Loại bỏ "hàng giả", làm trong sạch thị trường âm nhạc

08:01, 24/01/2014

Không được thừa nhận một cách chính thức, cũng không được bất cứ cơ quan chức năng nào cho phép lưu hành, song nhạc "chế" vẫn ngang nhiên tồn tại và ngày càng bùng phát một cách mạnh mẽ, đe dọa nghiêm trọng tới "gu" thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ.

Trước tiên, cần khách quan nhìn nhận, việc sáng tác lời mới dựa trên nền những giai điệu quen thuộc đã xuất hiện từ lâu và không phải không có những ưu điểm. Nhiều bài hát được các thầy giáo, cô giáo thay lời đã trở thành "bí kíp" để học sinh dễ tiếp thu, nhớ kiến thức. Nhiều ca khúc được chế một cách dí dỏm, thông minh đã mang lại dấu ấn riêng cho nhiều trường đại học, cao đẳng trong các cuộc thi, màn giao lưu, chào hỏi... Hay như gần đây, một số bản nhạc chế mang tính thời sự xuất hiện nhằm giễu nhại hành động hôi bia, lên án hành vi bạo hành trẻ em của hai bảo mẫu ở quận Thủ Đức vừa qua cũng đã mang lại tác động tích cực tới nhận thức của cả xã hội... Sẽ chẳng có gì phải bàn nhiều nếu nhạc "chế" cứ thế ra đời vì những mục tiêu nhân văn cao đẹp. Nhưng đáng buồn thay, ở vào thời điểm mà âm nhạc giải trí trở nên bão hòa và nhạt nhẽo thì nhạc "chế" đã "lên ngôi" với phần lớn các sản phẩm chất chứa nội dung nhảm nhí, dung tục. Những điệu lý, điệu hò mang âm hưởng dân ca mượt mà bị xuyên tạc thành những Lý nói láo, Lý bán quán, Lý gái hư... Ngay cả những ca khúc cách mạng hay những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng cũng bị các "chế sĩ" tự do thay lời mới một cách nhăng nhít, thô thiển.

Hai ca sĩ Yanbi và Mr.T vừa bị Cục Nghệ thuật biểu diễn xử phạt 5 triệu đồng/người vì chế lời tục tĩu cho ca khúc Thu cuối.  Ảnh: Internet
Hai ca sĩ Yanbi và Mr.T vừa bị Cục Nghệ thuật biểu diễn xử phạt 5 triệu đồng/người vì chế lời tục tĩu cho ca khúc Thu cuối. Ảnh: Internet

Đã xa rồi cái thời nhạc chế đi theo những chiếc xe dạo luồn lách vào các hang cùng ngõ hẻm. Giờ đây, khi mà mỗi người ít nhất đều "thửa" riêng cho mình một thiết bị kết nối mạng như máy tính, di động, ipad thì nhạc chế lan truyền với tốc độ chóng mặt như một bệnh dịch khó ngừa. Muốn kiểm chứng, chỉ cần gõ thử hai từ khóa "nhạc chế" lên Google, lập tức sẽ hiển thị con số đáng ngạc nhiên lên tới gần 37 triệu kết quả. Thậm chí, mở một forum chuyên đăng tải nhạc xuyên tạc, sẽ thấy nhan nhản những bài nhạc chế "đắt khách" với vài trăm nghìn, có khi lên tới hàng triệu lượt người nghe. Chính sự xuất hiện bát nháo, khó kiểm soát của nhạc chế đã biến thị trường âm nhạc Việt Nam trở nên nghiệp dư hóa, dẫn tới sự lệch lạc trong việc tiếp nhận các giá trị thẩm mỹ âm nhạc thực thụ. Càng đáng lo hơn khi đối tượng sáng tác, thụ hưởng và tỏ ra thích thú với những bản nhạc chế - nhạc rác đó lại đa phần là những bạn trẻ ham của lạ, thích cái mới nhưng còn thiếu định hướng trong tư tưởng, nhận thức, dễ bị ảnh hưởng và dao động. Nhạc chế thậm chí còn xâm lấn tới cả những lớp mẫu giáo, những trường tiểu học. Những chiếc miệng xinh xắn thơ ngây mải mê vô tư hát các bài chế có ca từ nhảm nhí. Thử hỏi, những tâm hồn non nớt sẽ bị đầu độc thế nào trước những lời hát méo mó, xuyên tạc như trên? Nhận thức của giới trẻ sẽ bị lệch lạc, ảnh hưởng như thế nào trước những bản nhạc chế ca ngợi việc cướp giết, cờ bạc, tù tội, mại dâm đang tràn lan trên mạng và nhan nhản trong các đĩa CD nhạc chế lậu được bán với số lượng lớn ở chợ Đồng Xuân, chợ Giời? Không những thế, sự hỗn loạn những giá trị thật giả trong thị trường âm nhạc Việt Nam còn dẫn tới sự tiếp nhận văn hóa nghệ thuật một cách cảm tính, bản năng, thiếu định hướng. Bằng chứng gần đây nhất là chuyện Yanbi và Mr.T, hai ca sĩ trẻ đang được khá nhiều fan teen hâm mộ đã thản nhiên bỏ qua Luật Bản quyền âm nhạc, tự chế lại bài hát "Thu cuối" bằng những lời lẽ tục tĩu, thô thiển. Hay sự xuất hiện clip một nhà sư trẻ vô tư hát bài chế "Kiếp đi tu" đã tạo nên một hình ảnh phản cảm, không mấy đẹp cho dư luận.

