Xóm Khai Quang khôi phục nghệ thuật múa lân

09:11, 22/11/2013

Nghệ thuật múa lân ở xóm Khai Quang, xã Trực Đại (Trực Ninh) có từ lâu. Sau một thời gian trầm lắng, năm 2007, nhân dịp xóm được HĐND, UBND huyện Trực Ninh trao tặng Bức trướng “Khuyến học Khuyến tài”, xóm đã thành lập đội múa lân phục vụ lễ đón nhận bức trướng. Đó là buổi ra mắt và cũng là buổi biểu diễn chính thức đầu tiên của đội múa lân xóm Khai Quang.

Đội múa lân xóm Khai Quang.
Đội múa lân xóm Khai Quang.

Ban đầu đội có 8 thành viên tham gia, là những người có kinh nghiệm và hiểu biết về múa lân; trong đó cụ Nguyễn Văn Thả múa lân, ông Nguyễn Văn Cư gõ trống, cụ Hoàng Trọng Vịnh gõ thanh la. Thời kỳ đầu hoạt động của đội còn nhiều khó khăn, trang phục, đạo cụ không đủ. Được sự giúp đỡ của các tổ chức và các thành viên trong đội đóng góp kinh phí, duy trì sinh hoạt đội, nhờ đó nhiều người trong xóm đã tự nguyện tham gia đội. Đến nay, đội có 41 hội viên, trong đó có 15 phụ nữ thường xuyên duy trì tập luyện tại NVH của xóm. Các cụ cao niên có kinh nghiệm đã không quản tuổi cao sức yếu, nhiệt tình truyền dạy tinh hoa kỹ thuật “nghề” cho thế hệ trẻ. Cụ Nguyễn Văn Thả, đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn say mê nghệ thuật múa lân, hiện cháu nội và cháu rể của cụ đều tham gia đội múa lân của xóm. Cụ cho biết: Muốn trở thành người múa lân “điêu luyện” phải hiểu rõ các tích về lân, ý nghĩa của những điệu múa. Lân được xem là “linh vật” đứng hàng thứ nhì trong bộ tứ linh gồm: long, lân, quy, phụng. Lân chia thành hai loại: loại có sừng và không sừng. Lân không sừng sau gáy dính một miếng vải đỏ, mình lân có vòng đen, thường múa vào tháng giêng. Lân có sừng còn gọi là Kỳ Lân, đầu tròn lớn, màu thân giống màu đầu lân, được sử dụng phổ biến trong các lễ hội. Trong đội múa, ngoài người múa lân còn nhiều vai như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, thằng hề, thằng ngô và mẹ đĩ, người múa sinh tiền, nhân vật quan trọng cầm quạt mo là ông Địa (theo truyền thuyết là người đã thuần phục được Kỳ Lân giúp ích cho người), ngoài ra còn người gõ trống, thanh la, não bạt, người cầm đèn màu, cờ ngũ sắc… Để chuẩn bị tiết mục múa lân ngày hội, đội múa lân phải luyện tập hàng tháng. Trong khi biểu diễn, các động tác múa phải thể hiện đầy đủ những cung bậc tình cảm phức hợp “hỉ, nộ, ái, ố” phối hợp với những động tác múa đúng nhịp điệu hợp với tiếng trống, thanh la, não bạt… Tùy từng dịp biểu diễn mà đội sẽ chọn tích múa lân cho phù hợp như: trong tích Độc chiếm ngao đầu (1 con lân biểu diễn) thể hiện tài tả xung, hữu đột, uy dũng của một vị anh hùng; tích song hỉ (2 con lân cùng biểu diễn), thể hiện niềm hân hoan, khoan khoái, đất - trời, âm - dương tương hợp… Trong các vai diễn, người múa đầu lân là khó nhất, đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe, vừa phải có nghệ thuật múa điêu luyện vừa phải đảm bảo đủ sức khỏe. Nếu như ở các CLB múa lân chuyên nghiệp, các diễn viên chỉ đóng chuyên một vai, thì ở đội múa lân xóm Khai Quang, mỗi thành viên trong đội đều có thể thủ diễn nhiều vai. Trong lễ hội của làng Khai Quang vào dịp tháng Giêng và tháng 8 âm lịch hằng năm, đội múa lân lại biểu diễn phục vụ nhân dân. Ngoài những buổi biểu diễn phục vụ lễ hội, múa lân ở Khai Quang còn có mặt trong các sự kiện sinh hoạt chính trị, văn hoá quan trọng của xóm như: Trung Thu, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, mừng thọ... hay vào ngày Tết cổ truyền với ước mong “Kỳ Lân hiển hiện, thiên hạ thái bình”. Cứ nghe thấy tiếng trống rộn ràng, người già, người trẻ lại tấp nập kéo nhau đi cùng đội xem múa lân.

Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Bí thư chi bộ xóm Khai Quang cho biết: Đội múa lân xóm Khai Quang là “nòng cốt” trong các dịp lễ, tết, hội làng, được nhân dân đồng tình ủng hộ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, quan hệ gia đình, làng xóm thêm vững chắc. Ở xóm Khai Quang, múa lân không chỉ là giữ gìn loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian mà còn giáo dục nhân cách con người hướng đến chân - thiện - mỹ./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com