Đi đến bất cứ miền quê nào, ta đều gặp hình ảnh bụi chuối, bình dị mà thân quen như bờ tre, giậu ruối, gốc đa, hàng rào dâm bụt... Bao đời nay, cây chuối đã gắn bó với người quê, lặng lẽ dâng tặng cho đời những trái ngọt.
Ảnh: Internet |
Ở quê tôi, chuối được trồng khắp nơi, bởi đó là loài cây dễ tính, chẳng cần mất nhiều công chăm sóc. Song theo kinh nghiệm dân gian “chuối sau, cau trước” (chuối trồng sau nhà, cau thường trồng phía trước nhà) chuối thường được trồng ở vườn sau, bởi cây chuối mọc thành bụi, tàu lá to giúp che chắn cho ngôi nhà mỗi khi gió mùa đông bắc. Cây chuối nhanh cho thu hoạch nên còn có câu “trẻ trồng na, già trồng chuối”. Khi tôi lẫm chẫm biết đi, quanh nhà đã bạt ngàn màu xanh của chuối. Thuở bé thơ, chúng tôi cắt lá chuối, tước sợi để bện những con mèo nhỏ to, vàng xanh đủ kiểu. Có đứa lấy cả một tàu lá, múa may thích thú như Tôn Ngộ Không cướp được quạt ba tiêu. Trên sống lá chuối tươi, lũ con trai khía xiên rồi bẻ ngược lên, làm thành khẩu súng để chơi trận giả. Rồi cùng nheo mắt ngắm bàn tay lia mạnh gạt vào các mấu này, súng nổ đôm đốp nghe rất vui tai. Quần áo, chân tay chúng tôi chẳng lúc nào hết lấm lem nhựa chuối. Lớn thêm một chút, lũ trẻ quê nghèo đã biết chạy khắp vườn, cắt những tàu lá chuối khô về phơi đầy sân cho bà đun bếp. Tôi nhớ mỗi mùa xuân, bố thường tách những cây chuối con từ gốc cây chuối mẹ để trồng và móc bùn ao trộn với vỏ lạc khô đắp kín gốc. Chẳng bao lâu, những cây chuối con đã vươn cao, thân bóng láng, tỏa rộng những tàu lá to dài xanh mướt. Búp chuối non tơ, phủ phấn trắng bàng bạc, nõn nà hứng nắng, như “bức tình thư phong còn kín” trong thơ của thi hào Nguyễn Trãi. Cây chuối mộc mạc mà sâu nặng ân tình với người dân quê, bởi mọi bộ phận của cây đều hữu ích với đời sống con người. Lá chuối tươi, khô để gói bánh nếp, bánh gai, khi bóc không bị dính tay và còn tạo cho bánh lớp vỏ lụa mịn màng. Món giò lụa nhất định phải gói bằng lá chuối rồi luộc mới đậm đà hương vị quê hương. Dọc chuối khô ngâm nước cho mềm để bó rau, bó mạ. Khi chuối trổ buồng, ra được chừng bảy, tám nải, mẹ tôi cắt hoa chuối để cây dồn sức nuôi quả. Hoa chuối chẳng bỏ đi mà được thái nhỏ, kèm vào các loại rau thơm vườn nhà kinh giới, húng dũi, ăn với riêu cua vừa giòn, vừa ngọt. Quả chuối xanh nấu ốc, mẻ, đậu phụ rán vàng, thêm chút lá lốt, mùi tàu, tía tô hay củ chuối thái sợi om lươn cũng là những món ăn dân dã mà dư vị sâu lắng chẳng dễ quên. Ngay cả cây chuối sau khi dâng tặng cho đời trái ngọt cũng được băm nhỏ làm thức ăn nuôi lợn hoặc bón vào những gốc cây con.
Lặng thầm và giàu đức hy sinh, như người mẹ quê nghèo cả cuộc đời vất vả, bền bỉ nuôi nấng đàn con, những bụi chuối sẽ mãi còn đó, xanh mướt trong nỗi nhớ quê hương sâu đậm của bao người./
Lam Hồng