Thời gian qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác triển khai thực hiện Luật Di sản văn hoá và Thông tư 04 của Bộ VH, TT và DL về “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Việc thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là dịp để tỉnh ta đánh giá tiềm năng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, độc đáo của tỉnh. Đồng chí Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở VH, TT và DL cho biết: Tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Nam Định là di sản có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta cơ bản được tổ chức theo quy trình: nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản; tập huấn cho người tham gia kiểm kê, tập huấn cho cộng đồng; khảo sát thu thập thông tin và lập danh mục kiểm kê; xây dựng báo cáo và lập hồ sơ kiểm kê. Một trong những kết quả cụ thể, rõ nét là việc di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần - chùa Phổ Minh được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2012. Để có được kết quả này, trước hết, công tác khảo cổ học, bảo tồn, bảo tàng được quan tâm. Những năm qua, Sở VH, TT và DL, Ban Quản lý các công trình trọng điểm tỉnh và Bảo tàng Nam Định đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát, khai quật thăm dò nhiều vị trí trong khu di tích Tức Mặc - Thiên Trường. Các vị trí được thám sát gồm: Hậu Bồi, Vạn Khoảnh, đình Tây Đệ Tam, Lựu Phố, đình Liễu Nha, đình Kênh, đình Cả, đình Tây Đệ Nhị, Phương Bông, Cao Đài, khu cánh đồng nằm giữa Đền Trần và chùa Phổ Minh, đồng Gừng, đồng Cửa Triều. Các vị trí khai quật thăm dò chủ yếu ở khu vực Đền Trần và khu vực gò cao nằm ở phía tây liền khoảnh với khu vực Đền Trần. Tất cả các hố đào đều làm phát lộ di tích, di vật có niên đại thuộc nhiều thời kỳ khác nhau. Với hiện trạng nói trên, các di tích vừa phát hiện ở khu di tích Tức Mặc có ý nghĩa khoa học rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa dân tộc nói chung, lịch sử - văn hóa thời Trần nói riêng. Tất cả các di vật này đã được chỉnh lý khoa học, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử ở Nam Định và lịch sử - văn hóa nước Đại Việt. Đây là sự ghi nhận xứng đáng chứa đựng những giá trị mang dấu ấn của nhà Trần - triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Cùng với di sản vật thể này là "di sản" phi vật thể Lễ Khai ấn Đền Trần và Lễ hội Trần tháng 8 âm lịch hằng năm. Hay Di sản phi vật thể “Lễ hội Phủ Dầy” và “Nghi lễ chầu Văn của người Việt” đã được công nhận gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hoá Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu… Do làm tốt công tác kiểm kê di tích, trong 3 năm trở lại đây tỉnh ta đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị và được Bộ VH, TT và DL công nhận nhiều di tích là di tích lịch sử cấp quốc gia như: Cầu ngói Bình Minh, xã Hồng Quang (Nam Trực); phủ Nấp - Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên); đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc). Với hướng đi đúng, cách làm sáng tạo, công tác kiểm kê di sản văn hóa và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói chung và vấn đề bảo tồn di sản văn hóa nói riêng ở tỉnh ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, năm 2012 và 2013, tỉnh ta đã có 2 di sản “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, “Lễ hội Phủ Dầy” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ đón nhận ảnh mộc bản Hịch Tướng sĩ nhân dịp di tích Đền Trần - Chùa Tháp được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn di sản văn hóa vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Cụ thể, sau khi được công nhận là Di tích đặc biệt cấp quốc gia, lễ Khai ấn Đền Trần và Lễ hội Trần năm 2013 được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức nhưng chưa chú trọng thỏa đáng việc khôi phục các nghi thức truyền thống, chưa khai thác và phát huy các trò chơi dân gian độc đáo thường được tổ chức trong lễ hội trước đây của địa phương. Hiện tượng “bán” tờ ấn (kể cả tờ ấn giả không do Đền Trần phát hành) vẫn còn diễn ra trong khu vực Đền Trần trong đêm Khai ấn. Nạn hành khất đeo bám khách làm mất mỹ quan, gây phản cảm cho du khách vẫn diễn ra; lực lượng “đổi tiền lẻ” luôn tập trung đông đảo tại cửa Đền Trần - Chùa Tháp chèo kéo du khách làm mất đi sự tôn nghiêm, linh thiêng vốn có của khu di tích. Các hình thức kinh doanh dịch vụ như hàng quán, bày bán trước khuôn viên di tích gây mất cảnh quan lễ hội; không ít quán ăn ven đường khu vực di tích Đền Trần - Chùa Tháp rất nhếch nhác, không đảm bảo VSATTP. Công tác quản lý trông giữ phương tiện giao thông cho du khách tổ chức chưa tốt. Một số đơn vị đóng trên địa bàn phường Lộc Vượng, Lộc Hạ, xã Lộc Hòa và một số hộ dân dọc Quốc lộ 10 không đăng ký với cơ quan chức năng, tự ý đứng ra trông coi phương tiện giao thông, thu giá cao hơn so với quy định của Nhà nước. Ý thức của một bộ phận người tham gia lễ hội cũng còn nhiều bất cập, việc hành lễ của cá nhân chưa mang ý nghĩa tôn vinh, tri ân công đức của tiền nhân, nhiều người không hiểu hết nguồn gốc, giá trị của di tích và những người được thờ cúng. Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, ở loại hình diễn xướng dân gian, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và nghệ thuật truyền thống đang bị mai một, có nguy cơ “thất truyền”. Tình trạng “thương mại hoá di tích” cũng như mất cắp cổ vật, hiện vật vẫn xảy ra ở một số di tích. Điều này cho thấy, công tác xã hội hoá di tích và hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở một số địa phương chưa sâu rộng, chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của quê hương.
Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích nói chung và các di sản văn hóa được Nhà nước xếp hạng nói riêng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích. Cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát cụ thể, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo di tích một cách khoa học, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để tiếp tục tu bổ, tôn tạo các di tích./.
Bài và ảnh: Việt Thắng