Đã thành lệ, mùng 7 tháng Giêng hằng năm, công chúng yêu cổ vật trong và ngoài tỉnh lại đến Bảo tàng tỉnh để chiêm ngưỡng hàng nghìn cổ vật có niên đại từ đầu Công nguyên đến các triều đại phong kiến Việt Nam do các hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường, CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam tỉnh dày công sưu tầm. Chuẩn bị cho cuộc trưng bày, giao lưu cổ vật đầu xuân năm Giáp Ngọ 2014, các nhà sưu tập cổ vật trong tỉnh đã tích cực chuẩn bị nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, từng bước đưa cuộc trưng bày cổ vật đầu năm trở thành một địa chỉ du lịch thú vị, lành mạnh, đậm tính văn hóa trên mảnh đất Thành Nam mỗi dịp đầu xuân mới.
Ông Trần Thịnh, Trưởng đại diện CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam của tỉnh chọn lọc các cổ vật tham dự cuộc trưng bày, giao lưu cổ vật đầu xuân Giáp Ngọ 2014. |
Ngay trong năm 2013, Hội Cổ vật Thiên Trường và CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên tổ chức tuyển chọn các cổ vật có giá trị để trưng bày. Dự kiến tại cuộc trưng bày xuân năm nay các hội viên sẽ mang đến các đồ gốm, sứ, gồ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, sứ nước ngoài… Hội viên Nguyễn Thị Tú Anh sở hữu trên 5.000 cổ vật, mặc dù đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng xuân nào cũng về quê, mang cổ vật tham dự. Năm nay, chị cho biết sẽ trưng bày một số đồ gỗ sơn, tranh sơn thếp vàng thời Nguyễn và đồ sứ Trung Quốc và tổ chức đấu giá làm từ thiện. Ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội Cổ vật Thiên Trường hiện sở hữu trên 200 hiện vật đất nung đầu rồng, phượng, lá đề thời Lý, Trần. Sau khi tham dự Triển lãm thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội vào 25 tháng Chạp năm Quý Tỵ 2013, ông Hinh dự kiến sẽ mang một số đồ gốm trên cùng với tranh sơn mài tham dự cuộc trưng bày cổ vật tại Bảo tàng tỉnh đầu xuân Giáp Ngọ 2014. Một số hội viên của Hội như ông Lê Quang Chức (TP Nam Định), các ông Lưu Chính Nghĩa, Nguyễn Quốc Huy (Hải Hậu)… dự kiến mang một số đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, gốm Bát Tràng, sứ Trung Quốc để làm phong phú thêm cho cuộc trưng bày. Cùng với Hội Cổ vật Thiên Trường, hội viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam của tỉnh cũng đang tích cực chuẩn bị cho đợt trưng bày. Mặc dù chỉ có 46 hội viên nhưng số lượng cổ vật Việt Nam, cổ vật nước ngoài mà các hội viên CLB sở hữu khá lớn, đặc sắc. Tiêu biểu như hội viên Bùi Văn Quang nổi tiếng với thú sưu tầm các sắc phong của triều đại phong kiến Việt Nam, sau đó hiến tặng cho các bảo tàng, ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa, nhiều dòng họ trong nước. Ông Trần Thịnh, Trưởng đại diện CLB hiện sở hữu trên 500 cổ vật của các thời đại lịch sử Việt Nam, một số cổ vật nước ngoài có giá trị, trong đó nhiều nhất là các tượng nghê Bát Tràng và gốm Phù Lãng. Nhà sưu tập Vũ Văn Khánh ở đường Tô Hiệu (TP Nam Định) dự định sẽ mang đến triển lãm các bình vôi, ống bút, quả cân đặc sắc mà ông dày công sưu tập được. Hội viên Đặng Văn Kiên, ở xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) dự kiến mang một số đỉnh đồng, các con vật trang trí để bàn bằng đồng thời Nguyễn… Bên cạnh các nhà sưu tập cổ lâu năm, đợt trưng bày, giao lưu cổ vật năm nay sẽ có sự tham gia của nhiều hội viên trẻ tuổi nhưng sở hữu số lượng cổ vật khá lớn. Hội viên Lê Văn Hưng, 38 tuổi ở đường Hàng Thao (TP Nam Định), hội viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam tỉnh sẽ mang đến trưng bày bộ sưu tập lọ dáng tỳ bà, lọ dáng nai Bát Tràng, lọ dáng ống sứ Trung Quốc. Anh Trần Trung Sỹ, chủ quán Cà phê Việt ở Thành phố Nam Định, hội viên CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam tỉnh mới 36 tuổi nhưng đã có 10 năm sưu tập cổ vật. Tham gia hoạt động trưng bày cổ vật đầu xuân năm nay, anh sẽ đem một số con nghê trong tổng số gần 100 con nghê cổ trong bộ sưu tập của anh. Anh cho biết: “Việc tham dự trưng bày, giao lưu cổ vật không chỉ thỏa mãn thú chơi, mà còn là cơ hội để những người trẻ tuổi như chúng tôi được giao lưu, học hỏi các nhà sưu tập cổ vật giàu kinh nghiệm về cách xác định nguồn gốc, xuất xứ, niên đại và kinh nghiệm đánh giá chất lượng cổ vật...”. Bên cạnh việc trưng bày, giao lưu các cổ vật, một hoạt động cũng thu hút được sự tham gia của các hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường, CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam của tỉnh là bán đấu giá cổ vật góp kinh phí để ủng hộ các hoạt động từ thiện.
Cuộc trưng bày, giao lưu cổ vật đầu xuân góp phần bảo tồn di sản văn hoá, từng bước xây dựng và phát triển thị trường cổ vật lành mạnh trong tỉnh. Theo thống kê, Hội Cổ vật Thiên Trường và CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam tỉnh hiện có 211 thành viên, là địa phương có phong trào chơi cổ vật mạnh của cả nước. Không chỉ quy tụ những người có chung một niềm đam mê cổ vật trong tỉnh, các cuộc trưng bày còn thu hút nhiều người chơi cổ vật từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Trong đó, Hội Cổ vật Thiên Trường có 8 chi hội, sinh hoạt tại các địa phương và khu vực khác nhau gồm các chi hội của Thành phố Nam Định, các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Thành phố Hồ Chí Minh, chi hội Bạch Đằng - Hải Phòng, chi hội Hà Nội. Ngoài ra hoạt động trưng bày, đấu giá cổ vật vào dịp đầu xuân, các hội viên cổ vật tỉnh ta đã thực hành nghiêm túc việc đăng ký và giám định các cổ vật theo Luật Di sản văn hoá năm 2001. Đều đặn từ một đến hai năm một lần, Hội Cổ vật Thiên Trường, CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam tỉnh lại mời các chuyên gia về giám định, chứng nhận cổ vật. Tính đến nay, đã có hàng nghìn cổ vật của người sưu tập trong tỉnh được giám định, trở thành một sinh hoạt văn hoá chuyên nghiệp, công khai cấp quốc gia. Tuy nhiên, giới sưu tầm cổ vật trong tỉnh mong muốn Nhà nước sớm ban hành, hoàn thiện hành lang pháp lý về đấu giá cổ vật, qua đó để hoạt động sưu tầm, nghiên cứu cổ vật ngày càng được tôn vinh, đồng thời chống nạn “chảy máu” cổ vật./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc