Tiến quân ca và sự tỏa sáng của hai nghệ sĩ người Nam Định trong ngày 2-9-1945

08:09, 02/09/2013

Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên là những nghệ sĩ tiêu biểu của quê hương Nam Định. Cách đây 68 năm, trong ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên cùng Đoàn Quân nhạc cử hành tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15-11-1923 tại Thành phố Hải Phòng, quê gốc ở làng An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản. Nhạc sĩ Văn Cao là người nghệ sĩ đa tài, những sáng tác của ông đều tạo dấu ấn về nội dung và nghệ thuật trên cả ba lĩnh vực: thi ca, hội họa và âm nhạc. Văn Cao sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều được thính giả đón nhận rất say mê nhiệt tình bởi tính lãng mạn và giá trị nghệ thuật sâu sắc trong từng lời ca, điệu nhạc; từ các ca khúc lãng mạn “Buồn tàn thu”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”… các hành khúc “Thăng Long hành khúc ca”, “Gò Đống Đa”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, các thôn ca: “Làng tôi”, “Ngày mùa”, đến chính ca “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, anh hùng ca “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”. Nhiều bài hát của Văn Cao đã đi vào tâm thức dân tộc, trở thành niềm kiêu hãnh của tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam.

Năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao được đồng chí Vũ Quý, cán bộ Việt Minh động viên, đề nghị: “Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, nên phải dùng những điệu hướng đạo. Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant (nay là phố Nguyễn Thượng Hiền) và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”. Trong nhật ký về “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Văn Cao viết: “Tin từ Nam Định lên cho biết mẹ tôi và các em đã về quê và đang bị đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày như mọi người đang chờ một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, của các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ nhiều hôm. Tất cả đang chờ tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào, tôi chỉ biết đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta trong khóa quân chính đầu tiên ấy, để biết họ hát như thế nào. Ở đây tôi đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được: “Đoàn quân Việt Minh đi/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”.

Bài hát viết xong, “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11-1944. Ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhạc sĩ Văn Cao viết trong hồi ký: “Ngày 17-8-1945, tôi đến dự cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn nhà hát lớn xuống. Bài "Tiến quân ca" đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất lên vang theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, những tờ bướm in "Tiến quân ca" được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít-tinh. Ngày 19-8-1945, một cuộc mít-tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát "Tiến quân ca" chào lá cờ đỏ sao vàng. Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng”.

Chương trình văn nghệ Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (28-8-2013).
Chương trình văn nghệ Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (28-8-2013).

Ngày 2-9-1945, "Tiến quân ca" chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Ngọc Liên sinh ngày 1-5-1912, quê ở xã Xuân Phương (Xuân Trường); là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957. Hiện nay, tại Bảo tàng Quân đội còn lưu giữ và trưng bày bộ kèn 20 chiếc gồm: trumpet, cor, saxophone, teno,  clarinet... Đây là những chiếc kèn đã được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng để cử hành “Tiến quân ca” trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình.

Ngày 19-8-1945, cả Hà Nội sục sôi khởi nghĩa cướp chính quyền. Chỉ một ngày sau, Ban nhạc Giải phóng quân được thành lập theo lệnh của Ủy ban Tổng khởi nghĩa để chuẩn bị cho ngày độc lập không xa. Ban nhạc Giải phóng quân gồm 75 người và hầu hết trong số đó là những người lính trong đội kèn "Bảo an binh" rời bỏ hàng ngũ địch gia nhập cách mạng. Anh em trong ban nhạc được Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Nội giao nhiệm vụ tập luyện các bài hành khúc cách mạng để biểu diễn cho ngày thành lập nước. Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên lúc sinh thời kể rằng: "Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều vì Quốc ca tiêu biểu cho khí phách, hồn thiêng non nước và đây lại là lần đầu tiên chúng ta công bố với toàn dân và thế giới nên phải biểu diễn thế nào đây để đạt được nội dung cũng như tầm vóc tư tưởng của nó". Trước ngày biểu diễn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã gặp nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của hành khúc để bàn bạc và thống nhất 2 chữ trong "Tiến quân ca" cho bản nhạc hoàn hảo hơn, xứng đáng là Quốc ca của nước Việt Nam độc lập. Ba nhạc sĩ đã nhất trí rút ngắn trường độ của nốt "rê" đầu tiên đầu chữ "Đoàn" và nốt "mi" ở đoạn giữa chữ "xác" làm cho bản nhạc khỏe khoắn, trầm hùng. Khi viết xong tổng phổ, yêu cầu đặt ra, phải thể hiện được tính muôn màu, muôn vẻ về chất lượng và âm sắc của các nhạc cụ trong dàn nhạc gồm có các nhạc cụ: trumpet, cor, saxophone, teno,  clarinet... Tổng phổ viết xong, mọi người trong ban nhạc cảm thấy hài lòng. Vậy là 75 nhạc công lúc đó đã dồn hết tâm trí vào tiếng nhạc. Anh em tập đi tập lại Quốc ca và một số bản hành khúc khác, sử dụng chuẩn xác những chiếc kèn, dưới sự chỉ huy chặt chẽ, chính xác của nhạc trưởng.

