Đến xã Hải Phú (Hải Hậu), được chứng kiến “môi trường văn hóa” và nếp sống thường nhật của nhân dân địa phương mới thấy hết sự vươn lên ngày càng mạnh mẽ của vùng quê biển trong sự nghiệp đổi mới, đồng thời thấy được niềm vui và sự đóng góp công sức, tâm huyết của những người làm văn hóa cơ sở. Đã nhiều năm “bám” cơ sở, gắn bó với phong trào, anh Nguyễn Văn Chu chia sẻ: Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra, phương châm đối với cán bộ văn hóa là “phải giỏi một việc, biết nhiều việc”. Không chỉ “lăn lộn” với phong trào, cán bộ văn hóa phải có nhiều “tài lẻ” như đàn hát, vẽ, làm trọng tài, tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT. 10 năm qua, anh Chu đã cùng với các thành viên trong Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể vận động nhân dân địa phương tham gia sinh hoạt các CLB: Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi; Gia đình hạnh phúc; Không sinh con thứ 3; Thanh niên lập thân, lập nghiệp; Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo… Bằng cách làm sáng tạo và sự phối hợp đồng bộ nên phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Hải Phú đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Còn anh Bùi Đại Thắng, cán bộ văn hóa xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), mỗi tuần đều dành từ 3-5 buổi xuống tận thôn, xóm, cùng tham gia sinh hoạt các CLB của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, cùng triển khai các chuyên đề về xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa… Sinh năm 1980, là cán bộ trẻ, công tác văn hoá của xã Nghĩa Phúc do anh phụ trách, xã có 8 xóm, gồm 800 hộ dân và trên 2.000 khẩu. Anh Thắng tâm sự, làm công tác văn hóa như “làm dâu trăm họ”, để được bà con tin yêu, bản thân anh phải chịu khó học hỏi, tích cực tạo dựng mối quan hệ bền chặt với cơ sở, thường xuyên tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT. Với đặc thù xã duy nhất của huyện không có đất cấy lúa, trồng màu, nghề truyền thống và cũng là nghề chính của xã là “độc canh” diêm nghiệp. Thời gian làm muối mỗi năm chỉ từ 3-5 tháng. Những tháng ngày nông nhàn, bà con phải đi làm thuê để kiếm sống. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với những người làm văn hóa nói riêng và công tác xây dựng nếp sống văn hóa nói chung ở vùng quê chân sóng. Anh Thắng chia sẻ, đời sống của người dân Nghĩa Phúc còn nhiều khó khăn, do đó phong trào xây dựng nếp sống văn hóa luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của những người làm văn hóa cơ sở, phải thực sự là “điểm nối” để người dân nhận thức sâu sắc về giá trị, qua đó, chung tay xây dựng, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giúp nhau vượt lên những khó khăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo bước đột phá trong công cuộc xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.
Cán bộ văn hoá là một trong 7 chức danh cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã, phường, thị trấn. Đội ngũ cán bộ cấp xã trong tỉnh thường xuyên được quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn, đủ về số lượng; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực lãnh đạo, tổ chức điều hành nhiệm vụ từng bước được nâng lên; đa số được đào tạo, rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ cũng là những người trực tiếp quản lý Nhà nước về phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Quyết định 681 của UBND tỉnh; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của người dân.
Để đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ năm 2002 đến nay, được sự chỉ đạo của tỉnh và của ngành, Trường Trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh đã mở các lớp đào tạo cho các cán bộ văn hóa cơ sở hệ Trung cấp quản lý văn hóa. Chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với những quan điểm của Đảng, Nhà nước về văn hóa - thông tin cơ sở, nội dung sát với thực tiễn, bảo đảm các học viên ra trường đều được trang bị những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý điều hành trên lĩnh vực văn hóa - thông tin. Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí công việc cũng như hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở còn nhiều vướng mắc. Do đó, cần có sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cấp xã, phường, thị trấn; trong đó gắn đào tạo với quy hoạch, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng chênh lệch về trình độ của đội ngũ cán bộ và sự biến động liên tục trong cơ cấu nhân sự của cấp chính quyền cơ sở. Đó là hướng bền vững trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hoạt động văn hóa - thông tin ở cơ sở./.
Khánh Ngọc