Đến ngày 15-1-2014, toàn tỉnh có 312 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt (Đền Trần - Chùa Phổ Minh), 78 di tích cấp quốc gia, 233 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2013, tỉnh ta vinh dự có “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia, gồm: Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; Tượng Phật A Di Đà thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên).
Tổng duyệt nghi thức rước Nước, tế Cá trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Ngọ 2014. |
Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, những năm qua, cùng với các địa phương trong tỉnh, ngành VH, TT và DL phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm khảo cổ học. Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và phát huy giá trị của gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật phản ánh sinh động và tương đối toàn diện về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội. Đây là kết quả to lớn trong quá trình tiến hành và triển khai công tác nghiên cứu, sưu tập, kiểm kê, khảo cổ học, tạo tiền đề và giá trị khoa học góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Trong đó, có những sưu tập hiện vật quý hiếm như: sưu tập điêu khắc đá tháp Chương Sơn, sưu tập đất nung thời Lý, sưu tập đồ dùng sinh hoạt và vật liệu kiến trúc thời Trần, sưu tập đồ gốm tôn giáo thời Lê - Mạc, sưu tập điêu khắc gỗ và đồ đồng thời Hậu Lê, sưu tập hình ảnh, hiện vật về Trường thi Hương triều Nguyễn và Thành Nam xưa. Để xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH, TT và DL trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Đền Trần - Chùa Tháp là di tích đặc biệt quốc gia có sự đóng góp to lớn của công tác nghiên cứu, khảo cổ học của các nhà khoa học Trung ương và tỉnh. GS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh Nam Định, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở VH, TT và DL, Ban Quản lý các công trình trọng điểm Nam Định và Bảo tàng tỉnh đã tiến hành thám sát, khai quật thăm dò nhiều vị trí trong khu di tích Tức Mặc - Thiên Trường. Các vị trí được thám sát gần Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, Đệ Tam Tây, Lựu Phố, đình Liễu Nha, đình Kênh, đình Cả, đình Tây Đệ Nhị, Phương Bông, Cao Đài, khu cánh đồng nằm giữa Đền Trần và chùa Phổ Minh, đồng Gừng, đồng Cửa Triều, các vị trí khai quật thăm dò chủ yếu ở khu vực Đền Trần và khu vực gò cao nằm ở phía Tây liền khoảnh với khu vực Đền Trần. Công tác nghiên cứu khảo cổ học chú trọng ở các vị trí đặc biệt quan trọng như khu vực Đền Trần, chùa Đệ Tứ, chùa Phổ Minh. Thời gian qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ học khu vực núi Phương Nhi thuộc quần thể di tích Bảo tháp Chương Sơn, xã Yên Lợi (Ý Yên). Trong đó, đã tiến hành thám sát, khai quật trên gần 400m2 và phát quang khảo sát trên 1.000m2 khu vực núi Phương Nhi. Theo Bảo tàng tỉnh, qua nghiên cứu đã thu được nhiều vật liệu và trang trí kiến trúc có niên đại thời Lý, Trần với nhiều chất liệu loại hình khác nhau bao gồm vật liệu kiến trúc, đất nung, gốm sứ, đá, dây đồng, tiền đồng, cá chì. Gốm men và sành, các mảnh vỡ của các đồ đựng bát, đĩa, lon sành, âu, vò với các màu men trắng, xanh ngọc, nâu... có niên đại từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng. Kết quả này đã bổ sung thêm tư liệu quý giá về các vấn đề liên quan đến Bảo tháp Chương Sơn; là một trong những luận cứ khoa học để Tượng Phật A Di Đà thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi được công nhận là Bảo vật quốc gia. Để làm rõ các giá trị nghi lễ Chầu văn nói riêng và tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các huyện Vụ Bản, Ý Yên tiến hành kiểm kê, sưu tầm những hiện vật, trang phục, đạo cụ trong thực hành nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định. Qua đó, Bảo tàng tỉnh đã thu thập và bảo tồn 343 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học; phản ánh sâu sắc tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Nam Định, là cơ sở để cấp thẩm quyền công nhận “Lễ hội Phủ Dầy”, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác khảo cổ, nghiên cứu làng cổ Bách Cốc thuộc xã Thành Lợi (Vụ Bản). Tại hội nghị tọa đàm 20 năm nghiên cứu Bách Cốc diễn ra tháng 9-2013 tại Hà Nội do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển phối hợp Hội Nhật Bản học tổ chức khẳng định: Với sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học, kết quả của dự án đã làm sáng tỏ những giá trị lịch sử và khoa học về nông thôn, nông nghiệp và làng xã vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng và cả nước; qua đó cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định chính sách thực tiễn để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “Tam nông” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh.
Điều ghi nhận là hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung và công tác kiểm kê di tích ở tỉnh ta được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh (Sở VH, TT và DL) đã phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả việc kiểm kê, phân loại di tích. Năm 2013, toàn tỉnh đã có 18 di tích được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh./.
Bài và ảnh: Việt Thắng