Hoạt động của thư viện huyện và tủ sách làng văn hóa ở Xuân Trường

08:11, 11/11/2013

Những năm qua, hệ thống thư viện và tủ sách của một số làng văn hóa trên địa bàn huyện Xuân Trường hoạt động ổn định, thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, nâng cao dân trí của nhân dân địa phương.

Thư viện huyện hiện có hơn 2.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như: truyện có khoảng 1.000 đầu sách; văn hóa đời sống 500 cuốn ; sách về nông nghiệp có khoảng 200 cuốn… Trước xu hướng thị hiếu thay đổi của người đọc hiện nay bởi sự phát triển của công nghệ thông tin và thiết bị lưu trữ, truyền hình theo yêu cầu, tài liệu số..., Thư viện huyện đã chú trọng thống kê, phân tích nhóm bạn đọc và những lĩnh vực được quan tâm tìm đọc để bổ sung sách, báo, tài liệu phù hợp... Năm 2012, Thư viện Tổng hợp tỉnh tài trợ 150 đầu sách để bổ sung vào nguồn tài liệu của Thư viện huyện, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, kiến thức của nhân dân. Vừa qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Thư viện 57 cuốn sách về văn hóa - văn nghệ dân gian. Trong khó khăn chung về hoạt động của hệ thống thư viện hiện nay, Thư viện huyện Xuân Trường vẫn hoạt động ổn định, góp phần xây dựng phong trào đọc sách, bổ sung kiến thức, nâng cao kiến thức cho nhân dân. Năm 2012, Thư viện đã phục vụ trên 2.000 lượt bạn đọc.

Tủ sách làng văn hóa xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ nhân dân.
Tủ sách làng văn hóa xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ nhân dân.

Ngoài Thư viện trung tâm huyện, ở các xã, thị trấn còn tổ chức gây dựng và duy trì hoạt động các tủ sách pháp luật, tủ sách của các làng văn hóa…, góp phần nâng cao dân trí và phổ cập kiến thức cho cộng đồng. Toàn huyện có hơn 200 NVH thôn, xóm; trong đó 30% số NVH có tủ sách. Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng có tủ sách hoạt động hiệu quả với hơn 1.000 cuốn sách, tạp chí... Tủ sách của làng hoạt động từ năm 1995, thường mở cửa phục vụ nhân dân vào các ngày mùng 6, 16, 26 âm lịch hằng tháng, có đủ sách thuộc các lĩnh vực như: lịch sử, giáo dục, y tế… Những người có nhiều đóng góp công sức và sách, báo có giá trị cho tủ sách làng Hành Thiện là các ông: Phạm Hồng Cầu, Đặng Quân Thụy, Nguyễn Quốc Phong, Đặng Xuân Phi… Đối tượng đến đọc sách gồm đủ mọi thành phần, từ người cao tuổi đến các bác nông dân, học sinh… Những "thủ thư" các tủ sách làng văn hoá luôn tận tụy với công việc mà không hề đòi hỏi thù lao. Cụ Nguyễn Ngọc Cầu (88 tuổi), “thủ thư” tủ sách làng Hành Thiện cho biết: Làng Hành Thiện vốn có truyền thống hiếu học, nên khi thấy các cháu học sinh thiếu sách để tham khảo, cụ lại chạnh lòng. Tủ sách của làng hiện nay được cụ và các thành viên Hội Người cao tuổi vận động con em xa quê, bà con trong làng ủng hộ. Cụ mong muốn tủ sách ngày càng có nhiều sách để nhân dân đọc, tham khảo và tích luỹ thêm nhiều kiến thức. Từ ngày có tủ sách làng, trẻ em, người lớn đều mê sách… Tại làng văn hóa xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh, tủ sách bắt đầu hoạt động vào năm 2011, ban đầu chỉ có khoảng 100 cuốn, đến nay được nhân dân đóng góp nên đã có hơn 200 cuốn với nhiều chủ đề, loại hình từ tạp chí thiếu nhi, sách tham khảo, tạp chí khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt - chăn nuôi... đến sách pháp luật, báo chí, sách y học, sách văn học… Cô Phan Thị Nga, phụ trách trông coi tủ sách cho biết, tủ sách hoạt động tất cả các ngày trong tuần, lượng người đến đọc đông nhất vào thứ 7 và chủ nhật. Để duy trì hoạt động của tủ sách, xóm tranh thủ sự ủng hộ của một số nhà tài trợ như: ông Phạm Thanh Nghị, ở Hà Nội đóng góp nhiều sách khoa học xã hội; cụ Mai Đắc Bằng, ở Ninh Bình đóng góp sách lịch sử. Ngoài ủng hộ 20 cuốn sách có giá trị, ông Phạm Ngọc Kính còn là người trực tiếp vận động nhân dân đóng góp xây dựng tủ sách, gây quỹ khuyến học. Bởi vậy, tủ sách không những nâng cao văn hóa đọc cho người dân và các em học sinh trên địa bàn mà qua đó phong trào khuyến học trên địa bàn xóm cũng không ngừng được quan tâm. Khác với tủ sách của Thư viện trung tâm huyện, tủ sách của các làng văn hóa phục vụ linh hoạt về thời gian nên tạo thuận lợi cho người dân tìm hiểu, đọc sách, báo. Đến các tủ sách làng Hành Thiện và xóm Đông Thịnh có thể bắt gặp hình ảnh trẻ em say sưa đọc truyện cổ tích, đọc sách tham khảo hay người lớn ngồi nghiên cứu kiến thức nông nghiệp. Đồng chí Phạm Ngọc Quân, bí thư chi bộ xóm Đông Thịnh cho biết: Từ khi có tủ sách, nhân dân đã biết thêm nhiều kiến thức nông nghiệp. Trẻ em trong làng bây giờ đã hình thành thói quen đọc sách, nâng cao hiểu biết, tránh xa các tệ nạn xã hội.

Để góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần phong phú, lành mạnh, thời gian tới cùng với các biện pháp thu hút bạn đọc đến thư viện huyện, các xã, thị trấn cần quan tâm đầu tư phát triển các tủ sách cơ sở, phục vụ thiết thực, trực tiếp cho người dân ở các địa bàn dân cư./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com