Chiếu Chèo vào xuân

08:02, 03/02/2014

Mỗi khi hoa đào khoe sắc thắm, mưa xuân phơi phới bay, cũng là lúc các chiếu chèo quê lại rộn ràng tiếng trống, phách và mượt mà các giai điệu đón xuân. Chẳng biết tự bao giờ những làn điệu chèo đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, để cứ mỗi độ xuân về ở các làng quê lại vang lên những làn điệu chèo làm say đắm lòng người.

Âm vang truyền thống

Về làng Phú Văn Nam, xã Hải Châu (Hải Hậu) trong những ngày đầu xuân, chúng tôi được nghe những làn điệu chèo mượt mà được cất lên bởi những “nghệ sĩ nông dân”. Phú Văn Nam là một trong những làng chèo cổ nức tiếng xa gần. Ở đây, bên cây đa, giếng nước, sân đình, người dân sau những ngày lao động vất vả lại cùng nhau say sưa hát các làn điệu chèo với nhịp nhàng tay đàn, tay trống. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến, đời sống của người dân vùng quê cực khổ trăm bề, tiếng hát chèo nghẹn ngào, ai oán thương cho số phận con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Phú Văn Nam đã xây dựng được các tổ, nhóm văn nghệ, tự mua sắm trang phục, dụng cụ biểu diễn phục vụ nhân dân trong vùng. Cụ Trần Kim Chi khi ấy vừa là đội trưởng vừa là tay trống, tay phách điêu luyện. Đội văn nghệ biểu diễn cả chèo, tuồng, cải lương, ca kịch. Những tích chèo cổ như “Tống Trân - Cúc Hoa” đến tuồng “Phụng nghi đình”, “Quan Công”, rồi cải lương “Bạch Mao Nữ” đã đưa tên tuổi của đội chèo Phú Văn Nam nức tiếng xa gần. Năm 1954, ngoài diễn các vở chèo cổ như “Trương Viên”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Quan Âm Thị Kính” đội chèo Phú Văn Nam còn dàn dựng nhiều vở diễn mới về đề tài cách mạng như “Tấm ảnh bên đầm sen”, “Mối tình Điện Biên”. Những diễn viên, những nhạc công không chuyên như bà Phạm Thị Tuyết Mai, ông Nguyễn Văn Thịnh cùng với dàn nhạc của các cụ: Đinh Văn Tỉnh, Đinh Văn Dĩnh, Nguyễn Bách Thảo, Nguyễn Văn Tạc (sáo) còn được nhắc mãi. Ngoài việc biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã, đội chèo còn thường xuyên đi biểu diễn ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Cụ Nguyễn Thị Liên (77 tuổi) cho biết, cụ tham gia đội chèo từ năm 16 tuổi. Hồi đó việc con gái sắm vai diễn vợ chồng trên sân khấu bị nhiều điều tiếng, bởi vậy một thời “kép” phải đóng “đào”. Từ năm 1975 đến nay, ông Đinh Thạch Biên (con cụ Đinh Văn Tỉnh) bắt đầu tham gia đội chèo. Ông Biên đã từng có 9 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ ở đơn vị C3, Trung đoàn 49. Vở chèo “Trở về trận địa” ông sáng tác vào thời gian này được đông đảo chiến sĩ, người xem đón nhận, đã trở thành động lực thôi thúc để sau khi xuất ngũ về địa phương, ông vẫn đau đáu nỗi niềm với nghệ thuật chèo truyền thống. Vốn có năng khiếu âm nhạc và kiến thức nhạc lý được cha truyền dạy, ông đã tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của xã và được tín nhiệm giao làm đội trưởng. Ông đã mời các “cựu diễn viên”, các nhạc công của đội chèo Phú Văn Nam và vận động những người có năng khiếu truyền thụ, luyện tập cho lớp “diễn viên” trẻ... Các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của quê hương, đất nước đã tạo cảm hứng để ông sáng tác các hoạt cảnh chèo. Nội dung các vở diễn của ông tập trung vào các đề tài: xây dựng làng văn hóa, thương binh - liệt sĩ, giao thông, dân số… Tiêu biểu như các tác phẩm: “Hạt giống quê hương”, “Tìm lại mộ cha”, “Câu chuyện nhỏ làng tôi”, “Chỉ giới con đường”... Đội chèo Phú Văn Nam nhiều lần được tham gia hội diễn huyện và tỉnh; nhiều vở diễn đạt giải cao như: “Cái thước nghĩa tình”, “Con trâu phế canh”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Cô gái sông Lam”, “Long Vương vi hành”; đặc biệt vở chèo “Tiếng sáo quê hương” đạt giải A tại hội diễn Quân khu 3 năm 1981. Hiện nay, đội chèo Phú Văn Nam có 16 diễn viên và nhạc công; riêng gia đình cụ Tỉnh cả 4 người con trai và 4 cháu gái đều tham gia. Từ đội chèo Phú Văn Nam đã có nhiều diễn viên trưởng thành và đóng góp cho nền nghệ thuật chuyên nghiệp như: anh Ơn, anh Mộc, con cụ Thứ, từng là diễn viên Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị; anh Hưng, anh Hùng, con cụ Phức từng là nhạc công Đoàn văn công Phòng không - Không quân.

