyễn Văn Tinh (đời thứ 2), Hoành Quận công Nguyễn Văn Huyên (đời thứ 3). Hai gian bên đặt ngai và bài vị thờ các vị tổ đời kế tiếp. Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hằng năm tại từ đường còn diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của con, cháu trong họ. Tiêu biểu nhất là ngày lễ kỵ tổ - ngày đại lễ của dòng họ được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm.
Từ đường họ Nguyễn, thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh. |
Từ đường họ Doãn, thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn thờ vị tổ La Sơn hầu Doãn Đình Đống. Theo tư liệu trong gia phả dòng họ, La Sơn hầu Doãn Đình Đống được bổ nhiệm làm quan trải qua các triều Vua: Lê Trang Tông (1533-1548), Lê Trung Tông (1549-1556), Lê Anh Tông (1557-1573). Ông có công cùng các vị thuỷ tổ các dòng họ khai sáng, thành lập vùng đất Hoành Lộ, xã Hoành Sơn ngày nay. Từ đường họ Doãn còn thờ tự các vị tổ của dòng họ. Công trình kiến trúc từ đường họ Doãn được xây dựng trên khu đất rộng 500m2, mặt quay về hướng Tây Nam. Trên mặt bằng tổng thể từ đường họ Doãn có các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, sân vườn, ao, nhà khách và công trình kiến trúc trung tâm. Nghi môn thiết kế kiểu tứ trụ gồm hai trụ lớn cao 7m, đỉnh trụ trang trí hoạ tiết phượng lật. Nối giữa hai trụ lớn là một ô vuông trang trí hoạ tiết chữ “thọ” kích thước cao: 2,5m, rộng 1,9m. Hai trụ nhỏ cao 5m, đỉnh đắp hoạ tiết “nghê chầu” nối giữa hai trụ nhỏ với trụ lớn là bức tường xây bổ trụ tạo cổng nhà chè, mái gắn ngói nam. Sau các công trình bổ trợ như ao, sân đến công trình kiến trúc của từ đường họ Doãn có bố cục mặt bằng kiểu chữ đinh gồm: Tiền đường 3 gian, hậu cung 2 gian. Toà tiền đường dài 9,2m, rộng 4,2m chia thành 3 gian. Phần nền công trình cao hơn mặt sân 0,4m tạo thành 3 bậc lên xuống. Bộ cửa tiền đường gia công kiểu “ván bưng” bằng gỗ lim, mỗi khoang có hai cánh, mỗi cánh dài 1,7m, rộng 0,8m. Mặt bằng tiền đường chia làm 3 gian, gian giữa rộng 2,7m, hai gian bên rộng 2,4m. Nâng đỡ bộ mái là hệ thống trụ gạch vuông có kích thước 0,3m. Phía trên các trụ gạch là kết cấu vì bê tông cuốn vành mai. Mặc dù được xây cuốn, song về kết cấu toà tiền đường vẫn có các cấu kiện kiểu: “câu đầu - giá chiêng” được gia công bằng bê tông cốt sắt theo phong cách truyền thống tạo thành 4 bộ vì. Hai bên tiền đường nằm về phía bên phải, bên trái xây lâu gác kiểu “cổ đẳng hai tầng tám mái”. Phần “cổ đẳng” nối mái trên với mái dưới ở giữa có 3 chữ Hán “Vọng Nam Sơn”. Bên trong cung cấm xây bệ thờ và tại đây bài trí khám, tượng của vị tổ La Sơn hầu Doãn Đình Đống. Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật như: các đạo sắc phong, tượng thờ, kiệu bát cống, câu đối đại tự gia phả dòng họ…, góp phần tăng thêm giá trị cho di tích. Hằng năm, tại từ đường diễn ra nhiều ngày lễ, sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng như: Ngày 7-11 (âm lịch); ngày lễ 2-9 và lễ thanh minh…
Cả hai dòng họ ở thời kỳ nào cũng có những đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, dòng họ Nguyễn, thôn Tồn Thành, xã Giao Thịnh có hơn 80 con em lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 10 người đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường, 12 người là thương, bệnh binh, 11 người là sĩ quan quân đội. Dòng họ Doãn, thôn Hoành Lộ, xã Hoành Sơn ngoài đóng góp về sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc còn nổi tiếng là dòng họ hiếu học. Trước đây, dòng họ Doãn đã được biết đến với nhiều cụ đồ nho học cao biết rộng, thường xuyên mở trường, mở lớp dạy chữ cho con cháu và dân làng; tiêu biểu như các ông: Doãn Doanh, Tiến sĩ Doãn Khuê, Đốc học tỉnh Nam Định - Doãn Đình Hướng…
Để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị 2 di tích đã được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá, những năm gần đây, con cháu của hai dòng họ thường xuyên phát tâm đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Nhà nước. Hiện nay, việc trông coi bảo vệ ở cả 2 từ đường được thực hiện nghiêm ngặt theo quy ước của từng dòng họ và quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Viết Dư