Những người giữ lửa cho chèo

04:05, 15/05/2014

Là loại hình âm nhạc dân tộc, nghệ thuật chèo có sức sống bền vững. Bởi vậy, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, ở các làng quê trong tỉnh vẫn có những người âm thầm khôi phục những làn điệu chèo truyền thống của quê hương. Tiêu biểu như ông Đinh Quốc Việt, xã Xuân Tân (Xuân Trường) và bác Nguyễn Thị Lý, xã Yên Xá (Ý Yên).

Ở tuổi 70, ông Đinh Quốc Việt vẫn giữ nguyên niềm đam mê với nghệ thuật chèo và các nhạc cụ dân tộc của thuở thiếu thời. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, năm 1966 ông trở thành thầy giáo dạy nhạc. Năm 1970, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông gia nhập quân ngũ và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ông cho biết: Sau những ngày dài hành quân, trải qua những trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, những lúc nghỉ ngơi, đồng đội lại quây quần bên nhau, hát cho nhau nghe. Lời ca, tiếng hát đặc biệt là các làn điệu chèo như “liều thuốc” tinh thần làm ấm lòng đồng chí, đồng đội tiếp sức cho người lính vững tay súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đất nước thống nhất, ông ở lại công tác và được đề bạt làm trưởng phòng văn hóa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Một thời gian sau, ông về quê làm giáo viên dạy nhạc ở một số trường của huyện. Thời gian này, ông tích cực tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương; sáng tác lời cho các làn điệu chèo trong chương trình nghệ thuật của các trường mầm non, tiểu học, các trường THCS, THPT tham gia các hội diễn cấp tỉnh và toàn quốc. Trong đó, nhiều tác phẩm đã đạt giải cao như  “Giao Tiến quê em” giải Nhì toàn quốc, “Đảng cho em mãi mãi mùa xuân” giải Nhất toàn tỉnh năm 1982. Hiện nay, trong căn nhà của ông luôn tấp nập học trò đủ mọi thành phần, lứa tuổi… Có em đang là học sinh tiểu học, có những người đã đi làm nhưng đam mê làn điệu chèo, nhạc dân tộc đến để trao đổi, học hỏi về các nhạc cụ truyền thống và được dạy hát chèo. Ông dạy miễn phí cho tất cả mọi người. Ngoài dạy nhạc lý, ông còn sắm nhiều nhạc cụ để người học luyện tập. Nhiều người đã từng học ông giờ đã thành danh như: Nghệ sĩ Nguyễn Huy Thông, Trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Lai Châu… Tiếp nối ngọn lửa tình yêu nghệ thuật của bố, hai con của ông cũng chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, hai cháu nội cũng đam mê nghệ thuật chèo. Ông cho biết: Tôi may mắn được đào tạo chính quy nên việc truyền thụ kiến thức âm nhạc cho các thế hệ sau được bài bản hơn. Tôi mong ngày càng nhiều người biết chơi đàn, hát chèo, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vừa gìn giữ giá trị nghệ thuật truyền thống.

Một buổi tập luyện của đội chèo xã Yên Cường (Ý Yên).
Một buổi tập luyện của đội chèo xã Yên Cường (Ý Yên).

Cũng với niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật chèo, bác Nguyễn Thị Lý (58 tuổi), là thành viên của CLB chèo và CLB ca trù huyện Ý Yên. Sinh ra trong gia đình có truyền thống gắn bó với nghệ thuật chèo, từ thuở ấu thơ, bác đã được theo cha mẹ đi khắp các địa phương trong tỉnh cùng đội chèo của gia đình biểu diễn phục vụ nhân dân. Thời đó, đội chèo gia đình bác nổi tiếng khắp huyện, thu hút đông đảo khán giả ở các xã Yên Phương, Yên Trung đến xem. Sau khi lập gia đình một thời gian, chồng bác bị tai nạn lao động không thể đi lại được.

Vậy là mọi lo toan trong gia đình dồn lên đôi vai bác. Vượt lên vất vả, bác thay chồng chăm sóc các con. Con gái bác là Bùi Thị Lan năm nay đã 30 tuổi đã tiếp nối truyền thống gia đình, có thể hát và biểu diễn tốt cả ca trù và chèo. Hiện tại, chị cũng là thành viên của 2 CLB chèo và ca trù Ý Yên. Trên con đường nghệ thuật quần chúng, Bác Lý và con gái đã cùng gặt hái được nhiều thành công. Năm 2005, bác Lý đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Ca trù toàn quốc tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2007, bác Lý và con gái đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Ca trù toàn quốc tổ chức tại tỉnh Hải Dương. Năm 2009, hai mẹ con bác lại đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan ca trù toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội diễn sân khấu Chèo toàn quốc năm 2009, bác Lý đã đoạt Huy chương Vàng với vai diễn bà Ngã trong vở “Chuyện nhà nông”. Gần 45 năm gắn bó với hát chèo, bằng niềm đam mê cộng với chất giọng cao, vang, giờ đây, bác Lý vẫn là nhân tố trụ cột của CLB chèo và CLB ca trù huyện. Năm 2012, CLB chèo đã mở 4 lớp dạy hát chèo miễn phí ở các xã Yên Cường, Yên Tân, Thị trấn Lâm và ngành GD và ĐT huyện, mỗi lớp có từ 70-75 học viên tham gia. Bác Lý cho biết: Hiện nay, phần đông lớp trẻ không thích hát chèo. Bởi vậy, để khơi dậy tình yêu và sự say mê nghệ thuật chèo trong lớp trẻ, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cần sự quan tâm chung tay của toàn xã hội.

Những người như ông Việt, bác Lý luôn mong muốn ngọn lửa hát chèo sẽ tiếp tục được gìn giữ và tỏa sáng trong tâm hồn lớp trẻ để mãi lưu giữ nghệ thuật truyền thống quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com