Hình ảnh ngựa trong văn hóa Đông - Tây có gì đặc biệt?

06:02, 03/02/2014

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, rất nhiều võ tướng, hiệp sĩ luôn được tái hiện dũng mãnh và sinh động trong hình ảnh cưỡi ngựa xông pha trận mạc.

Ngay từ thời xa xưa, ngựa đã là loài vật gắn bó với con người, bởi đó là phương tiện di chuyển chủ yếu thời đó, đồng thời nó cũng loài vật duy nhất được đưa ra chiến trận và có vai trò quan trọng trên sa trường. Ở các nước Phương Tây thì ngựa thuộc cung “Nhân Mã”.

Người ta quan niệm rằng, những chiến binh huyền thoại xưa kia sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình thì sẽ bay lên trời, hóa thân thành những chòm sao. Nhân Mã là một trong số những chòm sao được Zeus hóa từ con ngựa mang tên Pegasus khi nó hoàn thành sứ mệnh giúp người anh hùng Hy Lạp Bellerophon đánh bại Chimera.

Với người Phương Đông, con ngựa gắn với những hình ảnh thực tế hơn và xuất phát từ những truyền thuyết có thật trong lịch sử. Nơi đây người ta coi ngựa là biểu tượng của lòng trung thành, sự phóng khoáng, vượt ra khỏi những giới hạn để vươn tới thành công. Dù ở đâu, thì hình ảnh con ngựa cũng là chủ đề đặc sắc trong nghệ thuật và thơ ca. Tuy nhiên, biểu trưng và cách thể hiện về ngựa trong nền văn hóa giữa Phương Đông và Phương Tây luôn chứa đựng nhiều khác biệt.

Nổi tiếng nhất ở các nước phương Tây, chính là điển tích “Con ngựa gỗ thành Troia” của Hy Lạp. Đây chính là con ngựa đã làm nên chiến thắng lịch sử của quân Hy Lạp trong cuộc chiến ròng rã hơn một thập kỷ với quân Troia. Khi cuộc chiến vào giai đoạn căng thẳng nhất, bất phân thắng bại, tiêu tốn không biết bao nhiêu sức người và của ở cả hai phía, thì tướng Odyssey của Hy Lạp đã nghĩ ra một diệu kế.

Chính là dỡ hết tàu lấy gỗ, huy động toàn bộ sức người để đóng thành một con ngựa khổng lồ trong thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành, thì đưa hết quân lính vào bên trong rồi đóng lại, chỉ để một người bên ngoài đánh lừa quân Troia rằng quân Hy Lạp đã rút lui, để lại món quà đền bù cho bức tượng Athena bị phá hủy. Quân Troia vội vã tưởng thật, vui mừng đón nhận, rồi mở cổng thành, đưa quân ra kéo con ngựa gỗ khổng lồ vào trong thành.

Sau đó tổ chức tiệc mừng chiến thắng và món quà một cách linh đình suốt ngày đêm, khi quân lính no say, bất ngờ quân Hy Lạp từ trong bụng ngựa gỗ xông ra và tiêu diệt quân Troia, chiếm được thành một cách dễ dàng… Cũng từ đó hình ảnh về ngựa trong quan niệm của người dân Hy Lạp tượng trưng cho vinh quang, chiến thắng và những điều tốt đẹp.

Câu chuyện về trận chiến thành Troia và con ngựa gỗ được nhân dân Hy Lạp lưu truyền từ đời này qua đời khác, nó là một phần không thể thiếu trong lịch sử của đất nước này. Bất cứ ai đặt chân đến Hy Lạp đều mong muốn được đến thăm và trực tiếp nghe kể về điển tích con ngựa gỗ dưới chân thành Troia lịch sử.

Một sự tích khác của Hy Lạp cổ đại chính là có con ngựa nổi tiếng mang tên Pegasus, được các vị thần phái xuống trần gian để giúp người anh hùng Bellerophon đánh bại Chimera. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, thần Zeus đã biến ngựa Pegasus thành chòm sao sáng trên bầu trời. Chòm sao đó được đặt tên là “Nhân Mã”.

Đây cũng chính là cung thứ 9 trong 12 cung Hoàng Đạo ở phương Tây. Vì thế với người Hy Lạp thì hình ảnh con ngựa rất thiêng liêng, nó tượng trưng cho cái thiện và những việc nghĩa trong đời sống hàng ngày. Nên người ta cho rằng những người sinh ra trong cung Nhân Mã là những người có khả năng làm việc độc lập, giàu tính sáng tạo, tinh thần, trí lực dồi dào và dễ chạm đến đỉnh cao của sự nghiệp.

Cùng với người dân Hy Lạp, thì một số cư dân Hồi giáo ở Đông Nam Á cũng có những quan niệm tốt đẹp về những chú ngựa. Họ coi đó là biểu tượng của tinh thần tự do, vượt ra mọi ranh giới để hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nên tại một số nơi, người dân Hồi giáo coi ngựa là con vật linh thiêng của mỗi gia đình và họ có tục thờ ngựa.

Tuy vậy, trái ngược với thần thoại Hy Lạp, thần thoại của các nước Bắc Âu lại lưu truyền câu chuyện về một con quái vật được coi là ngựa nước, có hình thù giống với hà mã, tên là Kelpie. Kelpie có màu trắng toát, có lông mao, thoạt nhìn giống với bạch mã nên bị nhiều người nhầm tưởng, do đó nó đã đánh lừa được nhiều người, khi cưỡi lên nó sẽ đưa đến vùng nước sâu để ăn thịt.