Sáng sớm ngày 2-9, đoàn quân tề chỉnh trong trang phục soóc ka ki vàng, đi giày da, đội mũ ca nô có đính quân hiệu, hành quân đến Quảng trường Ba Đình theo đội hình: đội thông hiệu, đội trống và đội nhạc hơi. Toàn đoàn quân nhạc dàn thành năm hàng ngang, mặt hướng về lễ đài.

Buổi lễ chính thức bắt đầu. Lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên đỉnh cột cùng lúc những âm thanh hùng tráng của bản “Tiến quân ca” vang lên khắp quảng trường. Không gian và thời gian như ngưng đọng trong giờ phút thiêng liêng ấy. Trong tiếng hòa âm hào hùng trang nghiêm như có tiếng gọi của hồn nước, tiếng vó ngựa, quân reo thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung; tiếng bước chân dồn dập xông lên về phía quân thù hừng hực khí thế của Xô viết - Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Bắc Sơn, của Cách mạng Tháng Tám oai hùng. Nhạc điệu mỗi lúc một thúc giục như nhịp đập của trái tim Tổ quốc đang hòa nhịp cùng trái tim mỗi người trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hàng vạn quần chúng chứng kiến giờ phút thiêng liêng ấy bị cuốn vào dòng âm thanh có một sức mạnh cổ động thần kỳ, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của cách mạng.

Nhạc sĩ Văn Cao kể: “Tiến quân ca" sáng tác xong, ít lâu sau tôi cảm thấy: do muốn mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng, nốt nhạc ngay đầu đã phải ngân dài, điều này có gì đó khiến tôi áy náy. Sau này, tôi đã cảm ơn ông Đinh Ngọc Liên về việc đã sửa lại chỗ này tại dàn kèn cử nhạc lễ của quân đội, ngay vào ngày là Quốc ca chính thức được cử lên trang nghiêm để chào cờ, không chỉ là hát hành khúc nữa. Kỳ lạ thay, Quốc ca kết thúc lại vừa vặn loạt đạn bắn lên với 21 phát đại bác.

Về nốt nhạc đầu tiên, ông Đinh Ngọc Liên cho dàn nhạc cử nốt nhạc này không ngân dài nữa, mà vào ngay với nốt nhạc liền sau nó. Tức là, nếu như cũ, lời ca là: Đoàn… quân Việt Minh đi. Chữ "Đoàn" phải hát kéo dài hơn. Còn khi đã sửa, phải là: Đoàn quân Việt Minh đi. Do đó các bản nhạc in sau này đã sửa hẳn như vậy, đến nay cứ nghe là thấy rất ổn định. Tôi vẫn thầm cảm ơn ông Đinh Ngọc Liên về cái nốt nhạc này.

Năm 1946, Văn Cao tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu là Ủy viên Chấp hành, hoạt động ở Liên khu III, phụ trách tổ điều tra của Công an Liên khu và viết báo Độc Lập. Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của Công an Liên khu 10 ở biên giới phía Bắc. Tháng 3-1948, Văn Cao được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948), Tiến về Hà Nội (1949)... và đặc biệt là Trường ca Sông Lô năm 1947. Để ghi nhận những đóng góp lớn lao của Văn Cao vào sự nghiệp cách mạng, của đất nước, cũng như những thành tựu sáng tạo nghệ thuật, ngoài giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, ông còn được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, cùng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác.

Còn với  Nghệ sĩ Nhân dân Đinh Ngọc Liên, không chỉ được công chúng biết đến là người phối khí và chỉ huy dàn nhạc, sự tài hoa của nghệ sĩ Đinh Ngọc Liên còn được thể hiện qua việc ông đã sáng tác nhiều tác phẩm như: "Mười sáu nhịp trống hành khúc", "Hải cảng về ta", "Chúng ta có Bác Hồ", "Vọng gác tiền tiêu"… Ngoài công việc chỉ huy dàn dựng, ông còn tham gia đào tạo nhiều học sinh; nhiều người nay đã trở thành những nghệ sĩ uy tín trong và ngoài quân đội. Với những đóng góp của mình, năm 1988, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com