Mùa này, những cây sắn gạc nai trong vườn nhà đã cao quá đầu người, phủ màu xanh mướt làm dịu bớt cái nắng hè oi ả. Sau mấy trận mưa rào, những búp lá sắn bụ bẫm, non mơn mởn xòe ra mềm mại như những bàn tay. Nhìn màu lá xanh miên man một góc vườn, chợt thèm món canh chua lá sắn của những ngày gian khó.
Ảnh: Internet |
Tôi nhớ cuối mỗi mùa xuân, khi mưa bụi vẫn còn giăng giăng, thấm ướt đất đai, vườn ruộng, người dân quê tôi lại tranh thủ những hôm tạnh ráo, mang các hom sắn giâm xuống những khoảng đất trống trong vườn. Cây sắn dễ tính nên dù trồng ở vùng đất cằn cỗi, sỏi đá, chỉ một thời gian ngắn đã bật mầm, đâm lá. Cành sắn khẳng khiu, khô khốc như những chiếc gạc nai mà sức sống thật bền bỉ. Giữa trưa nắng chói chang của mùa hè, lá sắn rũ xuống như héo, nhưng chỉ khi mặt trời tắt bóng, màu xanh lại bừng lên tươi tắn, rung rinh. Bọn trẻ con mỗi khi theo bố mẹ đi làm cỏ và vun gốc cho những khóm sắn vẫn thường ngắt mấy cọng lá vàng, bẻ gập các đốt, làm thành những chiếc dây chuyền đeo cổ xinh xắn. Cây sắn một thuở là nguồn thực phẩm cứu đói cho người dân trong làng suốt những ngày giáp hạt. Khi lúa hãy còn xanh đồng và thóc trong bồ đã cạn tới đáy, củ sắn luộc, bánh bột sắn hấp và cơm độn sắn khô đã thay nhau giúp các gia đình cầm cự qua ngày. Có năm tháng bảy, mưa bão liên miên, cây sắn đổ gục hàng loạt ngoài vườn khi củ chưa kịp xuống bột, bà tiếc của cũng ra nhổ về, bóc vỏ, ngâm vào chậu nước cho hết nhựa rồi mang đồ chín. Những củ sắn chỉ bé bằng cổ tay trẻ con, khi luộc lên trong veo một màu, ăn dẻo quẹo, thế mà trong những ngày đói kém, chúng tôi ăn sao vẫn thấy ngon kỳ lạ. Nhà nào sang lắm thì vào vụ tháng mười thu hoạch lúa mùa xong được một bữa xôi đồ sắn; lúc đó củ sắn đã trắng nõn, bở tung, bám bên ngoài là những hạt gạo nếp béo tròn, nhìn đã đủ thấy thích. Trong biết bao món ăn từ sắn, tôi nhớ nhất là canh lá sắn nấu chua. Người làng tôi có kinh nghiệm thường chỉ hái lá sắn sau những đợt trời mưa nhiều vì như vậy lá sẽ bớt đi vị đắng. Những chiếc lá bánh tẻ xanh mỡ màng phơi trong bóng râm cho héo bớt rồi ngâm chìm trong vại nước muối, sau vài ngày lên men đã chuyển sang màu vàng mơ, không còn vị hăng nồng vốn có của lá tươi. Lúc này bà đem ra xào với mỡ cho thật quyện rồi cho thêm ít cá lẹp vào nấu chung là được nồi canh có vị chua thơm dịu, ăn bùi và đưa cơm.
Bây giờ trong làng chẳng còn nhà nào muối lá sắn chua nữa, bởi rau tươi và thức ăn lúc nào cũng sẵn. Nhưng món canh chua lá sắn của một thời nghèo khó vẫn còn khắc khoải trong nỗi nhớ của bao người./.
Lam Hồng