Vụ Bản là vùng đất giầu trầm tích văn hóa. Trên địa bàn huyện hiện có hàng trăm di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 25 di tích được Nhà nước xếp hạng, đặc biệt có 7 di tích cấp quốc gia gồm: Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu Liễu Hạnh (xã Kim Thái); đền Giáp Nhất (xã Quang Trung); đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); đền Đông (xã Thành Lợi); đền, chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào); và những danh thắng nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Núi Ngăm (xã Minh Tân), làng nghề mây tre đan Vĩnh Hào, làng nghề sơn mài Liên Minh.
Biểu diễn Chầu văn trong "Liên hoan Chầu văn" tại phủ Tiên Hương, xã Kim Thái ngày 23-11-2013. |
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Vụ Bản đã tập trung đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo việc kiểm kê di tích; các lễ hội truyền thống được các cấp có thẩm quyền chỉ đạo, quản lý chặt chẽ. Trong công tác tổ chức lễ hội, “lễ” theo phong tục truyền thống tôn nghiêm, diễn ra chủ yếu ở trong thần điện (đình, đền, miếu, chùa), theo trật tự gồm: cáo, hiến tế, cầu xin, tạ ơn. Tất cả được thể chế hoá cao, long trọng, nghiêm trang từ nhân sự, trang phục, màu sắc, vật dụng, cỗ thờ, vật hiến tế... đến âm nhạc. Phần hội, nhiều trò chơi dân gian, dân vũ mang tính độc đáo của mỗi vùng quê từng bước được khôi phục và phát huy giá trị, đáp ứng đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Tiêu biểu như lễ hội làng Xứng, xã Liên Bảo mở vào mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Năm được mùa, dân làng họp bàn tổ chức hội, cả làng hầu như “nhịn” ăn tết mà dành vào "đám". Nét nổi bật của lễ hội làng Xứng là mọi đồ thờ tế tự đều được làm bằng rơm. Hằng tháng trước khi vào hội, từng dòng họ chuẩn bị đan, tết những linh vật như long, ly, quy, phượng đến những người xay lúa, giã gạo, cây cảnh, cổng chào... bằng rơm. Làng làm riêng hai chú voi to như voi thật, dùng bùi nhùi làm vòi, làm đuôi. Hoặc trong lễ hội Phủ Dầy, việc duy trì biểu diễn kéo chữ (Hoa trượng hội) là hoạt động sinh hoạt văn hoá dân gian cổ truyền mang tính trí tuệ và nhân văn cao cả. Biểu diễn Hoa trượng hội phải chuẩn bị từ 240-280 người, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2m; chia thành 4 hoặc 8 đội, mỗi đội phân tổng cờ và đốc cờ. Tổng cờ mặc kiểu võ quan, tay cầm cờ súng; đốc cờ cầm trống tiểu; quân mặc áo vàng thắt lưng đỏ, đầu cuốn khăn đỏ, chân quấn xà cạp, gậy hoa dài 4m quấn giấy màu đỏ, đầu gậy treo "ngù" bằng tơ dứa nhuộm màu. Chỉ huy kéo chữ phải có trống cái, trống tiểu ra lệnh để tổng cờ, đốc cờ kéo quân, ém quân theo nhịp trống. Mọi người trong đội theo sự điều khiển của tổng cờ mà tiến lui, ra vào tạo thành chữ, rồi ngụp xuống tạo thành nét chữ; gậy hoa ngả theo chiều thành nền chữ. Ban giám khảo chấm điểm xong, ban lệnh bài thu quân chạy theo nhịp trống ra ngoài sân tiếp tục xếp chữ khác. Chữ kéo mỗi năm được các cụ trong làng lựa chọn kỹ lưỡng và chu đáo, thường là các chữ “Thánh Cung Vạn Tuế”, “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, “Quốc Thái Dân An”, “Thiên Hạ Thái Bình”… Ngoài ra phải kể đến các trò chơi: kết rơm thành kiệu, cổng chào, tứ linh ở lễ hội làng Xứng, xã Liên Bảo; thi nấu cơm ở lễ hội làng Thượng Linh, Bối La, Thái La, xã Cộng Hòa; múa gậy, thi sáo diều ở lễ hội đền, chùa Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào; thi chọi gà, múa cờ ở lễ hội đền Vụ Nữ, xã Hợp Hưng; thi làm cỗ, hát chèo, hát ca trù, đánh cờ người, chơi đu, múa rồng ở lễ hội đền Giáp Nhất, xã Quang Trung. Đặc biệt vừa qua, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy" với giá trị tinh hoa di sản văn hóa đặc sắc của đất và người Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay, gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay huyện Vụ Bản có trên 500 hạng mục của hơn 150 di tích được tiến hành trùng tu. Trong đó, từ nguồn công đức của khách thập phương, huyện Vụ Bản đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục công trình tại 18 di tích thuộc quần thể di tích lịch sử, văn hoá Phủ Dầy với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nguồn lực vật chất, tinh thần từ xã hội hoá di tích và lễ hội được các thủ nhang sử dụng hiệu quả cho việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, góp phần tạo cho quần thể di tích Phủ Dầy ngày càng hoàn thiện so với nguyên mẫu kiến trúc cổ.
Đồng chí Trần Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy cho biết: Để lễ hội Phủ Dầy xứng tầm lễ hội quốc gia, huyện đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (nhất là đường giao thông, bến bãi); quy hoạch không gian tổ chức lễ hội, tạo cảnh quan môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp" cho quần thể di tích; quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa cho các thủ nhang, đồng đền và cộng đồng để họ tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh lễ hội, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quần thể di tích lịch sử, văn hoá Phủ Dầy trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách đến với lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn những nét độc đáo, đặc sắc của lễ hội Phủ Dầy. Huyện tập trung rà soát lại quá trình tổ chức lễ hội trong 20 năm qua, để bổ sung hoàn thiện quy trình tổ chức và quản lý lễ hội hợp lý, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và cộng đồng. Tăng cường chỉ đạo chặt chẽ việc phối hợp của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trong huyện cùng tham gia. Trong đó, Phòng VH-TT giữ vai trò làm tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản về tổ chức, quản lý lễ hội. Tăng cường lực lượng an ninh, y tế, thanh tra văn hóa nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; kiểm soát thị trường kinh doanh, dịch vụ thương mại và văn hóa phẩm, phát hiện và xử lý kịp thời những hiện tượng tiêu cực, lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan./.
Bài và ảnh: Việt Thắng