Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương.
Đình Cả, xã Mỹ Trung, được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1999. |
Xã đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) - nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Hiện, xã có 76% gia đình đạt danh hiệu GĐVH, các thôn, xóm có tỷ lệ GĐVH cao như: thôn 11 đạt 97%; thôn Phương Bông đạt 96%; thôn 8 đạt 94%; thôn 7 đạt 87%… Qua phong trào đã xuất hiện nhiều GĐVH làm kinh tế giỏi, thu hút và tạo việc làm cho lao động địa phương như: ông Trần Quý Ngọc, Trần Trung Huấn, thôn 8, mở xưởng mộc, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động… Nhiều GĐVH nhiều thế hệ thực hiện tốt phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” tiêu biểu như gia đình: ông Trần Văn Lượng, thôn 1, có 4 thế hệ chung sống hòa thuận; ông Trần Văn Nhân, thôn 4, có 3 thế hệ chung sống hạnh phúc… Một số GĐVH có con hiếu học như ông Trần Trung Sáu, thôn 11, có 4 con học đại học; ông Nguyễn Văn Phóng, thôn 7, có 3 con học đại học… Cùng với thực hiện tốt phong trào xây dựng GĐVH, việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tại xã có nhiều chuyển biến. Các đám cưới, đám tang đã loại bỏ được nhiều hủ tục như: đám tang không tổ chức mời cỗ cả làng; đám cưới không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài… Tại 12 thôn của xã đều có hương ước quy định việc tổ chức hiếu, hỉ nên được nhân dân tự giác thực hiện. Để tạo nền tảng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xã chỉ đạo các thôn, xóm vận động nhân dân xây dựng các thiết chế văn hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hiện, 9/12 thôn của xã có NVH phục vụ các hoạt động hội họp của các đoàn thể, nhân dân… Trong quá trình xây dựng NVH, ngoài sự đóng góp của nhân dân, một số gia đình còn ủng hộ thêm tiền, vật liệu xây dựng. Tiêu biểu như ông Đỗ Văn Mùi, ông Trần Trung Hiền, thôn 8, hỗ trợ 20 triệu đồng và 1 tấn xi măng; ông Trần Văn Đạt, người con xa quê, ủng hộ 5 triệu đồng xây dựng NVH thôn 8… Từ khi có NVH, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT của xã phát triển mạnh. Tại thôn 4 có CLB cầu lông Thanh Khê với 30-40 thành viên tham gia tập luyện thường xuyên; phong trào cầu lông phát triển tại thôn 2, thôn 7 thu hút mọi tầng nhân dân tham gia; phong trào bóng đá có CLB Cường Đào... Hằng năm, xã tổ chức giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè. Năm 2010, xã đại diện cho huyện tham gia Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng tỉnh giành chức vô địch. Tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VII-2013, bóng đá xã Mỹ Trung làm nòng cốt trong đội tuyển bóng đá của huyện Mỹ Lộc và đã giành chức vô địch. Phong trào văn nghệ quần chúng có CLB thơ ca của Hội Người cao tuổi gồm 15 thành viên. Ngoài ra, xã thường xuyên tổ chức văn nghệ vào ngày thành lập Đoàn, Ngày Quốc tế Phụ nữ, rằm Trung thu… được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
Trên địa bàn xã hiện có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc gồm 6 di tích, trong đó có 1 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia là đình Cả (năm 1999); 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm: đình và phủ Phương Bông, đình Tây, đình Thanh Khê, từ đường Trần Văn và Trần Đào Bùi tộc. Tại đình Cả thờ Dũng Dược Đại Vương, một vị tướng tài giúp Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ nước. Hằng năm, vào ngày 15-4 (âm lịch) kỷ niệm ngày sinh Thánh Cả Dũng Dược Đại Vương, làng thường mở hội, ngoài phần lễ có nhiều nghi thức trang nghiêm như: tế nam, tế nữ, rước kiệu, phần hội duy trì tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ dân gian như thi đánh cờ, kéo co, leo cầu kiều, hát chèo… Đình và phủ Phương Bông ngoài thờ tướng Dũng Dược Đại Vương còn phối thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu minh Đại vương Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa. Phủ thờ vị thần có duệ hiệu Thanh Sơn Ngọc Đôi công chúa. Từ lâu đình và phủ Phương Bông là di sản quý giá được nhân dân gìn giữ và bảo quản, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong làng. Ngôi đình không chỉ là nơi tri ân công đức của các bậc tiền nhân mà còn lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc truyền thống của nhân dân trong các kỳ lễ hội như: Lễ hội tháng 3, lễ hội tháng 7, lễ hội tháng 11 (âm lịch)… Lễ hội tại đình và phủ Phương Bông hiện nay mặc dù nghi lễ đơn giản nhưng là môi trường bảo tồn, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước hào hùng của dân tộc. Thời gian qua, xã Mỹ Trung đã tích cực tuyên truyền trong nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Do đó, nhân dân và học sinh của các trường đóng trên địa bàn xã luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cảnh quan xung quanh khu vực các di tích.
Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá đã làm giàu thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp./.
Bài và ảnh: Viết Dư