Xã hội hóa công tác bảo tồn di tích ở Xuân Trường

07:05, 02/05/2014

Đền làng Hạc Châu, xã Xuân Châu (Xuân Trường) là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đền được xây dựng năm 1599, thờ vị công thần Nguyễn Văn Ích thời Lê Trung Hưng và thờ các vị thiên thần: Đông Hải đại vương, Nam Hải đại vương, Thủy thần Nam vương. Theo hồ sơ di tích, Đền Hạc Châu tọa lạc trên diện tích gần 3.000m2, gồm các hạng mục: tòa tiền đường có 3 gian 2 chái, nghi môn xây theo kiến trúc tứ trụ và sân đền, hệ thống nhang án, bát bửu mang đậm phong cách thời Nguyễn. Đặc biệt, Đền Hạc Châu hiện lưu giữ 34 đạo sắc phong, trong đó, có 3 đạo sắc phong có niên hiệu Thiệu Trị 4 (1844). Thực hiện Luật Di sản văn hoá, xã Xuân Châu đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di tích. Sau khi Đền Hạc Châu được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008, xã đã thành lập ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm và tổ chức phổ biến công khai, giúp người dân và khách tham quan hiểu biết về các giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân, và kinh phí tiến cúng của du khách thập phương, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị trong tỉnh và con em quê hương hiện đang sinh sống trong nước và nước ngoài, thời gian qua, cụm di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa bảo tồn di tích, hằng năm việc tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 13-3 âm lịch được Ban quản lý di tích xã Xuân Châu tiến hành đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông. Trong lễ hội, đã tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cư dân ven biển như: chọi gà, đấu vật, kéo co, múa rối nước, cờ tướng, hát chèo…

Thi đấu cờ tướng trong lễ hội làng Hạc Châu, xã Xuân Châu.
Thi đấu cờ tướng trong lễ hội làng Hạc Châu, xã Xuân Châu.

Là địa phương có số lượng lớn các di tích lịch sử - văn hóa, những năm qua, thực hiện các văn bản pháp luật, Đảng, Nhà nước, huyện Xuân Trường đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo tồn, phát huy giá trị các di tích. Toàn huyện có hơn 100 đền, chùa; 800 từ đường, 70 nhà thờ; trong đó, có 31 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng. Tiêu biểu như: chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), chùa Xuân Trung (Xuân Trung); đền An Cư (Xuân Vinh); Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Hồng); đền, chùa Kiên Lao (Xuân Kiên); đền, chùa Thọ Vực (Xuân Phong); đền Xuân Bảng (Xuân Hùng)… Thời gian qua, các địa phương trong huyện đã tiến hành công tác trùng tu, tôn tạo di tích theo Luật Di sản văn hóa; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa… Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 7 năm qua, nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí, ngày công trùng tu, tôn tạo hàng chục di tích với kinh phí trên 105 tỷ đồng bảo đảm cho các di tích vững vàng trước tác động của thời gian và thiên nhiên. Các lễ hội truyền thống gắn với các di tích được tổ chức trang trọng, sinh động thu hút không chỉ nhân dân địa phương mà cả du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu như lễ hội chùa Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Ngoài nội dung tế lễ, rước kiệu lễ hội còn có các hoạt động văn hóa dân gian như các trò diễn thể hiện tài nghệ của ông cha thuở xưa qua tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng Thánh Tổ (là vị danh tướng Hoàng Văn Quảng về chiêu mộ quân sĩ, giúp dân làng Ngọc Tiên dẹp giặc trấn biên, ổn định cuộc sống). Cùng với món chính là cơm, mâm cỗ dâng lên Thành hoàng làng còn có bốn loại bánh gồm bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo và một bát chè đường.

Đồng chí Phạm Văn Nhưng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Xuân Trường cho biết, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá để tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành và trách nhiệm của nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Các xã, thị trấn trong huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách về công tác xây dựng môi trường văn hóa tại các di tích, du lịch lễ hội tâm linh; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa nơi tổ chức lễ hội. Khuyến khích việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian như cờ tướng, chọi gà, múa lân, bơi chải, hát chèo, chầu văn… nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội theo Quyết định 17 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương có di tích cần sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân để từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá. Chính vì vậy, năm 2012, Phòng VH-TT huyện đã phối hợp với Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh tiến hành công tác khảo sát kiểm kê di tích, nhằm đánh giá thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com