Ảnh: Internet |
Quê tôi vùng ven biển, lắm sông, nhiều lạch, nơi giao thoa của hai dòng nước mặn - ngọt nên “mùa nào, thức nấy”, được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều nguồn lợi theo con nước thủy triều lên xuống ngày đêm. Những ngày cuối thu, trời đang nắng dài bất chợt mưa tầm tã, những người có kinh nghiệm ở quê tôi biết ngay là sẽ xuất hiện nhiều rươi. “Tháng 9 động rươi, tháng 10 động ra, tháng 3 động rạm”. Thời điểm rươi nổi lên mặt nước đã hiếm, thời gian xuất hiện lại ngắn, thường chỉ tập trung vào đêm khi thủy triều lên, có lẽ vì thế mà mỗi mùa rươi, làng tôi thường quên ăn, quên ngủ để đi vớt rươi. Trên những vùng nước lợ, vùng đồng trũng, rươi từ lòng đất chui lên, rồi tụ thành từng đám nhỏ, bơi theo dòng nước chảy. Những nơi rươi tập trung nhiều, người ta còn khơi bờ ruộng cho nước chảy vào một chỗ đã giăng sẵn tấm lưới để hứng rươi. Vui nhất là ngày rươi nổi đúng vào buổi nghỉ học, lũ trẻ làng tôi thường tự chế những chiếc vợt khâu bằng vải màn, có tay cầm, chạy dọc các con mương, con lạch thi nhau hớt rươi. Rươi bắt về phải nhẹ nhàng cho vào xô, chậu, tránh làm rươi bị vỡ bụng sẽ mất hết chất bổ. Người không quen mới đầu nhìn con rươi thường có cảm giác sợ, nhưng đã được ăn một lần thì không thể nào quên. Những ngày trời đất chuẩn bị giao mùa, thời tiết thay đổi, mưa, nắng thất thường, lại thêm những đợt gió heo may se lạnh, được ngồi trong căn nhà ấm áp, thưởng thức món chả rươi nóng hổi tưởng không còn cái thú nào bằng. Mùa rươi chỉ kéo dài chừng 2-3 tuần là hết nên các bà nội trợ đảm đang rất biết nắm bắt thời điểm này để đáp ứng sở thích của cả gia đình. Để có món chả rươi thơm ngon, người có kinh nghiệm thường chọn những con thân mập mạp, màu hồng hoặc vàng óng, xanh nhạt bởi đó là những con rươi tươi và béo. Rươi làm sạch được cho vào bát tô lớn, chập mấy chiếc đũa lại đánh tan cho đến khi rươi sánh dẻo thì cho thêm thịt băm, trứng, thì là và nhất định không thể thiếu vỏ quýt vào trộn đều. Không biết có phải mùa rươi cũng đúng vào mùa quýt chín hay không mà món chả rươi có thêm chút vỏ quýt lại dậy mùi và bắt mắt đến vậy. Nhiều nhà cầu kỳ trước khi rán chả rươi còn bọc từng miếng vào hai chiếc lá lốt, hấp qua, nên sau khi rán xong, mặt ngoài chả có màu vàng sậm, giòn tan nhưng bên trong vẫn mềm và ngọt, giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng của rươi. Ngoài làm chả, rươi xào củ niễng, điểm chút vỏ quýt thái chỉ cũng là món ăn “đến hẹn… lại nhớ” của bao người!
Bây giờ đồng ruộng, sông ngòi bị ô nhiễm vì thuốc trừ sâu nên rươi không còn dồi dào như trước. Song cứ vào khoảng “tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng năm”, trời đang nắng bất chợt mưa, hoặc đang mưa thì hửng nắng, người dân quê tôi lại chuẩn bị các dụng cụ đi bắt rươi, bán cho những người sành ăn một đặc sản mỗi năm chỉ có một lần./.
Lam Hồng