Xã Giao Phong là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Giao Thủy và của tỉnh đạt tiêu chí xã văn hóa NTM. Đồng chí Nguyễn Văn Hoài, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Một trong những nguyên nhân quan trọng để Giao Phong “về đích” thực hiện có hiệu quả tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM, đó là các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đồng lòng, đồng tâm đẩy mạnh phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa; trong đó, quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân. Đến nay, xã có NVH 400 chỗ ngồi, sân vận động rộng 3.600m2; cả 11 xóm có NVH và sân tập thể thao; 9/11 xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Toàn xã có 2.043 gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, chiếm 90,5% tổng số hộ trong xã, trong đó có 61,2% gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm trở lên; 98% hộ gia đình tham gia các hình thức hợp tác phát triển kinh tế. Với việc gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Giao Phong đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá đối với đời sống nông thôn. Trong dịp kỷ niệm “Ngày Gia đình Việt Nam” (tháng 6-2013), chúng tôi được dự hội nghị biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu của xóm Lâm Hoan - một đơn vị tiêu biểu của xã Giao Phong trong việc đầu tư và phát huy thiết chế văn hóa trong xây dựng NTM. Hiện, xóm có 235 hộ dân với 965 khẩu, việc đầu tư huy động và sử dụng thiết chế NVH ở xóm đã đạt mục tiêu đề ra. Hằng tháng, NVH xóm thường xuyên diễn ra các buổi sinh hoạt CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự nguyện, tự giác của các hộ gia đình, các đoàn viên, hội viên trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Còn xóm Lâm Trụ, xã Giao Phong có gần 300 hộ dân với trên 1.000 khẩu. Thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa gắn với xây dựng NTM với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua cán bộ, đảng viên trong xóm đã huy động và tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng NVH xóm, rộng trên 1.800m2 được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, thường xuyên là nơi sinh hoạt, phục vụ nhiệm vụ chính trị, các tổ chức đoàn thể, các CLB là địa điểm sinh hoạt VHVN, TDTT của nhân dân địa phương. Đến nay, xóm Lâm Trụ đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM; trên 91% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt trên 50%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3%.
Nhà Văn hóa xã Giao Thịnh. |
Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó, việc đầu tư xây dựng và phát huy hệ thống thiết chế văn hóa ở Giao Thủy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đồng chí Cao Thế Tạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các tiêu chí văn hóa NTM giai đoạn 2010-2020, trong đó xác định rõ nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và phát huy thiết chế văn hóa cơ sở là mục tiêu mang tính chiến lược hàng đầu. Đến nay, toàn huyện có 180/332 xóm, khu dân cư có NVH, đạt 54,2%; trong đó có 6/22 xã, thị trấn đạt 100% xóm có NVH là các xã: Giao Hà, Giao Tiến, Giao Yến, Giao Phong, Giao Tân, Bạch Long. Nhiều xã đã ban hành được cơ chế khuyến khích xây dựng NVH xóm như: Giao Xuân, Giao Hải, Giao Lạc, Giao An. 100% xã, thị trấn trong huyện có điểm Bưu điện văn hóa xã và có điểm truy cập internet. Toàn huyện có hơn 44.500 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 73,4%). Các xã, thị trấn có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt cao là: Giao Tiến (92%), Giao Hà (91%), Giao Phong (90%), Giao Yến (87%), Thị trấn Quất Lâm (82%).
Có 103/332 xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Các xã có nhiều làng văn hóa là: Giao Hà, Giao Phong, Giao Yến, Bạch Long, Bình Hòa, Giao Thịnh, Giao Tiến, Giao Long. Bên cạnh đó, phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở Giao Thủy đã huy động được nhiều tập thể, cá nhân tích cực tham gia đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện công cộng, nhà thi đấu thể thao, phục vụ nhân dân. Tiêu biểu như Bảo tàng đồng quê, xã Giao Thịnh là dự án văn hóa do gia đình bà Ngô Thị Khiếu làm chủ đầu tư theo chủ trương xã hội hóa công tác bảo tàng của Nhà nước. Bảo tàng có tổng diện tích 6.000m2, được quy hoạch theo nhiều chủ đề, gồm khu trung tâm trưng bày các công cụ lao động nông nghiệp, nghề biển; các dụng cụ sinh hoạt, tiền cổ, đồ gốm, đồ sành sứ. Tại Bảo tàng đồng quê còn có thư viện với hơn 2.000 đầu sách và hệ thống máy tính hiện đại. Bảo tàng đồng quê là nơi để nhân dân tới tham quan, vui chơi, giải trí, giúp thế hệ trẻ tìm hiểu về đặc trưng văn hoá truyền thống của quê hương, đất nước, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, quê hương.
Huyện Giao Thủy đang phấn đấu đến năm 2015 đạt các mục tiêu: có trên 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá”; 50% số làng, xóm, thôn, khu dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hoá cấp huyện. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện đã tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa NTM, trọng tâm là thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn. Lồng ghép việc xây dựng các tiêu chí văn hóa NTM với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, gắn nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin các cấp với việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa NTM. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở./.
Bài và ảnh: Việt Thắng