Phát hiện và bồi dưỡng những tài năng âm nhạc trẻ

08:12, 13/12/2013

Một trong những giải pháp khả thi để có nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao là chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những tài năng trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tự do sáng tạo.

Phát hiện ra năng khiếu ở lứa tuổi nhỏ là quan trọng. Để ươm mầm nghệ thuật ngay từ thời thơ ấu phải gửi vào các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo qua các hệ sơ cấp, cho đến đại học và sau đại học. Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, nhất là ở ca múa nhạc, đã có một thực trạng là một số trẻ nhỏ có năng khiếu ca hát đã bị đẩy vào guồng quay "Showbiz", kiếm tiền cho người lớn, điều đó sẽ làm thui chột năng khiếu ở các em và có thể làm biến dạng về tính cách.

Hiện tại, mặt trái của đời sống âm nhạc là sự mất cân đối giữa các loại hình, phát triển thiên lệch về giải trí, biến âm nhạc thành thị trường "Showbiz", bất chấp giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Âm nhạc cũng đã trở thành một sản phẩm giải trí gắn liền với thời trang, hình thể và vũ đạo, những màn trình diễn tạp kỹ trên sân khấu và ánh sáng nhiều màu. Đây là trở ngại cho việc phát triển tài năng nghệ thuật đích thực bởi vì trong bầu không khí đã phần nào bị ô nhiễm về nghe, nhìn thì thẩm mỹ nghệ thuật và đường hướng phát triển cũng sẽ bị lệch lạc theo. Những tác phẩm có tìm tòi sáng tạo, tâm huyết không có cơ hội "trình làng" và không có đất để dụng võ. Không có (hoặc ít có) tầng lớp công chúng đón chờ. Sự lệch lạc trong hoạt động biểu diễn đã làm nản lòng các nhà sáng tạo chân chính, tạo cảm giác như họ bị đẩy ra khỏi trung tâm của hoạt động nghệ thuật, trở thành một phần "tiếng nói" nhỏ bé, bị lấn át bởi các loại hình như: rap, funk, rock... Dùng chiêu trò PR, quảng cáo, khoác áo cho "thần tượng", "siêu sao" ảo, lấn át các loại hình nghệ thuật khác. Cùng với đó, kỷ nguyên số là lúc mọi thứ nghe - nhìn có thể tiếp cận người dùng với tốc độ chóng mặt và sự thay đổi "món ăn" cũng chóng mặt. Con người ở mọi nơi trên thế giới chìm ngập trong biển hình ảnh, thông tin. In-tơ-nét cũng giúp mọi người tiếp cận mọi thứ nhanh hơn, phong phú hơn, rộng rãi hơn, nhưng không có nghĩa là sâu sắc hơn.

Một chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ảnh: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam
Một chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ảnh: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam

Đó là lĩnh vực biểu diễn, còn trong các lĩnh vực sáng tác, để trở thành một tác giả có nhiều con đường khác nhau. Không nhất thiết phải qua trường lớp đào tạo từ nhỏ như đối với nghệ sĩ biểu diễn. Cốt lõi vẫn là năng khiếu, năng lực sáng tạo cá nhân. Bên cạnh đó, phê bình nghệ thuật, phê bình âm nhạc cũng góp phần không nhỏ tạo nên những tác phẩm có giá trị. Để làm được chức năng quan trọng đó, phê bình cần bám sát đời sống văn nghệ, khen - chê kịp thời, có nghề, có tâm, giúp phát hiện những nhân tố mới, cảnh báo những hiện tượng xuống cấp, quá đà, nghiệp dư hóa trong nghệ thuật. Cơ chế xin - cho càng mạnh, phê bình càng yếu, càng bị áp lực. Cho nên trong chuyên ngành nghệ thuật và âm nhạc, đã có nhiều nhà báo tay ngang nhảy vào làm phê bình nói dựa. Nhiều nhà báo không hiểu kỹ càng đối tượng phê bình nhưng vẫn cứ phê theo kiểu kể nội dung tác phẩm. Thực tế đó cho thấy khoảng trống phê bình cũng đang là vấn đề báo động. Bây giờ có nhiều ca sĩ không biết đọc bản nhạc, thế mà vẫn hát. Họ hát theo bản năng mà vẫn được các "nhà phê bình âm nhạc" phong là "Diva", "Nữ hoàng". Trong quá trình giao lưu, hội nhập, văn học nghệ thuật và âm nhạc cần tiếp thu có chọn lọc, tránh nạp vào mọi thứ "rác văn nghệ" từ bên ngoài vào.

Để có những tác phẩm hay, tâm huyết, văn nghệ sĩ cần hơn nữa môi trường làm việc thông thoáng, cởi mở, bình đẳng với các tầng lớp xã hội, nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo, khát vọng cống hiến và tâm huyết với nghề, với đời. Bên cạnh đó, một yếu tố mang tính quyết định trong sáng tác các tác phẩm nghệ thuật là chủ thể tác giả - con người văn nghệ sĩ. Họ phải là những người thật sự có tài năng mới có thể cho ra đời những tác phẩm tương xứng, có chất lượng cao. Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến, đóng góp công sức và tài năng; đồng thời không ngừng tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và khai thác các tài năng trẻ. Điều này đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan chức năng có những cơ chế, chính sách về lâu dài. Bên cạnh đó, bản thân văn nghệ sĩ cũng cần thấy rõ trách nhiệm và thiên chức của mình, phải thật sự dấn thân, không ngừng tìm tòi, đổi mới và trau dồi kiến thức, vốn sống, gắn bó và khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lao động hết mình vì nghệ thuật.

Với nghệ thuật âm nhạc, không gì có thể thay thế được tài năng. Nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận thực tiễn cuộc sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, sáng tạo ra tác phẩm. Sự nghiệp sáng tạo đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, có kiến thức sâu rộng về âm nhạc. Trong thời đại hiện nay, cuộc sống có rất nhiều đề tài để sáng tác, để viết, nhưng sáng tác như thế nào, viết như thế nào là cả một vấn đề. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ cần thường xuyên học hỏi, rút ra những bài học tốt từ những thế hệ trước. Đó là khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với tình cảm của toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ như là thú vui, giải trí hoặc một "cuộc chơi", một đam mê tầm thường.

Cần coi trọng hơn nữa việc trọng dụng tài năng trẻ. Việc nhiều nhạc sĩ, nhạc công trẻ tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, phải đi hành nghề ở quán bar để tài năng rơi rụng dần là một thực trạng cần sớm khắc phục. Vì vậy cần thiết xây dựng hệ thống chính sách tài năng trẻ, đổi mới quy trình phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh từ mẫu giáo đến những cấp trên, tạo nguồn tài năng trẻ dồi dào cho đất nước và phát triển mạng lưới các trường, lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, đặc biệt là các trường chuyên năng khiếu nghệ thuật ở các địa phương cũng như một số trường nghệ thuật có uy tín, chất lượng. Phải tập trung xây dựng một số trường nghệ thuật trọng điểm quốc gia ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế. Đặc biệt chú trọng các chuyên ngành lý luận - sáng tác để đây thật sự là vườn ươm đào tạo tài năng nghệ thuật cho đất nước. Hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ cần được tăng cường, bên cạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội./.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com