Trong khi đó, truyện dân gian người Philippines lại kể cho nhau nghe con quái vật người ngựa, tên là Tikbalang, có đầu, chân giống ngựa thường ẩn nấp trong rừng sâu, đêm tối thì ra các bản làng cướp bóc, rình bắt phụ nữ, trẻ em… Những câu chuyện nhuốm màu thần thoại nhưng có tác động không nhỏ đến quan niệm của người dân nơi đây, ở các quốc gia này họ cho rằng ngựa là đại diện cho những thế lực xấu xa, cho những điều không tốt đẹp, cần phải loại bỏ khỏi đời sống. Kết thúc những câu chuyện thường là hình ảnh những con ngựa nước bị tiêu diệt, những quái vật Tikbalang bị con người thu phục, thể hiện quy luật của cái thiện luôn chiến thắng cái ác, những cái xấu sẽ bị đẩy lùi trong xã hội.

Với đặc tính ngựa là loài có sức khỏe bền bỉ, có thể chuyên chở hàng hóa và đi một chặng đường dài không ngừng nghỉ nên theo quan niệm từ cổ xưa, ngựa tượng trưng cho nguyên lý dương trong trời đất. Cùng với bản năng nhạy bén, sung mãn nên ngựa đại diện cho hành Hỏa trong hệ Ngũ hành của tự nhiên. Vì vậy, tại một số quốc gia, ngựa tượng trưng cho hình ảnh của mặt trời đang tỏa sáng và người dân dùng ngựa để hiến tế trong các lễ hội, trong các buổi lễ tạ ơn trời đất khi được vụ mùa bội thu, khi dân chúng vượt qua thiên tai, hỏa hoạn…

Theo quan niệm của người Đông phương, hình ảnh những dũng tướng mang kiếm trên lưng ngựa phi nước đại ra sa trường là biểu tượng của sức mạnh, sự thần tốc và lòng kiêu hãnh. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, rất nhiều võ tướng, danh tướng, hiệp sĩ luôn được tái hiện rất dũng mãnh và sinh động trong hình ảnh cưỡi ngựa xông pha trận mạc.

Ở chiến trường, người ta coi trọng vai trò của ngựa sánh ngang với con người. Cùng với các chiến binh, ngựa được coi là “chiến mã”. Người ta nhìn nhận hình ảnh về con ngựa dựa trên nguồn gốc trong lịch sử, những câu chuyện có thật trong truyền thuyết, trong sự hiện hữu của chúng trong thiên nhiên và đời sống hàng ngày. Thường nhật, ngựa gắn bó với con người, giúp thồ hàng, kéo xe, là phương tiện di chuyển ở những vùng khó khăn, hiểm trở….Nên người dân coi đó là biểu tượng của lòng trung thành, sự kiên trì, cần mẫn. Hình ảnh về con ngựa đại diện cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Khác với Phương Tây, người Á Đông dùng vòng tròn 12 con giáp để theo bộ lịch. Năm con Ngựa chính là năm Ngọ, đứng sau năm con Rắn, trước năm con Khỉ và đứng thứ 7 trong vị trí 12 con Giáp. Vào đầu năm Ngọ, người dân thường chúc nhau một năm “Mã đáo thành công”, hy vọng mọi công việc trong năm đều diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ.

Người dân Trung Quốc vẫn kể cho nhau nghe về con ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường. Khi Quan Công mất, con Xích Thố bỏ ăn, nhất định không cho ai cưỡi, cuối cùng nó chọn cái chết để tỏ lòng trung thành với chủ. Vì thế, ở đất nước này, người dân đặc biệt yêu thích hình ảnh con ngựa. Theo quan niệm của người Trung Hoa, những người được sinh ra vào năm Ngọ thì tính tình phóng khoáng, rộng rãi, thông minh, nhanh nhẹn, trung thực và vô cùng cần mẫn.

Ở Việt Nam, câu chuyện nổi tiếng và đặc sắc nhất về con ngựa được lưu truyền trong dân gian chính là con ngựa thần của Thánh Gióng. Bởi trong đời sống tâm linh, Phù Đổng Thiên Vương chính là một trong tứ bất tử. Hình ảnh của con ngựa thần gắn liền với hình ảnh của Thánh tướng được người dân tôn thờ và tưởng nhớ công lao.

Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa thần tung vó bay lên trời biểu trưng cho tinh thần tự do, không khuất phục trước khó khăn luôn vươn lên phía trước. Đây cũng được coi là một trong những biểu tượng của lòng dũng cảm, của ý chí, sự kiên cường và gắn với những chiến công hiển hách của dân tộc Việt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.

Trong điêu khắc, hội họa, hình ảnh những chú ngựa đang phi nước đại cũng được ưa chuộng bởi họ cho rằng đó là biểu trưng cho sức mạnh, cho khí thế và thành công.

Trong thế kỷ 19 và nửa đầu những thập niên của thế kỷ 20, những chiếc xe ngựa cũng trở nên rất gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam bởi nó là phương tiên đi lại chủ yếu thời kỳ đó. Đặc biệt ở phương Nam, hình ảnh những chiếc xe ngựa đi trên những lối mòn xưa, giữa cánh đồng hoa cúc vàng mênh mông nở rộ đã trở thành nét đẹp rất đặc trưng của mảnh đất miền Tây. Giờ đây, những hình ảnh đó chỉ còn trong hoài niệm, nhưng những chiếc xe ngựa luôn gợi cho người ta nhớ đến dấu ấu của thời gian.

Theo: danviet.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com