Tất cả những đấng nam nhi đi qua cuộc đời Kiều đều hơn một lần ngồi trên lưng ngựa. Kim Trọng cưỡi ngựa đeo chuông, Sở Khanh cưỡi ngựa truy phong, Từ Hải cưỡi ngựa chiến đeo gươm... Hầu như tất cả các đấng mày râu này đều được Thanh Tâm Tài Nhân cấp ngựa, nhưng đó chỉ là lũ ngựa tầm thường, chậm chạp và nhợt nhạt.
Khi bước vào thế giới của Truyện Kiều, lũ ngựa này đã được Nguyễn Du thuần dưỡng nên trở nên có tính cách khác nhau gắn liền với tính cách của chủ nhân, thoắt ẩn thoắt hiện, thoắt đến thoắt đi dưới bàn tay điều khiển kỳ tài của nhà thơ.
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo
Chàng trai đầu tiên lọt vào mắt Kiều là một chàng trai cưỡi trên lưng ngựa. Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân đã tả một cách sơ sài như sau: "Đương lúc hai chị em còn đang dùng dằng nửa ở nửa về, thì bỗng nghe tiếng nhạc vang từ phía xa xa, một chàng nho sĩ cưỡi ngựa tiến đến". Nguyễn Du đã tả cách cưỡi ngựa của Kim Trọng thật tinh tế, tỉ mỉ. Bước ngựa đi chậm, tay cương buông lỏng, bầu rượu túi thơ trông thật thanh bình:
"Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng
Đề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài thằng con con"
Sao bỗng dưng Nguyễn Du lại cho thêm vài thằng con con bám theo chân ngựa? Nhà thơ muốn dùng đám tiểu đồng này phô trương thanh thế họ Kim hay thực ra chỉ muốn dùng chúng "phanh" bớt chân ngựa lại, cho chàng Kim rõ ràng đi tới trong nhịp ngựa thong thả của nho sinh, bớt cái vẻ kị sĩ "cưỡi ngựa tiến đến" của chàng Kim trong Kim Vân Kiều Truyện?
Khi chia tay, Thanh Tâm Tài Nhân tả họ theo nhau lên ngựa một cách vụng về, hời hợt, chẳng thấy đâu cái vẻ lưu luyến tiếc nuối của tình yêu sét đánh buổi đầu tiên: "Cả ba chị em lập tức lên ngựa quay về. Còn chàng Kim thì cũng lên ngựa rẽ đi đường khác". Nguyễn Du không bận rộn với mấy con ngựa, ông chỉ để cho một con ngựa của Kim Trọng cất bước ra đi, còn chị em Thuý Kiều đứng lại ghé theo. Không thấy đám gia nhân, cũng không thấy đám tiểu đồng. Nguyễn Du đã dẹp hết người đi, cho ngựa của chàng Kim có thêm không gian vắng vẻ, thoáng đãng và thơ mộng:
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo
Sở Khanh đã rẽ dây cương lúc nào
Con ngựa thứ hai phi ngang cuộc đời Kiều là con ngựa của Sở Khanh. Khi mới gặp Kiều, Sở Khanh cũng vỗ ngực tự xưng là kị mã: "Rằng ta có ngựa truy phong". Không biết có phải con ngựa trong buổi đầu gặp gỡ chàng Kim đã ám ảnh Kiều không mà Kiều đã nhắm mắt đưa chân theo chàng hiệp sĩ huênh hoang ấy.
Tả về cuộc bỏ trốn của Kiều theo Sở Khanh, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ viết loanh quanh chuyện Thúy Kiều lên ngựa, Thúy Kiều đứng bên ngựa đợi chờ. Việc Sở Khanh giở mặt bỏ rơi Kiều mà Thanh Tâm Tài Nhân chỉ tả sơ sài: "Chàng bèn quay ngựa trở lại". Nguyễn Du thì lúc đầu mô tả cuộc bỏ trốn rầm rộ bước chân của ngựa:
Thừa cơ lẻn bước xuống lầu
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn.
