Bảo tàng cấp huyện là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, là địa chỉ để nhân dân tìm đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương. Toàn tỉnh hiện có 4 Bảo tàng huyện gồm: Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực và Trực Ninh. Các bảo tàng mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng đã phát huy vai trò của một thiết chế văn hoá trong đời sống xã hội, phục vụ đắc lực công tác giáo dục truyền thống ở địa phương.
Bảo tàng huyện Ý Yên hiện đang lưu giữ 200 hiện vật. |
Bảo tàng huyện Hải Hậu được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1976 gồm 5 phần trưng bày: Phần 1 trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về quá trình hình thành mảnh đất và con người Hải Hậu, phong trào cách mạng của huyện thời kỳ 1930-1951. Phần 2 trưng bày hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Phần 3 trưng bày hình ảnh hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm huyện Hải Hậu. Phần 4 trưng bày các tài liệu về lịch sử phát triển kinh tế của huyện. Phần 5 trưng bày hình ảnh, tài liệu, hiện vật về các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá của nhân dân Hải Hậu. Chị Vũ Thị Thúy, cán bộ Bảo tàng huyện cho biết: Bảo tàng Hải Hậu được trưng bày theo từng chuyên đề cụ thể, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử văn hoá và con người nơi đây, từ thời kỳ mở đất đến quá trình xây dựng và phát triển ngày nay. Thời gian qua, Bảo tàng Hải Hậu không ngừng hoàn thiện hệ thống trưng bày, sưu tầm, bổ sung thêm tài liệu, hiện vật. Đến nay, Bảo tàng huyện đã có gần 4.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật. Số người đến tham quan, nghiên cứu tại bảo tàng ngày càng tăng. Năm 2013, đã có gần 10 nghìn lượt khách đến tham quan bảo tàng. Bằng những hoạt động thiết thực, bảo tàng huyện đã góp phần đắc lực trong việc giáo dục lịch sử, truyền thống của quê hương, đặc biệt là đối với học sinh ở các trường trên địa bàn huyện. Trong dịp kỷ niệm 125 năm thành lập huyện Hải Hậu, Bảo tàng huyện đã được đầu tư mở rộng khuôn viên với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng, đáp ứng yêu cầu của ngày càng nhiều người đến tham quan học tập, nghiên cứu… Bảo tàng huyện Ý Yên được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005, có diện tích 500m2 với trên 200 hiện vật được trưng bày. Từ ngày đi vào hoạt động, Bảo tàng đã huy động các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, xã hội như: Mũi tên đồng thời Lê được khai quật ở quần thể di tích làng Ngô Xá, xã Yên Lợi; tượng Phật A Di Đà thời Lý được phục chế và bệ sen thời Trần... Ông Nguyễn Công Tĩnh, xã Yên Đồng đang công tác tại Trung tâm VH-TT huyện Ý Yên đã đóng góp nhiều hiện vật cho bảo tàng huyện như đồng tiền xu, tiền hào cổ, quân tư trang của bộ đội... Năm 2013, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp bảo tàng với kinh phí 3,2 tỷ đồng để phục vụ nhân dân. Hoạt động của bảo tàng đã đi vào ổn định, trung bình mỗi tháng có khoảng 500 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập nghiên cứu.
Mặc dù, hoạt động của các bảo tàng tuyến huyện đã từng bước khởi sắc, phát huy vai trò trong công tác gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế. Nhiều chuyên đề trưng bày thiếu tính khoa học, chưa thể hiện được đặc trưng từng vùng miền. Nội dung trưng bày theo lối truyền thống, không được đổi mới thường xuyên. Đội ngũ cán bộ, phục vụ tại bảo tàng thiếu chuyên nghiệp dẫn đến việc phát huy giá trị của những thiết chế này chưa hiệu quả, không hấp dẫn khách tham quan. Đối tượng tham quan chủ yếu là học sinh, sinh viên theo các chương trình hoạt động ngoại khoá, nhân các dịp kỷ niệm. Hoạt động của bảo tàng còn thụ động, chưa phối hợp với các hoạt động văn hoá khác trong việc phát huy giá trị hiện vật để giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng của quê hương.
Để khai thác phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật của bảo tàng, cần có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Huyện uỷ, UBND các huyện trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại bảo tàng. Bên cạnh đó, cần quan tâm, đầu tư áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc trưng bày, bảo quản các tài liệu, hiện vật tại bảo tàng. Các bảo tàng huyện cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hoá tổ chức các hoạt động phong phú và hấp dẫn để thu hút khách tham quan./.
Bài và ảnh: Viết Dư