Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước với nội dung phong phú, rộng khắp, theo hướng đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn, tạo sức lan tỏa trong tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như các phong trào, cuộc vận động: "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", "Thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả", “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà"…
Các phong trào thi đua yêu nước được gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh… Qua thực hiện phong trào, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã có nhiều chuyển biến, thể hiện qua thái độ và trách nhiệm trong công việc và trong cuộc sống hằng ngày. Một số đơn vị đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong lao động, sản xuất, đời sống như thực hiện DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, hiến đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi theo tiêu chí NTM ở các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn...
Nông thôn mới xã Nghĩa Phong. |
Phong trào thi đua phát triển kinh tế được phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ở cả 25 xã, thị trấn trong huyện. Các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đẩy thời vụ gieo cấy sớm hơn 7-10 ngày, tăng diện tích mùa sớm để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa; chỉ đạo bố trí cơ cấu giống hợp lý, đưa các giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao trồng đại trà; liên kết bố trí đội ngũ thạc sĩ, kỹ sư chuyên ngành hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp chỉ đạo mô hình cánh đồng mẫu lớn và trực tiếp thực hiện 10 mô hình sản xuất 3 vụ ở các xã, thị trấn. Năm 2013, năng suất lúa toàn huyện đạt 124,38 tạ/ha, sản lượng lương thực 135.616 tấn, giá trị thu được trên 1ha canh tác đạt trên 97 triệu đồng. Giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 995 tỷ đồng. Các ngành nghề duy trì và phát triển ổn định như: Sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm. Các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì tăng trưởng và doanh thu nhờ tái cơ cấu nguồn lực, sắp xếp lại sản xuất, chủ động tìm kiếm đối tác và thị trường; các doanh nghiệp trong CCN Nghĩa Sơn hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào thi đua yêu nước, nhất là thực hiện có hiệu quả 5 nghị quyết trong chương trình công tác toàn khóa của BCH Đảng bộ huyện khóa XXIII. Về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương trong huyện đã triển khai xây dựng 11 tuyến đường trục huyện với tổng chiều dài 51,7km; 250km tuyến đường xã và liên xã; trên 1.000km đường trục thôn, xóm, đường trục chính ra đồng; 202km kênh cấp I, 453km kênh cấp II, gần 5.000km kênh cấp III; công trình trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, trạm y tế đã và đang được đẩy mạnh xây dựng. Trong phát triển văn hóa, xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; "Xây dựng khu dân cư 5 không”; xây dựng gia đình, làng, xóm, cơ quan, trường học, trạm y tế đạt tiêu chuẩn văn hóa; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong khu dân cư. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện Nghị quyết 15-NQ/HU ngày 1-3-2011 của Huyện ủy về nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội giai đoạn 2010-2015. Năm 2013, toàn huyện có 305 đơn vị đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, trong đó 144/343 làng, xóm, khu dân cư, 56/62 cơ quan, 23/25 trạm y tế, 82/85 trường mầm non, tiểu học, THCS; 41.723 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tập hợp và vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Gắn phong trào thi đua yêu nước với phong trào phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ hợp lý, lựa chọn các giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà; mở rộng diện tích sạ hàng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Phát triển mạnh trồng cây vụ đông theo đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, trong đó cây vụ đông trên đất 2 lúa chiếm 10% diện tích trở lên, nâng cao giá trị thu nhập trên 1ha canh tác. Tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành nghề CN-TTCN; triển khai xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia, đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM ở địa phương. Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa, xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở các khu dân cư./.
Bài và ảnh: Việt Thắng