Đặc sắc các trò chơi dân gian đầu xuân ở Thành Lợi

07:02, 02/02/2014

Xã Thành Lợi (Vụ Bản) là vùng đất cổ. Xã gồm 3 thôn: Quả Linh, Mỹ Trung và Bách Cốc, trong đó thôn Quả Linh (còn gọi là làng Gạo) là nơi có đông cư dân sinh sống và lưu giữ nhiều nhất các trò chơi thể thao dân gian truyền thống. Tương truyền, xưa làng có tên là làng Gạo vì nổi tiếng có nhiều gạo, được triều đình nhà Trần giao nhiệm vụ vận chuyển lương thực cho quân đội. Đã thành lệ, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ mùng 5 đến 19 tháng 3 âm lịch dân làng lại tổ chức lễ hội Thái Bình xướng ca tưởng nhớ Vua Trần đánh thắng quân Nguyên - Mông. Theo các tài liệu lịch sử, hội làng xưa có tới 20 trò chơi sinh hoạt văn hoá dân gian, các môn thể thao truyền thống như thi hát trống quân, thi đánh cờ đèn dưới nước, chơi tổ tôm điếm, múa rồng, chơi đu, múa kiếm, múa roi, vật võ, múa lân… trong đó nhiều môn thể thao được tổ chức vào mỗi dịp xuân về.

Người dân Vụ Bản xưa nay vẫn lưu truyền câu ca dao: “Mùng một chơi Tết ở nhà/ Mùng hai chơi điếm, mùng ba chơi đình/ Mùng bốn chơi chợ Quả Linh…”. Người làng Quả Linh tự hào bởi khắp các xóm hiện nay còn bảo tồn, gìn giữ nhiều môn thể thao dân gian của cha ông như múa rồng ở xóm Bến, múa sư tử ở xóm Chải, múa lân, chơi đu ở xóm Cuối, xóm Chợ... Trong các môn thể thao dân gian của làng Gạo, độc đáo nhất là múa rồng của người dân xóm Bến. Chúng tôi gặp ông Vũ Duy Hiền, đội trưởng đội múa rồng xóm Bến khi ông và một số thành viên trong đội đang sửa sang lại con rồng chuẩn bị cho lễ hội làng vào mùng 6 tháng Giêng. Ông Hiền cho biết, từ hàng trăm năm nay xóm Bến nổi tiếng bởi đã chế tạo được con rồng mây độc đáo và truyền lại cho các thế hệ cháu con. Nguyên liệu chính chế tạo rồng mây là cây mây mái (mây dại) bởi thân cây dẻo, bền, dễ uốn cong để tạo dáng rồng; lá mây có khía tạo vảy rồng rất đẹp. Mây sau khi cắt về, chuốt hết gai nhọn, sau đó mới đưa vào tạo hình. Để bảo đảm thân rồng cứng cáp, đầu và đuôi rồng còn được tết thêm 2 cành lá dừa, sau đó được bện chặt bằng thừng. Sau khi xong công đoạn tạo hình, người làng lấy lá mây cùng các loại lá cây khác quấn quanh đầu, thân, đuôi rồng; riêng đôi mắt rồng được tạo bởi 2 bóng điện. Các công đoạn chế tạo đòi hỏi người thợ chính có đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ. Trong xóm, nhiều “thợ” chính làm rồng nổi tiếng khéo tay như ông Quý, ông Hợi trước kia và nay là ông Phương, ông Năng... Giúp việc cho “thợ” chính là hơn 10 người dân trong xóm tay nghề cũng khéo léo tham gia chế tạo mất 1-2 ngày mới xong. Mặc dù không sặc sỡ sắc màu như các con rồng vải, nhưng rồng mây luôn là niềm tự hào của người dân xóm Bến bởi kết tinh từ tư duy sáng tạo, bàn tay tài hoa của người dân quanh năm chân lấm tay bùn. Những năm gần đây, khi những cây mây mái làm nguyên liệu không còn, người dân xóm Bến cũng dần thay thế rồng mây bằng đôi rồng bằng vải cũng cố gắng tạo những nét độc đáo, trong đó rồng màu vàng dài tới 100m, rồng xanh dài 40m, đều là những con rồng thuộc dạng đẹp, dài nhất tỉnh. Do đôi rồng khá lớn nên đội múa rồng xóm Bến có tới 75 người, trong đó riêng con rồng vàng cần hơn 30 người mới biểu diễn được. Ngoài lễ hội làng, đội rồng xóm Bến còn nhiều lần tham gia biểu diễn trong Lễ hội Phủ Dầy, trong các sự kiện văn hóa, thể thao của xã hay tại các hội chợ, triển lãm trong nước. Đã thành nếp, hằng năm vào sáng sớm mùng 6 Tết, trong không gian xuân sực nức hương trầm, ngát hương của các loại hoa xuân, khi nghe tiếng trống giục liên hồi là các thành viên nam, nữ của đội múa rồng xóm Bến lại khăn áo chỉnh tề đưa rồng phục vụ rước kiệu thần và bát nhang các tổ họ lên đền thờ thành hoàng làng tế lễ, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn may mắn. Hình ảnh đôi rồng vàng, xanh cùng các đôi sư tử, kỳ lân của các xóm đi trong tiếng chiêng, trống dưới sự cổ vũ, hò reo của hàng trăm người làm huyên náo cả làng mỗi độ xuân về khiến con cháu dù làm ăn ở xa luôn nhớ, hướng về hội làng.

