“Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy" với giá trị tinh hoa di sản văn hóa đặc sắc của đất và người Thiên Trường xưa - Nam Định nay, gắn liền với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Cha và Thánh Mẹ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH, TT và DL đã có văn bản đồng ý đề nghị của tỉnh Nam Định được chủ trì phối hợp với các địa phương có di sản tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học “Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định” trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới. Đây là cơ sở khoa học để tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tồn nghi lễ Chầu văn và hát Chầu văn của người Việt ở Nam Định nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ tinh hoa di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Nam Định là vùng quê giàu trầm tích di sản văn hóa; dưới thời Trần, từng giữ vị thế như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cộng đồng địa phương tỉnh Nam Định đã sáng tạo và lưu truyền nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể giá trị và sâu sắc, trong đó có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Cha và Thánh Mẹ với “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” để trở thành một trong những trung tâm khởi nguồn, hội tụ và tỏa sáng của tín ngưỡng bản địa này.
Nhà hát Chèo Nam Định và Nhà Văn hóa 3-2 tỉnh biểu diễn chương trình nghệ thuật hát Văn đặc biệt tại Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”. |
Toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến “Nghi lễ Chầu văn”. Trong đó, quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn. Về giá trị di tích, quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và Lăng Mẫu đã được cấp Bằng Di tích lịch sử, văn hóa. Theo các tài liệu, các công trình khoa học nghiên cứu quá trình "Tam sinh, Tam hoá" của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào các thế kỷ XV, XVI, XVII thì lịch sử xây dựng, trùng tu các phủ Tiên Hương, Vân Cát… sớm nhất vào thời Hậu Lê thế kỷ XVII, niên hiệu Dương Hoà (1642), Cảnh Trị (1663-1671). Về mặt lịch sử, lễ hội Phủ Dầy có quá trình lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền qua các thế hệ. Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần (Mẫu) và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Lễ hội Phủ Dầy được mở rộng phạm vi, quy mô gắn liền với công lao của Vương phi Trần Thị Ngọc Đài (1577-1669), người thôn Thông Khê, tổng Đồng Đội, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Thông Khê, xã Cộng Hoà, Vụ Bản). Quá trình “Mẫu hóa” các di tích thuộc xã Kim Thái đã tạo thành một quần thể di tích; từ đó, Phủ Dầy trở thành trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Trong đó, các phủ Tiên Hương, Vân Cát và Lăng Mẫu là di tích hạt nhân. Như vậy, vào thời Nguyễn, lễ hội Phủ Dầy đã phát triển toàn diện, trở thành một lễ hội lớn, mang tầm vóc khu vực.
Về phương diện văn hóa, lễ hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ. Lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống, lễ hội Phủ Dầy phản ánh tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước sống hòa đồng, coi trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống. Cùng với những di sản văn hóa vật thể, lễ hội Phủ Dầy còn được diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp con người hướng tới những giá trị: Chân - Thiện - Mỹ. Cùng với quần thể kiến trúc, lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.
Cơ sở khoa học trình UNESCO công nhận Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại
Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, năm 2015, có 3 di sản của Việt Nam dự kiến được xem xét lựa chọn ra 1 di sản lập hồ sơ khoa học đề cử UNESCO, đó là: Tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh); Hát Then của dân tộc Tày các tỉnh phía Bắc và Nghi lễ Chầu văn của người Việt. Ngày 12-4-2013, Bộ VH, TT và DL có Thông báo số 1296/TB-BVHTTDL đề nghị tỉnh Nam Định chủ động làm việc với Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và các tỉnh, thành phố có liên quan thống nhất cử đại diện một địa phương chủ trì xây dựng hồ sơ “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trình UNESCO. Theo Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Đặng Thị Bích Liên, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH, TT và DL đã có văn bản đồng ý đề nghị của tỉnh Nam Định được chủ trì phối hợp với các địa phương có di sản tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới.
Đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL trao Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với hai Di sản Văn hóa là “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” cho đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VH, TT và DL và huyện Vụ Bản. |
Về cơ sở ý nghĩa khoa học, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Folklore châu Á khẳng định: “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy” được cấp Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là sự kiện quan trọng, nhằm tôn vinh giá trị của Đạo Mẫu, lên đồng và Chầu văn - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời là cơ sở khoa học tiến hành xây dựng hồ sơ “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo tư liệu khoa học, căn cứ vào lịch sử của tín ngưỡng Tứ phủ, thì hát Văn là thể loại hình thành sớm hơn so với các thể loại dân ca khác; đồng thời Nam Định là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, là cái nôi của nghệ thuật Chầu văn. Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu (Liễu Hạnh) và Đức Thánh Cha (Trần Hưng Đạo). Về hình thức nghệ thuật, nét độc đáo của nghệ thuật Chầu văn Nam Định rất đa dạng hình thức biểu hiện như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Hát thờ: thường được hát vào các ngày lễ tiết, những ngày tiệc thánh (ngày thánh đản sinh, ngày thánh hóa...) và hát trước khi vào các giá văn lên đồng (còn gọi là hát văn công đồng). Ngoài ra, tại một số di tích từ đường dòng họ có hát thờ để ca ngợi công đức tổ tiên... Hát cửa đền thường diễn ra tại các đền, phủ trong những ngày đầu xuân, ngày lễ hội. Hát hầu đồng được sử dụng trong nghi lễ Chầu văn hầu bóng theo tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ. Trong các hình thức trên thì hát hầu đồng là phổ biến nhất của nghệ thuật Chầu văn Nam Định, bởi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Các bài văn tùy thuộc vào từng giá hầu mà có nội dung phù hợp. Bài văn thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát, hay biến thể 4-7 hoặc 5-8... Trong nghệ thuật Chầu văn Nam Định, có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Xen kẽ những đoạn hát là nhạc, gọi là lưu không. Các điệu Chầu văn như hát cờn, hát phú, hát dọc, hát xá…, mỗi điệu đòi hỏi một kỹ thuật riêng, trong đó hát phú là khó nhất, vừa lấy hơi sâu vừa phải giữ hơi dài, hát liên tục, nối nhanh các điệu với nhau để tránh rời rạc và phải kết hợp trống, phách, nhị. Hiện tại ở tỉnh ta có gần 500 người trực tiếp tham gia thực hành “Nghi lễ Chầu văn”, trong đó, hầu đồng là 246 người; hát văn (cung văn) là 245 người; sử dụng nhạc cụ là 162 người. Đối với các cung văn phải có giọng hát trong trẻo, truyền cảm, trữ tình, mềm mại phù hợp với tính cách nữ tính của người Mẹ - Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ. Người cung văn khi hát lời cổ phải thể hiện được nội tâm, tính cách của các vị Thánh. Theo số liệu điều tra khảo sát, trong tổng số người hát văn (cung văn) của tỉnh, có trên 240 người hát được các bài văn cổ.
Trong thời gian qua, chính quyền các cấp và ngành VH, TT và DL có chương trình hành động cụ thể nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của hai Di sản Văn hóa “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của hai di sản văn hóa trên. Trong đó, Sở VH, TT và DL phối hợp với huyện Vụ Bản, các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh, tiến hành các thủ tục cần thiết và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đảm bảo về nội dung và tiến độ thời gian. Đồng thời các địa phương có di sản xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị hai Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng chí Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, động viên toàn thể nhân dân tích cực tham gia bảo vệ di sản. Trong đó, lễ hội Phủ Dầy theo tục thờ Mẫu đã được phục hồi, bảo tồn và thực sự phát huy được các giá trị di sản văn hoá truyền thống của quê hương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương theo quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh. Hiện nay, quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy đã được quy hoạch kết nối với các di sản văn hóa khác trong khu vực tạo thành các tuyến, điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh. Đồng thời, huyện Vụ Bản xây dựng chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị hai Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy”. Cụ thể là: Trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản, thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa, không làm thay đổi yếu tố nguyên gốc của di sản. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho quần thể di tích. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh lễ hội, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo xã Kim Thái tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung ương và của tỉnh nghiên cứu, khảo cứu di sản, xây dựng hồ sơ khoa học “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy là Di tích quốc gia đặc biệt./.
Bài và ảnh: Việt Thắng