Tỉnh ta hiện có khoảng 2.000 tổ, tốp, đội văn nghệ thuộc 229 xã, phường, thị trấn; mỗi tổ, đội có từ 15 đến 30 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên, nhạc công quần chúng; nhiều tổ, đội đã tự trang bị thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang phục và nhạc cụ. Nhiều diễn viên, nhạc công quần chúng vừa có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn. Xuất thân từ các vùng quê, gắn liền với công việc nhà nông, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, các diễn viên, nhạc công không chuyên đã đóng góp tích cực vào việc duy trì, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương.
Hội viên CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam chi hội tỉnh Nam Định dàn dựng và biểu diễn các tiết mục chầu văn nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11-2013 tại Phủ Bóng (Nguyệt Du Cung), xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. |
Nhiều CLB VHVN quần chúng hoạt động có hiệu quả như: CLB Chầu văn huyện Ý Yên, CLB Thơ ca - nghệ thuật truyền thống huyện Hải Hậu, Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê của Thị trấn Mỹ Lộc, CLB Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), CLB Hát văn Hành Thiện (Xuân Trường)... Các địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động VHVN, huy động các tầng lớp nhân dân, tổ chức, đơn vị và cá nhân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quê hương. Tiêu biểu như CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam chi hội tỉnh Nam Định được thành lập gồm 120 hội viên là các nghệ nhân, các nghệ sĩ hát văn, chơi đàn và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn. Sau 2 năm hoạt động, các hội viên CLB đã có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo và truyền dạy các bản hát văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật chầu văn tới công chúng trong và ngoài nước; tổ chức thực hành nghề và nâng cao năng lực cho hội viên. Định kỳ hằng tháng, các hội viên CLB sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn và trao truyền, tìm hiểu các thể văn cổ; nhiều hội viên có nhiều thành công trong biểu diễn, mang nghệ thuật chầu văn Nam Định giới thiệu với khán giả trong nước và quốc tế. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, bố là nghệ sĩ Dương Thanh Quang, chị gái là NSƯT Dương Thanh Nga, từ nhỏ, Thanh An đã được nuôi dưỡng và thuộc nhiều làn điệu chầu văn cổ. Thời gian qua, anh cũng đạt nhiều giải thưởng cao tại các hội diễn toàn quốc và khu vực: Huy chương Vàng tại Liên hoan hát văn Hải Phòng mở rộng với giá văn cổ “Mẫu Cửu Trùng Thiên”; Huy chương Vàng Liên hoan Dân ca Việt Nam toàn quốc năm 2011 với giá đồng “Hoàng Bẩy Bảo Hà”; Huy chương Vàng Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2013 tại Vĩnh Phúc với giá chầu “Quan Đệ Tam”. Ông Phan Văn Mẽ, 55 tuổi, quê xã Hồng Quang (Nam Trực) hiện là chủ nhiệm CLB múa rối nước Nam Chấn. Sinh ra trong một gia đình có 7 đời tham gia nghệ thuật múa rối nước, những năm qua, ông Mẽ cùng các “nghệ sĩ đồng quê” địa phương từng bước đưa rối nước Hồng Quang “vượt” lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước và đã lưu diễn ở nhiều nước. Ông Mẽ cho biết: Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước ở Hồng Quang ngày càng được quan tâm, đội ngũ diễn viên với trên 30 người thường xuyên được tập luyện nâng cao trình độ; khai thác những bí quyết, kỹ thuật, những trò diễn độc đáo từ các nghệ nhân để xây dựng thêm nhiều tiết mục mới. Ở huyện Hải Hậu, trong những năm gần đây, “thương hiệu” nghệ thuật kèn đồng của vùng đất 35 năm điển hình văn hóa cấp huyện toàn quốc đã được vang danh khắp các vùng miền trong cả nước, nhất là mô hình độc đáo của các đội kèn đồng nữ ở các xã Hải Bắc, Hải Xuân. Đồng chí Phạm Ngọc Hưng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Phong trào VHVN ở huyện ngày càng phát triển đa dạng với nhiều loại hình nghệ thuật, có chiều sâu và diện rộng. Huyện Hải Hậu có thế mạnh về nhạc cụ kèn đồng với trên 100 đội kèn, mỗi đội gồm 35 đến 40 nhạc công. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, từ chỗ chuyên phục vụ các nghi lễ tôn giáo, những năm gần đây, các đội kèn đưa vào tập luyện và thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Người có công xây dựng và phát triển nghệ thuật kèn đồng là anh Nguyễn Ngọc Cẩn, 44 tuổi đã có gần 30 năm gắn bó với kèn đồng. Hiện nay, anh đang tổ chức dạy nhạc kèn và góp phần thành lập, dàn dựng các tiết mục biểu diễn cho gần 40 CLB kèn đồng trong huyện và tỉnh Thái Bình. Đội kèn đồng nữ xã Hải Bắc do anh phụ trách về nghệ thuật được thành lập từ năm 2010 đã đạt nhiều thành công tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng do huyện và tỉnh tổ chức, giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Nhạc kèn toàn tỉnh nhân kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định; là đội kèn đồng nữ được tỉnh chọn biểu diễn trong Lễ trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, “Lễ hội Phủ Dầy” tổ chức tại Thành phố Nam Định ngày 22-11-2013. Tại Lễ khai mạc Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VII-2013 tổ chức tại SVĐ Thiên Trường (TP Nam Định), đội kèn đồng xã Hải Xuân được chọn biểu diễn với các tiết mục do anh Cẩn chỉ đạo dàn dựng được đánh giá cao về nội dung và nghệ thuật. Biểu diễn kèn đồng đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng không thể thiếu trong các hoạt động văn hoá của người dân nơi đây.
Phong trào văn nghệ quần chúng của các địa phương phát triển sâu rộng đã góp phần quan trọng gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá văn nghệ của nhân dân./.
Bài và ảnh: Việt Thắng