CLB chèo sân đình Giao Thanh (Giao Thuỷ) tập luyện các tiết mục văn nghệ đón xuân Giáp Ngọ.
CLB chèo sân đình Giao Thanh (Giao Thuỷ) tập luyện các tiết mục văn nghệ đón xuân Giáp Ngọ.

Sức lan tỏa mạnh mẽ…

Thời gian qua, phong trào khôi phục, thành lập và duy trì hoạt động của các CLB chèo quần chúng ở các xã, thị trấn trong tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều diễn viên xuất sắc của các CLB chèo là hạt nhân phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Ở xã Yên Cường (Ý Yên), CLB chèo xã thành lập năm 2003, đến năm 2011, xã mở lớp dạy hát chèo, thu hút rất đông thanh niên tham gia. Hiện nay, CLB chèo của xã có 20 thành viên, là những người đam mê hát chèo từ nhỏ, là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn nghệ quần chúng của xã như các anh: Kiều Văn Nguyện, Nguyễn Văn Hòa, các chị Hoàng Thị Tâm, Đinh Thị Duyên, Minh Chữ… Từ khi thành lập đội chèo, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong xã ngày càng được nâng lên. Những hoạt cảnh chèo như: “Yên Cường vững một niềm tin”, “Tấm Cám”… được đội thể hiện nhuần nhuyễn. Tại xã Giao Thanh (Giao Thủy), tiếng hát, tiếng trống chèo và những cô gái với váy áo mớ ba, mớ bảy, múa quạt là hình ảnh thường thấy của CLB chèo trong xã đang luyện tập những tích chèo cổ. Thành lập từ năm 1976, CLB chèo sân đình Giao Thanh đã dựng được nhiều vở chèo có nội dung sâu sắc với các “hạt nhân” văn nghệ được nhiều người biết đến như: Ngọc Thạch, Lệ Thanh, Minh Lý, Hồng Chín... Hiện nay, CLB có 13 thành viên do ông Vũ Đức Kiệm làm đội trưởng. Các thành viên trong đội tự mua sắm trang phục, nhạc cụ, tự viết kịch bản, dàn dựng, tập luyện, biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương. CLB chèo sân đình Giao Thanh đã được đi lưu diễn ở các tỉnh như: Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam... với một “dàn” kịch mục đầy đủ như các vở: “Quan Âm Thị Kính”, “Thị Màu lên chùa”, “Trương Viên”, “Tấm Cám”, “Gieo gió gặt bão”, “Quai đê lấn biển”… Ngoài những tích chèo cổ, CLB còn biểu diễn những vở chèo hoặc bài hát mới do ông Vũ Đức Kiệm sáng tác. Một số tác phẩm của ông thường xuyên được biểu diễn như: "Vợ chồng ông thuyền chài" (hoạt cảnh), "Vùng tôm", "Đứa con trai", "Hoa của mẹ", "Chú chăn trâu và ông lão đi cày"... Những nhạc công có thâm niên trong CLB như ông Nguyễn Văn Tiến (đàn Nguyệt và đàn nhị 2), ông Trần Văn Phơn (sáo), ông Vũ Đức Kiệm (đàn tam thập lục), ông Vũ Văn Đắc (trống)… thường xuyên chỉ bảo tận tình cho lớp kế cận. CLB từng tham gia các hội thi, hội diễn của huyện và giành giải A. Nhiều giọng ca tiêu biểu trong CLB thường xuyên được đại diện tham gia các hội thi văn nghệ như: Thành Nam (giải A giọng hát ngành Công an tỉnh); Bích Thục tham dự hội diễn văn nghệ của tỉnh; các diễn viên: Thu Huyền, Hồng Năm, Lệ Thanh, Minh Lý, Hồng Chín… cũng đã thể hiện thành công nhiều vai diễn khó trong các cuộc hội diễn.

Những ngày này, các tổ, đội, CLB chèo trong tỉnh đều sôi nổi tập luyện các tiết mục chuẩn bị diễn trong dịp Tết Nguyên đán. Đội chèo Phú Văn Nam vừa luyện các tích chèo cổ, vừa tập các làn điệu mới do bác Đinh Thạch Biên sáng tác như: “Hồn thiêng đất mẹ quê tôi”, “Ngày hội quê nhà”, “Tình xuân quê mẹ”. Còn các thành viên của CLB chèo ở Yên Cường và CLB chèo sân đình Giao Thanh cũng đang hối hả luyện tập để kịp biểu diễn những ngày Tết cổ truyền với các chương trình khai xuân, mừng thọ đầu xuân, hội nghị người cao tuổi, các chương trình lễ hội vào xuân… Nghệ thuật chèo đang sống trong hơi thở nhân dân và những người nghệ sĩ quần chúng ấy đang góp phần gìn giữ, phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật đặc sắc của quê hương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com