Sức lan tỏa từ phong trào lớn

09:09, 21/09/2013

Như tin đã đưa, ngày 17-9-2013, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH” tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ II, năm 2013. Hội nghị đã đánh giá, kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện XDĐSVH gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH” đã góp phần quan trọng để duy trì, phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá; các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và quê hương Nam Định; tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, cộng đồng hoà thuận, thôn xóm, tổ dân phố bình yên, gia đình hạnh phúc. Báo Nam Định lược đăng một số tham luận tại hội nghị.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”

Bùi Tân Tiến
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Để phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH ở khu dân cư” tiếp tục phát huy giá trị và trở thành nền tảng tinh thần cho nhân dân; thay mặt Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Một là: Nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với cuộc vận động và phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá". Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở phải xác định thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDĐSVH ở khu dân cư” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình. Hằng năm đề ra chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả, gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác thực hiện, đồng thời chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình và nhân dân tích cực tham gia phong trào tại các địa phương.

Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam cho các tầng lớp nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào. Tập trung tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, hướng đến xây dựng các giá trị của con người mới.

Ba là: Lồng ghép thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động và phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" với các phong trào khác của các ban, ngành, đoàn thể; mỗi đơn vị cần có kế hoạch và phong trào cụ thể để định hướng cho hội viên, đoàn viên và cán bộ, đảng viên tham gia thực hiện cuộc vận động và phấn đấu đạt các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa.

Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nội dung cuộc vận động và phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong toàn hệ thống chính trị. Tích cực bài trừ các hủ tục lạc hậu, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực của xã hội, nhân rộng các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư; xây dựng lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương làm cơ sở cho nội dung của cuộc vận động và phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đạt hiệu quả cao hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Năm là: Phát huy vai trò tích cực của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước để làm cơ sở cho việc bình bầu và xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Tiếp tục làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng để tránh việc xét công nhận danh hiệu một cách tràn lan, hình thức./.

 

Mô hình CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững

Nguyễn Thị Hà
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Đến nay, toàn tỉnh có 2.894 CLB với 11 loại hình, thu hút 191.635 thành viên tham gia, trong đó có 2.046 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” với sự tham gia của 122.373 gia đình với 198.887 thành viên, trong đó có nhiều cặp vợ chồng cùng tham gia CLB (có 61.633 nam giới). Nội dung và mục tiêu hoạt động của CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn liền với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác Hội, sát thực với khu dân cư và từng hộ gia đình nhằm từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; nâng cao đời sống cho mọi thành viên trong gia đình, cùng chia sẻ trách nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như chăm sóc giáo dục các thành viên trong gia đình tạo thành tiếng nói chung làm cho công tác vận động phụ nữ ngày càng có chất lượng và đi vào chiều sâu. Từ năm 2012, hoạt động của các CLB được gắn liền với tuyên truyền thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” với 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Thông qua các hoạt động của đề án đã cung cấp kỹ năng, kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con, đặc biệt là trẻ ở tuổi vị thành niên cho các ông bố, bà mẹ có con dưới 16 tuổi; các kỹ năng ứng xử có văn hóa; kỹ năng tổ chức tốt cuộc sống gia đình; rèn luyện phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập: “có lòng yêu nước, có sức khỏe, có tri thức, năng động, sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, lối sống văn hóa và có lòng nhân hậu”.

Qua những nội dung tuyên truyền từ sinh hoạt các CLB đã giúp chị em nâng cao nhận thức về mọi mặt, mạnh dạn, tự tin đăng ký thực hiện phong trào thi đua, tham gia tích cực các hoạt động của Hội. Hoạt động của CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” đã góp phần làm phong phú, đa dạng nội dung và hình thức hoạt động Hội, thu hút ngày càng đông đảo phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Đồng thời thông qua hoạt động CLB đã gắn bó đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo, giảm tỷ lệ phát triển dân số, hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng, xây dựng gia đình không có bạo lực; gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ đạt danh hiệu “Gia đình 5 không, 3 sạch” và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; "Gia đình NTM", góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết XDĐSVH ở khu dân cư" và phong trào “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng NTM”./.
 

“Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa”

Phạm Tiến Dũng
Tổ dân phố số 2, Thị trấn Lâm (Ý Yên)

Tôi sinh ra giữa lúc chiến tranh loạn lạc, gia đình nghèo, học hành không đến nơi đến chốn nên sau này đi công tác bị hạn chế rất nhiều. Vì vậy khi các con đến tuổi học hành, dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình tôi quyết tâm cho con cái học tập để làm người, để xây dựng nhân cách, để lập nghiệp. Đến nay, các con tôi đều tốt nghiệp THPT, một con học đại học, một con học trung cấp và hai con có việc làm ổn định, thu nhập cao. Trong gia đình, mỗi khi có con cháu học giỏi, đỗ đạt cao thì ông bà, cha mẹ đều có phần thưởng xứng đáng để khích lệ tinh thần học tập. Vì vậy, các cháu đều chăm ngoan học giỏi, không có cháu nào bỏ học hay bị thất học.

Năm 2001-2002 sau khi khánh thành nhà thờ họ Phạm khu C - Thị trấn Lâm, tôi tổ chức và tài trợ ban khuyến học dòng họ Phạm hoạt động, hằng năm trao thưởng cho các cháu học khá, giỏi cấp 3, vào đại học, cao đẳng. Năm 2011, tôi cùng ban khánh tiết họ Dương Bá khu A - Thị trấn Lâm thành lập ban khuyến học dòng họ Dương Bá, phát động gây quỹ và vận động được gần 10 triệu đồng; tổ chức trao thưởng cho các cháu vào ngày giỗ tổ mồng 5 tháng Giêng hằng năm. Từ năm 2000 đến nay, tôi là trưởng ban bảo trợ hoạt động Hội Chữ thập đỏ huyện, đã vận động các hội viên chữ thập đỏ ủng hộ được 300 suất trợ cấp cho học sinh nghèo vượt khó, nay là học bổng Chữ thập đỏ, được 145 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực tham gia công tác khuyến học của địa phương, là một ủy viên BCH Hội Khuyến học huyện tôi vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tặng học bổng Tống Văn Trân được 50 suất trị giá 15 triệu đồng. Đến nay, tổng số tiền ủng hộ của Quỹ Khuyến học từ dòng họ, thị trấn đến huyện và khuyến học Chữ thập đỏ lên tới 22 triệu 500 nghìn đồng. Thông qua quỹ khuyến học, khuyến tài đã hỗ trợ được rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, trở thành những công dân tốt cho xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhất định phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" ở tỉnh ta còn phát triển hơn nữa, cả về số lượng và chất lượng. Từ những gì bản thân đã trải qua, tôi cố gắng sẽ làm nhiều điều cho quê hương, đất nước, cho thế hệ trẻ. Nhân đây tôi mong muốn công tác khuyến học, khuyến tài tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể để góp phần xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com