Nghệ thuật múa rồng thôn Đông Tĩnh, xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) đã có bề dày truyền thống gần 100 năm. Sau một thời gian trầm lắng, đầu năm 2010 thôn Đông Tĩnh đã khôi phục đội múa rồng để tiếp nối và phát huy truyền thống của địa phương.
Đồng chí Đinh Mạnh Tuyền, Bí thư Chi bộ thôn Đông Tĩnh cho biết, thực hiện chủ trương của chi bộ, các đảng viên và các tuyên truyền viên đã đến từng hộ gia đình khảo sát ý kiến nhân dân về việc thành lập đội múa rồng, đồng thời các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể đã chủ động triển khai các hoạt động xây dựng nên đội múa rồng thôn Đông Tĩnh đã được khôi phục trở lại. Với sự giúp đỡ kinh phí của con em xa quê kết hợp với đóng góp của các thành viên, đội đã trang bị dụng cụ, trang phục…, cho hoạt động của đội múa rồng. Đến nay, đội múa rồng của thôn có số lượng thành viên đông đảo gồm 78 người, người già nhất đã 73 tuổi. Ông Đinh Hữu Biều, đội trưởng đội múa rồng thôn Đông Tĩnh cho biết: Đội múa rồng biểu diễn thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương. Để có những tiết mục múa đặc sắc, đòi hỏi sự khổ luyện của các thành viên, đặc biệt là người múa đầu rồng vừa phải có kỹ năng múa, vừa phải có sức khỏe phối hợp các động tác nhịp nhàng với tiếng trống. Trong đời sống tâm linh của nhân dân, rồng là biểu tượng cho sức mạnh và sự hưng vượng nên múa rồng là hình thức biểu lộ sự cầu mong phồn thịnh.
Một buổi tập của đội múa rồng thôn Đông Tĩnh. |
Đội múa rồng thôn Đông Tĩnh có thể biểu diễn được nhiều kiểu múa rồng, tùy từng dịp biểu diễn mà đội sẽ chọn kiểu múa cho phù hợp như múa “biểu diễn”, múa “diễu hành” vào dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên đán hoặc các sự kiện chính trị, văn hoá. Lối múa này rồng vừa múa vừa diễu hành qua các con đường nhỏ hẹp của làng quê với cờ Tổ quốc, chiêng, trống, kèn, não bạt… Các động tác múa rồng dù đơn giản hay phức tạp cũng đều đòi hỏi tất cả thành viên phải có đầy đủ thể lực, kỹ năng và trên hết là tính kỷ luật cao. Nếu múa loạn nhịp thì sẽ làm mất đi cái hồn, cái uy dũng, thần sắc của rồng. Ở đội múa rồng thôn Đông Tĩnh có nhiều gia đình gắn bó với nghệ thuật múa rồng, tiêu biểu như gia đình ông Dương Văn Ấm, có con trai là Dương Văn Oanh, con rể Trần Văn Thành đều tham gia đội múa rồng của thôn. Trong nghệ thuật múa rồng thì kỹ năng thôi là chưa đủ, mà phần quan trọng chính là đạo cụ con rồng, nhất là đầu và thân rồng được trang trí đẹp hay không. Đội múa rồng thôn Đông Tĩnh đã phải lặn lội khắp các huyện trong tỉnh rồi sang cả các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam để tìm hiểu các mẫu đầu rồng, sau đó nhờ ông Trần Văn Duyên ở thôn làm đầu rồng. Tuy không phải là nghệ nhân nhưng ông Duyên là người có "duyên" níu giữ hồn quê, rất khéo tay với nhiều sản phẩm làm từ thân cây hóp. Qua tìm hiểu ông nhận thấy đầu rồng cổ thường nặng trên 30kg, đầu, hàm, mang và sừng rồng được làm bằng sắt nên người múa phải rất vất vả mới có thể thực hiện các động tác kỹ thuật. Vì vậy ông đã nghĩ cách làm cho đầu rồng nhẹ hơn bằng việc thay thế nhiều vật liệu ở đầu rồng, hàm, mang và sừng... bằng thân cây hóp có sẵn ở địa phương. Nhờ sự sáng tạo của ông Duyên nên đầu rồng của thôn Đông Tĩnh nhẹ, khi múa rất thanh thoát và uyển chuyển. Đặc biệt, các đầu rồng cổ thường được dán bằng giấy nên khi trời mưa buổi biểu diễn sẽ bị gián đoạn, rồng do ông Duyên làm được bọc bằng vải tráng ni lông, vảy vẫn được trang trí bằng sơn nhiều màu sắc và chống thấm. Ông Duyên tâm sự: Người làm rồng phải biết tạo hình thật khéo léo, biết tạo ra các điểm nhấn rõ nét. Vẽ tạo vảy trên thân rồng sao cho thật đều, đẹp, vẽ họa tiết trên vải lụa sau khi cắt may, tô xanh, đỏ, vàng… vào mang. Hàm rồng có 8 răng nanh trông dữ tợn được vẽ sơn màu đỏ và trắng hài hòa mới thể hiện hết vẻ uy nghi phi phàm của rồng.
Đội múa rồng của thôn Đông Tĩnh đã tích cực tham gia các hoạt động của địa phương như: biểu diễn trong các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm của Đảng, của đất nước, mừng thọ các cụ cao tuổi, hay dịp lễ hội Trần Hưng Đạo của thôn vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Đội còn được mời biểu diễn ở các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Châu và được tham gia biểu diễn tại Đại hội TDTT lần thứ VII năm 2013 của huyện./.
Bài và ảnh: Viết Dư