Ảnh: Internet |
Từ thuở còn nằm trong vòng tay nâng niu, chở che của bà, của mẹ, trẻ con làng Lúa đã được nghe những câu ca ngọt ngào, sâu lắng: “Thương nhau củ ấu cũng tròn”. Lớn thêm một chút, vào những đêm trăng sáng, các em đã biết nắm tay nhau chạy vòng tròn quanh sân, hát vang bài đồng dao ngộ nghĩnh: “Con quạ đứt đuôi, con ruồi đứt cánh, đòn gánh có mấu, củ ấu có ngà, tù và có lưỡi, cây bưởi có hoa”. Các cô gái làng Lúa quanh năm lam lũ với ruộng đồng, nước da đen giòn, khỏe khoắn cũng tự hào với vẻ đẹp mặn mà và nét duyên thầm của mình: “Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen/ Ai ơi nếm thử mà xem/ Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi”. Củ ấu thân thuộc, gắn bó bao đời nay với dân làng Lúa bởi nó đã sẻ chia với người dân những vất vả, khó nhọc từ những ngày đói kém. Những cụ cao niên ở vùng quê chiêm trũng này mỗi lúc ôn cố tri tân lại nhắc về cái thuở “6 tháng đi bằng chân, 6 tháng đi bằng tay”, bởi cảnh đồng trắng nước trong, chỉ hợp với sen, súng, lau sậy và cây ấu. Trước đây, cây ấu mọc hoang khắp các đầm, hồ, ruộng trũng, chẳng cần mất công chăm bón, cấy trồng. Củ già không thu hoạch kịp, rụng xuống, ẩn mình trong lớp bùn đen. Cuối xuân, trời ấm dần lên, củ ấu mạnh mẽ đâm chồi, vươn lá. Chẳng mấy chốc, cả một vùng đầm nước mênh mông đã ken dày màu xanh thẫm của lá ấu. Cây ấu nổi bồng bềnh trên mặt nước, giống như đám bèo lục bình, tự hút chất dinh dưỡng từ bùn đất mà sinh sôi, phát triển. Vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi lá ấu đã nâng lên chếch mặt nước, người có kinh nghiệm biết ngay đã đến lúc thu hoạch ấu. Cả ngày, người dân làng Lúa bì bõm trên những ruộng, đầm, hái những củ ấu chắc mẩy vừa độ, bám xung quanh gốc. Nếu để quá ngày, củ ấu già rụng xuống gốc, phải đi thuyền mò củ ấu trên mặt bùn. Mẻ ấu thu hoạch đầu tiên, nhà nào cũng xúc ngay vài ống bơ, cho vào rổ thưa, mang ra ao chao sạch bùn rồi luộc chừng nửa tiếng là chín bở tơi. Củ ấu vừa ngọt, vừa bùi trẻ con làng Lúa có thể ăn củ ấu luộc thay cơm. Ăn chán, bọn trẻ còn chọn những củ ấu đen nhánh, có hai sừng cong cong như sừng trâu, mang ra góc sân thi chọi với nhau. Mồm miệng, chân tay đứa nào cũng đen nhẻm màu củ ấu và tiếng cười giòn tan làm ấm cả chiều đông. Bây giờ, đồng ruộng làng Lúa đã được quy hoạch gọn gàng, hợp lý, không còn cảnh mỗi mùa thu hoạch, người nông dân phải ngậm ngùi nhìn thành quả lao động của mình suốt mấy tháng ròng là những bông lúa lơ thơ chen chân cùng cỏ lồng vực nữa. Những đầm nước giờ cũng được quy hoạch cải tạo để trồng cấy các loại cây hiệu quả hơn. Cây ấu cũng không còn nhiều đất sống như trước. Nhưng ở những vùng ruộng trồng lúa năng suất kém, người dân làng Lúa cuối mỗi mùa xuân vẫn trồng ấu như một thói quen, như niềm ơn nghĩa với một loài cây dân dã đã cùng người nông dân đi qua những tháng ngày cơ cực. Một chiều đầu đông, khi tình cờ đi ngang qua làng Lúa, khách vãng lai bắt gặp những rổ ấu luộc còn nghi ngút khói, chẳng đợi mời chào đều dừng lại mua về làm quà, để nhắc nhớ về một thuở nghèo khó mà thấm đượm nghĩa tình./.
Lam Hồng