Nhưng ngay lập tức, những con ngựa biến mất để mặc Kiều lẻ loi trước trời đất mênh mông với nỗi lòng nặng trĩu những đớn đau hồi hộp, âu lo:
Đêm thâu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương
Lối mòn cỏ lợt màu sương
Lòng quê đi một bước đường một đau
Tưởng như không phải Kiều đi bằng ngựa, mà đi bằng cả tấm "lòng quê", nhìn kỹ từng ngọn cỏ, giọt sương trên bước đường bỏ trốn.
Con ngựa trong thơ Nguyễn Du không chỉ biến đi nhường chỗ cho Kiều, nó còn biến đi để làm bật lên thói bạc tình tráo trở của Sở Khanh. Khi âm mưu vỡ lở, ta không thấy Kiều ngồi yên chễm chệ trên lưng ngựa như trong văn Thanh Tâm Tài Nhân. Không thấy cây, không thấy người, không thấy ngựa cũng chẳng thấy Sở Khanh, thế giới dưới ngòi bút Nguyễn Du chỉ còn là những âm thanh náo loạn, mơ hồ, ghê rợn:
Tiếng gà xao xác gáy mau
Tiếng người đâu đã mé sau dậy đàng
Nàng càng thổn thức gan vàng
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào
Chỉ với ba chữ "rẽ dây cương" Nguyễn Du đã vẽ lên rõ mồn một cái sửng sốt hoang mang của Kiều trong phút ấy, hơn thế nữa, tạc nên một tính cách Sở Khanh bất hủ. Và cũng chỉ với ba chữ ấy, con ngựa thật thà thô kệch của Thanh Tâm Tài Nhân đã trở thành con ngựa định mệnh đầy uẩn khúc, trớ trêu.
Vó câu ruổi thẳng nước non quê người
Con ngựa thứ ba gắn với số phận Kiều là con ngựa của Thúc Sinh. Cái cảm hứng về con ngựa định mệnh đã khiến Nguyễn Du phong tước kị sĩ cho Thúc Sinh, khiến cho chàng thương gia quen nhu nhược, nôm na có thêm chút phong lưu, mạnh mẽ.
Cuộc chia tay của Thúc và Kiều trong Kim Vân Kiều truyện được Thanh Tâm Tài Nhân mô tả thật ồn ào náo nhiệt và dung tục, với tiếng phu xe thúc giục, với Thúc Ông cùng những người làm công và bạn bè đến tiễn. Thật khác với cuộc chia tay bịn rịn, thơ mộng và phảng phất sử thi với một người một ngựa trong một không gian mênh mang, thoáng đãng, buồn man mác của Nguyễn Du:
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Ở đây, bí quyết của nhà thơ cũng là lấy ngựa tả người. Con ngựa của Nguyễn Du từng biết biến đi trong đoạn Kiều bỏ trốn với Sở Khanh, giờ đây lại biết hiện lên thay thế tất cả đám người trần tục kia, một mình tha nỗi sầu biệt ly, cất bước lẻ loi trong không gian trữ tình, đầy ắp những ký ức lịch sử và văn hóa.
Khi Hoạn Thư mở đường cho Thúc trở về nơi Thúc Ông, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ tả sơ sài: "Chàng từ biệt tiểu thư xuống thuyền nhổ neo đi thẳng". Không thấy tâm trạng của Thúc Sinh đâu, chỉ thấy Hoạn Thư và tiệc rượu. Nguyễn Du không để Thúc đi thuyền, mà cho Thúc đi ngựa rồi lấy bước chân ngựa mà tả nỗi lòng hân hoan của Thúc:
Được lời như cởi tấc son
Vó câu ruổi thẳng nước non quê người
Nguyễn Du lại thả chú ngựa thơ vào rước Thúc Sinh đi trong một cuộc trở về phơi phới thăng hoa. Cảm hứng về ngựa đã kéo theo cảm hứng về không gian. Và chú ngựa thơ kia khi chen vào trong câu chuyện đã không chỉ nâng Thúc Sinh lên tầm một người tình đằm thắm, một cốt cách thi nhân, mà chú còn đem đến cho muôn đời những dòng thơ tả thiên nhiên bất hủ.
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong
Con ngựa thứ tư đưa Kiều đến vinh hoa rồi bỏ Kiều bơ vơ trong nhục nhằn tuyệt vọng là con ngựa chiến của họ Từ. Con ngựa của Từ Hải gắn chặt với bản lĩnh anh hùng và với giấc mộng đế vương.
