Năm Ngọ kể chuyện Ngựa!

09:02, 01/02/2014

Theo các nhà động vật học thì con ngựa đã xuất hiện từ rất sớm trên trái đất của chúng ta. Thời thượng cổ con người đã săn ngựa để lấy thịt ăn. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những đống xương ngựa lớn thuộc thung lũng Rôn, miền Nam nước Pháp. Theo phỏng đoán đã có hàng vạn con ngựa ở vùng này bị ăn thịt. Sau khi nghiên cứu những khúc xương ngựa, các nhà khoa học kết luận giống ngựa đã có từ 25 nghìn năm trước đây.

Thời trung cổ, con người đã thuần hoá loài ngựa và biết vắt sữa ngựa để uống. Khoảng 1.500 năm trước công nguyên, người Ai Cập đã dùng ngựa để kéo xe và đánh đuổi người Do Thái đến tận Hồng Hải. Sau này trong các cuộc chiến tranh, con ngựa đã được đưa vào cuộc chiến và những đội quân kỵ mã đã tỏ rõ sức mạnh của nó. Người Hy Lạp cũng dùng ngựa vào những cuộc đua xe như một môn thể thao dân tộc. Tại đấu trường Olympia cứ 4 năm một lần, những cuộc đua xe ngựa hai bánh lại diễn ra. Mãi sau này, người ta còn dùng ngựa vào công việc nông nghiệp. Thế kỷ thứ X nhiều nước ở châu Âu đã dùng ngựa kéo cày, kéo xe, kéo nước.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Trên thế giới, Ả Rập nổi tiếng là nước có nhiều giống ngựa đẹp, khoẻ. Ngựa Ả Rập cao khoảng 1,4m, nặng từ 350 đến 500kg, ức nở, chân thon dài, tính thuần dễ huấn luyện và đặc biệt là sức chịu đựng dẻo dai. Năm 1840, một người Ả Rập đã dùng ngựa đi 4 ngày liền không nghỉ và đã đi được 643km. Chính vì sức dẻo dai như vậy, những người đua ngựa rất ưa thích loại ngựa này. Khi Tây Ban Nha chinh phục Tây bán cầu vào năm 1530 thì hơn 300 con ngựa đã theo đoàn quân đổ bộ lên rừng Phlo-ri-đa Hoa Kỳ. Sau này, Mỹ đã nhập cảng giống ngựa Ả Rập và đã phát triển đàn ngựa nổi tiếng này lên tới hàng vạn con.

Ngày nay, loài ngựa đã có mặt ở khắp thế giới. Những đội kỵ binh nổi tiếng đã từng vang dội một thời. Nhờ đức tính dẻo dai, dũng mãnh, thông minh, dễ huấn luyện, thế giới hiện đại vẫn còn dùng ngựa để bảo vệ các vùng biên giới, địa hình rừng núi hiểm trở. Phương tiện xe ngựa không chỉ dùng trong giao thông vận tải, mà những chiếc xe ngựa sang trọng cùng với những con ngựa đẹp còn được dùng trong các lễ nghi, du lịch. Nhiều nơi còn sử dụng đội kỵ mã cao lớn làm đội quân danh dự, tạo ra không khí long trọng trong những dịp đón những nguyên thủ quốc gia.

Ở nước ta những ai đã từng đến các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, hẳn còn nhớ những đoàn ngựa thồ nổi tiếng của Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Chính những đoàn ngựa thồ này, hằng năm đã chuyên chở hàng nghìn tấn hàng lên các vùng biên giới xa xôi. Bây giờ, lên miền núi trong các phiên chợ Tết đông vui, đầy màu sắc, chúng ta vẫn thấy rất nhiều ngựa theo đồng bào các dân tộc về chợ. Những chú ngựa thon vó và đẹp mã, gõ móng rồi hý vang, làm cho chợ phiên miền núi thêm một dáng vẻ đặc biệt, khó quên. Người ta kể rằng, những chú ngựa ấy rất thông minh, thuộc đường, chỉ cần buộc hàng rồi ra hiệu là nó đi một mạch về chợ.

Nói đến ngựa, chúng ta lại nhớ đến “Ngựa sắt Phù Đổng” với truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng, mới ba tuổi đã cưỡi ngựa đánh tan giặc Ân xâm lược. Lại nhớ đến những đoàn ngựa chiến Mông Cổ, đội quân xâm lược mạnh nhất và hung hãn nhất thế giới, đã từng chiến thắng cả một vùng rộng lớn trên thế giới. Nhưng kỳ diệu thay khi đến Việt Nam chúng đã bị quân dân nhà Trần đè bẹp. Mùa xuân Mậu Ngọ 1258, quân dân ta đã chiến thắng oanh liệt quân Nguyên tại Đông Bộ Đầu lần thứ nhất, mở đầu cho ba lần chiến thắng quân Nguyên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Cuối cùng tuổi Ngọ cũng là những người nhiều tài năng, có chí tiến thủ, trí lực nhạy bén, có đầu óc quan sát, chân thành, đáng tin cậy và dám xông vào những hiểm nghèo… Xin kể một vài nhân vật tuổi Ngọ: Lê-nin, Sô-panh, Tuệ Tĩnh, Lê Quý Đôn, Hồ Quý Ly, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải…

Hải Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com