Đội múa rồng xóm Bến, xã Thành Lợi biểu diễn trong lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện Vụ Bản lần thứ VII-2013.
Đội múa rồng xóm Bến, xã Thành Lợi biểu diễn trong lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện Vụ Bản lần thứ VII-2013.

Ngoài múa rồng, xóm Bến còn nổi tiếng có đội bơi chải đại diện cho huyện tham dự các giải bơi chải truyền thống của tỉnh. Tục truyền, từ xa xưa làng Gạo đã có đội vận chuyển lương thực bằng thuyền rất giỏi, với truyền thống “… Cả làng chuyển thóc nhà vua/ Đủ cho quân sĩ bốn mùa lương ăn...”. Ngày nay, trong lễ hội Thái Bình xướng ca nhân dân vẫn duy trì cuộc thi chở lương. Theo đó, vào hội thi mỗi thuyền chở 2 bì trấu thi bơi, đi đầu là thuyền rồng chỉ huy thúc trống dẫn đầu… Vào dịp đầu xuân, xã giao cho Ban Văn hóa xã phối hợp với Đoàn Thanh niên thôn tổ chức hội thi đua thuyền trên sông H7 chạy quanh làng Gạo thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, nhân dân trong vùng đến cổ vũ vô cùng náo nhiệt.

Xóm Cuối nổi tiếng bởi trò chơi đu. Đây là một trong số ít trò chơi dân gian của vùng đất Thiên Bản xưa còn lưu truyền đến ngày nay. Trước những ngày hội làng Quả Linh hay giáp Tết Nguyên đán, xóm cử một nhóm trai đinh khoẻ mạnh cùng các cụ cao tuổi trong xóm lựa chọn những cây tre to, khỏe, không bị sâu để làm đu. Đúng ngày hội làng (mùng 2 Tết) các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, cả xóm nô nức ra đầu xóm xem dựng du. Cây đu được tạo bởi 6 cây tre lớn làm trụ, đầu buộc dây rất vững chãi. Dây đu được tạo bởi dây tre tước từ những cây tre bánh tẻ dai, bền, nối với bàn đu chắc chắn ở phía dưới. Đu của xóm Cuối nổi tiếng không chỉ đẹp, bay bổng mà còn luôn đảm bảo an toàn cho người chơi. Giữa đất trời mùa xuân, vạn vật, hoa cỏ khoe sắc đua hương, hội làng đông vui náo nhiệt, trò chơi đu mang lại nhiều thú vị, nhất là với những đôi trai gái đang tuổi xuân thì.