Khi Từ dứt áo ra đi lo nghiệp lớn, Thanh Tâm Tài Nhân đã để cho Từ hứa hẹn sẽ trở về rước Kiều vu quy với "muôn ngựa ngàn binh". Con ngựa trong mắt Từ lúc này mới chỉ là con ngựa của tương lai. Nhưng, Nguyễn Du đã lại một lần nữa thả con ngựa báu của mình ra để cho Từ cưỡi ngựa ngay trước mắt Kiều, ngay trước cuộc chia ly:
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong
Trong Kim Vân Kiều Truyện, cái oai phong dũng mãnh của Từ Hải luôn được gắn với bầy ngựa chiến. Thanh Tâm Tài Nhân đã để cho mấy chục kị mã phi tới rầm rộ hộ vệ Kiều và cho Từ ngồi trên lưng tuấn mã đón Kiều trong đám cưới. Sau đó, Từ Hải tung hoành trên lưng ngựa chiến "như một vị thiên thần". Và khi Từ mở cuộc báo ân báo oán, Thanh Tâm Tài Nhân đã để cho bầy ngựa chiến của Từ ăn thứ thức ăn trộn thịt bọn buôn người. Con ngựa của Nguyễn Du thì không phải chịu vất vả, nhọc nhằn như thế. Nguyễn Du cũng để Từ nghênh chiến trên lưng ngựa: "Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài", nhưng con ngựa mà Từ cưỡi ấy có vẻ là một con ngựa thơ, con ngựa xiếc hơn là một con ngựa chiến. Không thấy Nguyễn Du cho nó xông pha máu lửa như con ngựa của Thanh Tâm Tài Nhân. Sau khi Từ thắng lợi, con ngựa của Nguyễn Du đã lặng lẽ biến đi, không phải ăn những thức ăn dơ bẩn trong cuộc báo ân, không tham dự vào thất bại của anh hùng Từ Hải. Con ngựa của nhà thơ họ Nguyễn thật thanh tao, biến ảo và cũng thật tinh khôn! Nó đã biến đi sau khi hoàn thành sứ mệnh thơ ca.
Con ngựa thần thăng hoa trong khoảnh khắc
Nguyễn Du đã nâng con ngựa thế tục, ngựa kéo xe, ngựa chiến bình thường trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân lên tầm một biểu tượng về định mệnh, hư hư thực thực, biến ảo khôn lường. Con ngựa trong Truyện Kiều là thứ ngựa thần biết lên đồng, thăng hoa trong những khoảnh khắc quan trọng đáng nhớ nhất của đời Kiều.
Đó là cái khoảnh khắc tình đầu mới chớm "Khách đà lên ngựa người còn ghé theo", cái khoảnh khắc phát hiện ra kẻ phản bội "Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào", đánh dấu cái cột mốc ê chề của số phận mà từ đó Kiều chính thức buông xuôi dấn thân vào nhà chứa; cái khoảnh khắc phập phồng hy vọng về tương lai lẽ mọn khi Thúc Sinh "Vó câu ruổi thẳng nước non quê người"; cái khoảnh khắc bắt đầu cuộc đổi đời, khi Từ Hải "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng dong" để thực hiện giấc mộng anh hùng với viễn cảnh đầy tươi sáng.
Con ngựa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du trước hết là một hình tượng thơ, một nhân vật có tính cách và tâm trạng. Ở những chỗ con ngựa của Thanh Tâm Tài Nhân hùng hục lao đi, thì ngựa của Nguyễn Du chật vật, hoang mang hay dùng dằng tiếc nuối, với những nhịp đi "vó câu khấp khểnh" đầy trắc trở, âu lo. Ở những nơi ngựa của Thanh Tâm Tài Nhân kéo xe đi thản nhiên, lững lờ, vô cảm thì ngựa của Nguyễn Du lại lồng lên trong bão táp, để bay vào không gian giông tố của số phận Kiều:
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Không gian của nó tung vó không chỉ là không gian thực mà còn là không gian trữ tình, không gian tư tưởng với những hình ảnh cách điệu, tượng trưng và khơi gợi. Đó là không gian phù hợp với nhịp thời gian gấp gáp, thời gian của những khoảnh khắc lên ngôi.
Theo: http://antgct.cand.com.vn