Thiết nghĩ, sự xuất hiện tràn lan của trào lưu nhạc chế không những đang cổ súy cho vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc, làm xói mòn văn hóa nghe nhạc một cách có ý thức trong giới trẻ mà còn làm đau lòng những người nhạc sĩ thực thụ và công chúng yêu âm nhạc thực thụ. Hồi chuông cảnh báo cho sự lây lan của bệnh dịch nhạc chế đang gióng lên hối hả hơn bao giờ hết, nhưng đáp trả lại là sự lúng túng trong việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Tất nhiên, để thanh lọc lại nền âm nhạc Việt Nam từ một thị trường bát nháo, hỗn loạn như hiện nay là vấn đề không dễ. Các cơ quan quản lý văn hóa, an ninh cũng đã vào cuộc với những đợt truy quét băng đĩa lậu mà chẳng ăn thua. Song không vì thế mà có thể để âm nhạc Việt tự phát triển theo kiểu thả nổi. Hàng giả trong thị trường hàng tiêu dùng luôn bị tẩy chay. Vậy thì thị trường âm nhạc cũng cần kiên quyết loại bỏ các loại hàng giả. Trước sự bùng phát của nhạc "chế" trên các trang mạng, các cơ quan quản lý văn hóa cần phối hợp với các đơn vị quản lý an ninh mạng ráo riết thanh tra, kiểm tra các trang web, forum, mạng xã hội và có những chế tài xử lý nghiêm minh mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần thiết lập những đường dây nóng trong quần chúng và có chế độ khen thưởng xứng đáng với những trường hợp phát hiện, báo cáo những đường dây buôn băng đĩa nhạc "chế" lậu khiêu dâm, tục tĩu cho cơ quan chức năng kịp thời xử phạt, ngăn chặn. Theo nhạc sĩ Dân Huyền, trong lúc cơ quan quản lý còn khó kiểm soát nạn chế nhạc, để ôn hòa và tạo hướng đi cho những người thích nhạc chế, có thể tổ chức các cuộc thi viết lời cho các làn điệu dân ca để tạo ra một sân chơi lành mạnh hơn cho các "chế sĩ", biết đâu sẽ làm xuất hiện nhiều tác giả trẻ có thế mạnh về việc đặt lời cho dòng nhạc này. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc định hướng thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh cho con em mình. Có thế, thị trường nhạc "chế" mới dần loại bỏ được những bản chế vô văn hóa, làm trong sạch lại môi trường âm nhạc Việt Nam vốn đang bị nhạc "rác" lũng đoạn./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com