Nói đến nét sinh hoạt văn hoá dân gian đầu xuân ở xã Thành Lợi, không thể không nhắc tới sới vật ở thôn Mỹ Trung, được coi là “cái nôi” của võ vật huyện Vụ Bản với nhiều thế hệ dân làng từng có đô vật tham gia đội tuyển vật của huyện đạt giải cao tại các Giải vật tự do của tỉnh, miền Bắc. Ông Vũ Đình Tê, đô vật xóm Đồng Nguyên có trên 25 năm “chinh chiến” khắp các sới vật miền Bắc, dẫn tôi đi thăm trụ sở HTXDVNN Mỹ Trung bao năm qua là nơi diễn ra lễ hội vật của làng vào dịp đầu xuân, hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ khấu bao bằng gỗ của các đô vật xưa; thăm đình Đồng Tiến tuy nhỏ nhưng nổi bật với kiến trúc cổ, sân đình rộng rãi, có hồ bán nguyệt quanh năm nước trong, đặc biệt 2 bên đầu đình còn đôi tượng 2 đô vật bằng đá đóng khố, quỳ gối tay nâng bát hương. Theo ông Tê, hàng trăm năm trước người có công đưa môn vật về làng Mỹ Trung là đô vật Môi ở xóm Đồng Tiến. Tuy nhiên đến đời đô Cựu, vật Mỹ Trung mới nức tiếng xa gần. Người dân trong làng vẫn truyền nhau nhiều giai thoại về đô Cựu với “sức khỏe hơn người, cày hàng mẫu ruộng, tay cắp bò để rửa chân”. Một hôm, đang cày ruộng, nghe dân làng kháo nhau về sới vật ở Phú Thứ, thuộc Thị trấn Gôi bây giờ, đang mở rất to, có nhiều đô vật giỏi tham dự, ông liền bỏ ngang việc về nhà bảo gia đình thổi cơm nồi đồng cho ăn. Ngay sau khi nồi cơm to chín tới, ông đùm vào vạt áo, vừa ăn vừa đi bộ đến sới vật. Đến nơi cũng là lúc sới vật đã gần chọn được người chiến thắng khi đô vật đến từ đất Thanh Hóa đánh bại nhiều đô vật giỏi, trong đó có đô vật là em trai ông. Hùng dũng bước lên sới vật, ông từ từ dùng đôi bàn tay không bóp nát các thanh luồng quây quanh sới vật. Chứng kiến sức khỏe kinh người của đô Cựu, đô vật xứ Thanh hoảng sợ xin nhường chức vô địch giải. Sau thế hệ đô Cựu, các đô vật khác trong làng như đô Viện, đô Húc, đô Tê, đô Dã… cũng nổi tiếng xa gần, từng dạy võ vật ở nhiều tỉnh, thành phố, đạt giải cao tại các giải vật tỉnh, miền Bắc. Tiếp nối truyền thống cha ông, ngày nay nhiều thanh niên trong làng cũng theo đuổi môn vật. Truyền thống vật của làng Mỹ Trung ngày càng được nhân rộng khi vào chiều mùng 2 Tết nhiều năm trước đây, tại sân HTXDVNN Mỹ Trung tổ chức sới vật đầu xuân thu hút nhiều đô vật trong làng, ngoài xã thi đấu giao hữu.

Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, người làng phải tản mát đi làm ăn xa, thiếu nhân lực nên nhiều trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống ở xã Thành Lợi không còn tổ chức đều vào dịp đầu xuân. Đáp ứng tâm nguyện của nhân dân địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đang quyết tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ để từ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các thôn sẽ từng bước khôi phục và duy trì tổ chức đều đặn các môn thể thao truyền thống của cha ông, tạo không khí phấn khởi, vui tươi cho người dân nơi đây mỗi dịp Tết đến, xuân về./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc
 



Gậy carbon Cập nhật xổ số 100 ngày liên tiếp

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com