Hội trống cà rùng và hội trắc ở Nghĩa Sơn

09:01, 14/01/2014

Hội trống cà rùng và hội trắc ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) từ lâu đã vượt khỏi khuôn viên sinh hoạt tại các nhà thờ để tham gia vào các hoạt động văn hóa và các sự kiện chính trị của xã, của huyện. Tiếng trống, tiếng trắc vang lên trong dịp Đại hội TDTT của huyện hay hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước đã trở nên quen thuộc với nhân dân trong huyện.

Một buổi tập của hội trống cà rùng giáo họ Ngòi Voi, xứ Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn.
Một buổi tập của hội trống cà rùng giáo họ Ngòi Voi, xứ Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn.

Đồng chí Đinh Ngọc Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: Cả 9 giáo họ của xã đều có hội trống cà rùng. Mỗi hội có từ 40-60 thành viên, trong đó tiêu biểu nhất là giáo họ Ngòi Voi giáo xứ Quần Liêu. Mỗi khi xã tổ chức chương trình văn hóa, thể thao, hội trống cà rùng giáo họ Ngòi Voi lại được tham gia biểu diễn. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, trùm trưởng giáo họ Ngòi Voi thì hội trống cà rùng của giáo họ đến nay đã có gần 100 năm. Thành lập từ năm 1916, lúc đầu có 40 người, hiện nay hội có 68 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Các hội viên chủ yếu là thanh niên, vì người được chọn không chỉ đòi hỏi khả năng thẩm âm mà còn phải có sức khỏe để hoàn thành đánh 5 bài cơ bản, mỗi bài khoảng 35 phút, với cường độ vận động rất cao, vừa đánh lại phải vừa nhảy theo nhịp. Đặc biệt, người đánh trống cái phải là người có sức khỏe tốt mới cầm được chiếc dùi trống dài 80cm, đường kính 10cm để đánh trống cái có đường kính hơn 2m. Trong khi tập luyện, hội trống phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên như: người đánh trống cái, vị trí những người đánh trống con, người đánh cồng, người chơi lá bạc, người múa gậy phụ họa, thổi còi nhịp, đẩy trống cái… Các đạo cụ để biểu diễn cũng phải được thống nhất theo quy chuẩn nhất định, như: trống cái thường có đường kính trên 2m, cao khoảng 1,2m; các trống con có đường kính từ 60-80cm, cồng và lá bạc phải được đúc thủ công bằng đồng. Để có được tiếng trống cà rùng hay và đều, phải đặt mua được những đạo cụ chất lượng. Ông Nguyễn Văn Hiếu, là người có kinh nghiệm bắt nhịp trống nhiều năm của hội chia sẻ: Nguyên liệu làm trống có vai trò quyết định đến độ hay, dở của âm thanh. Tất cả các công đoạn đều làm theo phương pháp thủ công đúng kỹ thuật cổ thì âm thanh của trống sẽ rất chuẩn. Trống thường được đặt mua ở làng nghề trống Đọi Tam, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Trống cà rùng đánh theo bản nhạc, mỗi điệu nhảy của 1 bài trống lại khác nhau nên có nhiều yêu cầu khắt khe. Vai trò của người bắt nhịp trống rất quan trọng, người cầm nhịp trống phải biết nghe để “gọt” tiếng trống cho rung và ấm, phải có khả năng cảm nhận nhịp điệu tốt thì mới phối hợp trọn vẹn. Ngoài ra, còn phải biết lựa chọn, xếp đặt và điểm đủ tiếng trống theo những tiết tấu phù hợp. Mỗi khi chuẩn bị tham gia một buổi biểu diễn, hội phải tập luyện hàng tháng cho nhuần nhuyễn các động tác nhảy để khớp hoàn chỉnh 1 bản nhạc.

Trong khi hội trống cà rùng phát triển mạnh về số lượng thì hội trắc chỉ còn lại duy nhất ở giáo xứ Liêu Ngạn. Ông Lưu Ngọc Chiều từng là chủ nhiệm giáo xứ Liêu Ngạn cho biết: Hình thành từ năm 1920, hiện hội trắc Liêu Ngạn còn 38 hội viên đang sinh hoạt. Hội trắc cũng như hội trống cà rùng mang tính cộng đồng, hòa hợp trẻ em, người lớn, nam, nữ quây quần trong vũ điệu khi đánh trắc vào dịp đại lễ. Đạo cụ để đánh trắc là những cặp thanh gỗ lim hoặc trắc cắt khúc nhỏ từ 35-40cm, hình bầu dục, khi gõ vào nhau tạo ra âm thanh có độ đanh và rất bền, hòa với tiếng trống, thanh la, não bạt, sinh tiền, mõ, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh hấp dẫn, lại có chất đanh thép hào hùng như quân lệnh. Trên phương diện nghệ thuật, các bước di chuyển lôi cuốn qua vũ điệu người chơi gợi cho ta hình ảnh hân hoan bình dị, thu hút đám đông. Hội thường xuyên tập luyện và hướng dẫn cách đánh trắc cho các cháu từ 8 tuổi trở lên, dạy kỹ thuật cơ bản trong vòng 1 tháng. Sau đó, người hướng dẫn tiếp tục đi sâu truyền thụ các kỹ năng đánh trắc phối hợp với nhiều nhạc cụ khác mà vẫn đều, gõ đúng bài, đồng thời phải luyện tay, chân nhuần nhuyễn vì người chơi trắc cũng phải vừa gõ, vừa nhảy. Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hoá, hội trắc xứ Liêu Ngạn đã huy động được hàng chục triệu đồng để mua sắm đạo cụ, trang phục biểu diễn. Hội trắc xứ Liêu Ngạn đã từng đi diễn ở nhiều kỳ đại hội TDTT huyện, biểu diễn ở Hà Nội và một số địa phương khác…

Tiếng trống cà rùng, tiếng trắc đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hoá của người dân Nghĩa Sơn, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, cùng hướng một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com