Giàn bầu trước ngõ

08:04, 25/04/2014

Đã nghe râm ran trong vòm lá tiếng chim tu hú gọi bầy. Nắng bắt đầu chói chang, rực rỡ, báo hiệu sắp mùa hè. Trong cái nắng oi ả lúc giao mùa, chợt thèm cảm giác mát mẻ, trong lành khi được đi dưới giàn bầu xanh mướt nơi quê nhà yêu dấu.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tôi nhớ vào cuối xuân, khi mưa phùn vẫn còn lây rây như chút nuối tiếc xuân tàn, mẹ tôi bắt đầu lôi trái bầu giống treo trên gác bếp xuống, cắt đôi, giũ ra những hạt nâu đen rồi ngâm vào trong bát nước. Qua một đêm, mẹ ươm hạt giống vào những hố đất tơi xốp đã chuẩn bị sẵn và đều đặn tưới nước hằng ngày. Khi những cây bầu lên cao chừng gang tay, bố chặt tre, hóp trong vườn, làm thành chiếc giàn chắc chắn chạy suốt từ ngõ vào sân. Chẳng mấy chốc, những dây bầu mập mạp, khỏe khoắn đã leo tới mặt giàn. Từng lớp lá xanh non mơn mởn, rập rờn như sóng, dần che kín cả lối ngõ, nhưng vẫn tạo những khoảng trống kẽ lá cho những tia nắng xuyên qua, nhảy nhót trên mặt đất. Hoa bầu trắng muốt, rung rinh trong nắng, trông xa như đàn bướm đang bay. Rồi những quả non bắt đầu nhú ra, ban đầu bằng ngón tay, sau vài ngày đã to bằng chuôi dao, bằng cổ tay trẻ con. Khi bầu chưa “rụng rốn”, bà tôi cấm mấy chị em không được chỉ trỏ vì sợ quả bị “đui”. Cây bầu ưa ánh sáng mặt trời nên càng nắng gắt, các ngọn nhánh càng vươn lên tua tủa, mỡ màng. Đi học về, chị em tôi thích nhất được kê mấy chiếc ghế con dưới giàn bầu mát rượi ngồi đọc sách, chơi ô ăn quan hoặc chơi bán hàng. Những trưa hè nóng nực, chúng tôi trải chiếu, nằm ngửa mặt ngắm những trái bầu thuôn dài, màu xanh ngọc bích lủng lẳng trên giàn, nghe bà tôi ầu ơ: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Mẹ tôi đi làm đồng về, đứng nghỉ dưới giàn bầu mát rượi một lúc rồi vội vã lôi mấy con cua kềnh trong xà cạp ra, chuẩn bị bữa trưa. Mẹ chọn quả bầu non vừa độ, lớp vỏ vẫn còn mềm có thể bấm móng tay vào được, đem băm nhỏ nấu canh cua. Trưa nắng, chỉ cần nhìn thấy bát canh bầu xanh mát, ngọt lành của mẹ, lũ trẻ con đã mau chóng sà vào mâm thưởng thức. Những hôm không sẵn cua, tôm, mẹ cắt bầu thái lát, xào với tỏi, ăn cũng thật đã. Chiều mát, mấy bà, mấy chị trong xóm sau buổi chợ hay buổi làm đồng lại tụ họp dưới giàn bầu nhà tôi, mời nhau uống bát nước chè tươi sóng sánh. Toàn chuyện lúa, khoai, gà, lợn mà râm ran không dứt. Quả bầu ra nhiều ăn không xuể, bà tôi với bản tính lo xa của người già thường thái mỏng, phơi thật khô rồi đổ vào hũ sành cất đi. Những ngày đông mưa dầm gió bấc, chỉ cần một nhúm bầu khô ngâm nước cho nở rồi đem xào hoặc kho với cá là nhà tôi lại có bữa ngon đơn sơ mà đầm ấm…

Về quê bây giờ vẫn thấy xanh mướt những giàn bầu, giàn bí. Nhưng rau cỏ sẵn có quanh năm nên chẳng còn mấy ai phơi bầu khô nữa. Chỉ mẹ tôi với niềm hoài cổ, mỗi mùa hè vẫn chọn những trái bầu to, tươi ngon nhất, thái phơi đầy sân thượng, gửi cho những đứa con xa quê như niềm nhắc nhớ quê hương!

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com