Sau 3 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực ở địa phương, đặc biệt là đóng góp của nhân dân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Các địa phương đã vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình NVH, thư viện, bảo tàng và các công trình an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn đã có những đổi mới rõ rệt. Trong 3 năm, toàn tỉnh đã triển khai trên 7.000 công trình hạ tầng nông thôn, trong đó, xây mới 25 NVH xã, 15 khu thể thao xã, 431 NVH thôn, xóm, tổ dân phố, 30 khu TDTT thôn, xóm, tổ dân phố. Toàn tỉnh có 1.721/3.498 thôn, xóm đạt danh hiệu ‘‘Làng văn hóa’’, đạt 49,2%; có 405.862 gia đình (71,2%) đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 2.634 khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước, trong đó 2.434 (67%) hương ước được phê duyệt. Có 3.106 khu dân cư đạt tiêu chuẩn ‘‘An toàn về an ninh trật tự’’; 2.321 khu dân cư làm tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; 2.133 khu dân cư đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp xây dựng NVH thôn, xóm; hầu hết các khu dân cư hoàn thành xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường làng, ngõ xóm.
Nhà văn hóa xã Hải Nam (Hải Hậu) đạt tiêu chuẩn của Bộ VH, TT và DL. |
Từ kết quả trên cho thấy, vấn đề then chốt của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với việc huy động sức dân trong việc xây dựng thiết chế văn hóa ở tỉnh ta là: Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thực hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; chú trọng động viên khích lệ, tạo thành phong trào thi đua giữa các hộ, các thôn, xóm, các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể trong xây dựng thiết chế văn hóa. Từ hướng đi đúng, cách làm sáng tạo, nhiều địa phương như: Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Thành phố Nam Định đã thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa. Tại huyện Trực Ninh, 100% thôn, xóm đã quy hoạch đất để xây dựng NVH và khu vui chơi. Hệ thống NVH thôn đều có sân cầu lông, bóng chuyền phục vụ việc tập luyện TDTT của nhân dân. Các xã, thị trấn quan tâm đầu tư hỗ trợ xây dựng NVH thôn, tiêu biểu như xã Trực Nội 7/7 làng, xã Trực Đại 21/21 thôn có NVH, xã Trực Thanh đã xây dựng 1 sân vận động phục vụ cho hoạt động thể thao. Các xã xây dựng NTM như: Trực Nội, Trực Thanh, Trực Đại, Trực Hùng, Trung Đông, Việt Hùng đã quy hoạch và phê duyệt diện tích xây dựng NVH thôn theo quy chuẩn từ 500m2 trở lên. Do làm tốt công tác huy động sức dân tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí và ngày công trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, đến nay, huyện Giao Thủy có 180/332 xóm, khu dân cư có NVH, đạt 54,2%; trong đó có 6/22 xã, thị trấn đạt 100% xóm có NVH là các xã: Giao Hà, Giao Tiến, Giao Yến, Giao Phong, Giao Tân, Bạch Long. Nhiều xã đã ban hành được cơ chế khuyến khích xây dựng NVH xóm như: Giao Xuân, Giao Hải, Giao Lạc, Giao An. 100% xã, thị trấn trong huyện đều có điểm Bưu điện văn hóa xã và có điểm in-tơ-nét đến tận khu dân cư. Bên cạnh đó, phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở Giao Thủy đã huy động được nhiều tập thể, cá nhân tham gia đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện công cộng, nhà thi đấu TDTT phục vụ nhân dân. Tiêu biểu như Bảo tàng Đồng quê, xã Giao Thịnh là dự án văn hóa do gia đình bà Ngô Thị Khiếu làm chủ đầu tư theo chủ trương xã hội hóa công tác bảo tàng của Nhà nước. Bảo tàng có tổng diện tích 6.000m2, được quy hoạch theo nhiều chủ đề, gồm khu trung tâm trưng bày các công cụ lao động trong nông nghiệp, nghề biển; các dụng cụ sinh hoạt, tiền cổ, đồ gốm, đồ sành sứ; một thư viện với hàng nghìn đầu sách và hệ thống máy tính hiện đại, góp phần vào công tác bảo tồn di sản, giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, quê hương. Tại huyện Hải Hậu, cấp uỷ, chính quyền đã phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng thôn, xóm trong xây dựng thiết chế văn hóa. Người dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến vào đề án, kế hoạch xây dựng NVH, khu vui chơi, sinh hoạt TDTT, của địa phương, tham gia lựa chọn những công việc cần làm trước và mức đóng góp phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương. Bằng cơ chế cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, nhân dân trong xóm đóng góp xây dựng và con em quê hương ủng hộ kinh phí, đến nay, toàn huyện đã có 530/546 xóm (TDP) và 32/35 xã, thị trấn hoàn thành xây dựng NVH xóm, TDP (đạt 97%). Đa số các NVH xóm đều đảm bảo diện tích trên 500m2, sân thể thao, trang thiết bị, mua sắm bàn ghế, thiết bị âm thanh, vi tính nối mạng in-tơ-nét; trên 40% có tủ sách. Nhiều NVH xóm được xây dựng với kinh phí từ 350 đến trên 400 triệu đồng, có xóm trên 3 tỷ đồng (xóm 4, xã Hải Bắc). Năm 2013, toàn huyện đã có: 299/546 xóm, 100% các trường học, cơ quan, đơn vị và 72 nghìn gia đình đạt nếp sống văn hoá (bằng 80,34% tổng số hộ).
Từ các mô hình trên cho thấy, việc huy động sức dân trong xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở tỉnh ta đã bước đầu đạt kết quả và mục tiêu đề ra trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo tiêu chí NTM. Bài học rút ra từ việc huy động sức dân trong xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa là thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa, trọng tâm là thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí. Đồng thời, lồng ghép việc xây dựng các tiêu chí văn hóa NTM với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở./.
Bài và ảnh: Việt Thắng