Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 23- NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới”, huyện Giao Thủy đã quan tâm phát triển đời sống văn hoá, văn nghệ địa phương, nhiều CLB văn nghệ quần chúng được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đồng chí Bùi Văn Khôi, Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện có 6 CLB văn học - nghệ thuật (VHNT) với gần 300 hội viên sinh hoạt. Việc đẩy mạnh phát triển phong trào sáng tác và trình diễn các tác phẩm VHNT quần chúng ở Giao Thủy đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong nhân dân. Một số CLB sớm được hình thành như luồng sinh khí mới trong phong trào văn hóa của huyện. Tiêu biểu như CLB văn hóa - nghệ thuật huyện được thành lập năm 2003, với 28 hội viên, sinh hoạt ở 7 bộ môn nghệ thuật gồm: thơ, văn xuôi, âm nhạc, hội hoạ, sáng tác sân khấu, nhiếp ảnh và biểu diễn. Để CLB hoạt động hiệu quả, Ban chủ nhiệm CLB đã phát động đợt sáng tác VHNT tới các thành viên với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và được các hội viên CLB hưởng ứng tích cực. Công tác tuyên truyền, giới thiệu về thành quả lao động, sáng tạo nghệ thuật, tôn chỉ mục đích của CLB được đẩy mạnh nhằm nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của CLB như: phát hành, tặng đĩa giới thiệu tác phẩm mới của các hội viên CLB tới cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn; mở chuyên mục giới thiệu các hội viên, các hoạt động của CLB trên trang thông tin điện tử “Văn hóa - Du lịch Giao Thủy”. Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa hội viên với CLB thơ xã Giao Phong, CLB sáng tác VHNT Việt Nam các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng; phối hợp với Uỷ ban MTTQ và Ban đại diện Hội NCT huyện biên tập, xuất bản và giới thiệu “Thơ NCT huyện Giao Thủy” tập I; tích cực tìm nguồn kinh phí hỗ trợ các kỳ sinh hoạt của CLB. Nhiều hội viên trong CLB đã sáng tác nhiều tác phẩm hay, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao chất lượng phong trào sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở huyện. Ở bộ môn thơ đã có trên 1.000 bài thơ, 18 tập thơ được in và xuất bản; Bộ môn nhiếp ảnh có hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật tham gia triển lãm, đăng báo và các tập san. Trong đó có 350 tác phẩm tham gia triển lãm ở tỉnh và toàn quốc; 100 tác phẩm tham gia triển lãm quốc tế và đạt nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. CLB có một hội viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Duy Quang được công nhận là nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế, 2 hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc gia Trần Văn Hưng và Chu Thế Vĩnh. CLB thơ Việt Nam chi nhánh huyện Giao Thuỷ được thành lập năm 2007. Sau 6 năm hoạt động, chi nhánh CLB thơ Việt Nam huyện Giao Thuỷ đã thu được nhiều kết quả trong hoạt động sáng tác và giao lưu thơ.
Triển lãm ảnh “Giao Thủy đất và người” ở Trung tâm văn hóa huyện. |
Huyện Giao Thuỷ luôn quan tâm tạo cơ hội để các tác phẩm VHNT của các nghệ sĩ quê hương tới gần công chúng như: tổ chức triển lãm ảnh “Đất và người”, gồm 60 tác phẩm của 7 tác giả, được cán bộ và nhân dân trong huyện đón nhận; phát hành đĩa VCD: Giao Thủy quê hương chào mừng kỷ niệm 15 năm tái lập huyện. Ngoài 6 CLB VHNT, phong trào văn nghệ quần chúng của huyện luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hỗ trợ như tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ. Hiện nay, toàn huyện có trên 40 đội, CLB văn nghệ quần chúng ở tất cả các xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo truyền thống hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Phòng VH-TT huyện phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định mở lớp tập huấn cho các đội văn nghệ cơ sở. Nhiều nghệ sĩ của Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh được mời về giảng dạy nghệ thuật hát chèo, chầu văn cho các diễn viên hạt nhân văn nghệ quần chúng của các xã, thị trấn trong huyện.
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, thiết thực theo sát thực tiễn phong trào văn nghệ quần chúng. Phòng VH-TT huyện đã nâng cao hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phong trào văn hóa - nghệ thuật quần chúng. Công tác xã hội hóa một số hoạt động trong lĩnh vực VHNT bước đầu có hiệu quả. Đội ngũ văn nghệ sĩ quần chúng được hình thành, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng là lực lượng tin cậy tâm huyết duy trì, phát triển các phong trào văn nghệ quần chúng.
Tuy nhiên phong trào văn hóa, văn nghệ của huyện vẫn còn một số hạn chế như: số lượng tác phẩm nhiều, song ít có tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật nhưng chưa tổ chức được những buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, thơ ca chưa được chú trọng. Một số chi hội, CLB VHNT chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lúng túng trong việc tập hợp và phát huy năng lực đội ngũ... Một số tác giả mới chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng sáng tác. Lực lượng sáng tác chủ yếu là người cao tuổi, còn ít các nhân tố trẻ, thiếu tính sáng tạo.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động VHNT ở địa phương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về VHNT thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa hoạt động của các CLB văn hóa - văn nghệ quần chúng, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị VHNT truyền thống, đồng thời tăng mức đầu tư kinh phí hoạt động cho phát triển sự nghiệp VHNT quần chúng. Quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào CLB những hội viên trẻ tuổi, tạo sân chơi giải trí lành mạnh trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh: Viết Dư