Như Tổ quốc Người muôn đời bất tử !

08:09, 02/09/2013

44 năm rồi, từ buổi Bác đi xa. Ta vẫn thấy chẳng lúc nào vắng Bác!

Bác Hồ của chúng ta thuộc lớp người đặc biệt, mà cái chết là mầm của sự sống. Sau ngày Bác mất, tháng 1-1970, trong bài thơ “Theo chân Bác” dài 480 câu, nhà thơ Tố Hữu viết:

"Tôi viết bài thơ mừng thọ Bác
Năm nay vừa tuổi tám mươi tròn
Chắc như thường lệ Người đi vắng
Để mọi lời ca tặng nước non

Tôi viết bài thơ cho các con
Mai sau được thấy Bác như còn
Phơ phơ tóc bạc, chòm râu mát
Đôi dép mòn đi, in dấu son".

Tố Hữu là nhà thơ có nhiều bài thơ hay viết về Bác. Mỗi bài lại tìm ra những ý mới, hình ảnh mới, chi tiết mới. Nhà thơ nhiều lần nói đến mái tóc bạc của Bác Hồ. Nhưng ở “Sáng tháng Năm” là: “Cho con hôn mái đầu tóc bạc”, còn trong “Ta đi tới” lại là: “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. Trong những đoạn thơ trên, mái tóc bạc, chòm râu mát và đôi dép mòn đi in dấu son, có lẽ là những hình ảnh đẹp nhất khi chúng ta nhớ về Bác kính yêu!

Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, đã có lần viết: Thật là hạnh phúc cho chúng tôi, những cán bộ, đảng viên bình thường như bao nhiêu cán bộ, đảng viên khác, nhưng được vinh dự to lớn hằng ngày được ở bên Bác, mỗi khi nói về Bác chúng tôi đều nhớ đến mái tóc bạc và chòm râu của Người!

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, đồng thời là một tấm gương lớn về đạo đức cách mạng. Những người bạn năm châu, bốn biển khi nhắc đến Việt Nam, là nhắc đến Hồ Chí Minh. Và nhớ đến Bác, là mọi người nhớ đến cuộc đời hy sinh cao cả và đạo đức cách mạng, sự giản dị, khiêm tốn, quên mình vì nhân dân của Người.

Thơ ca là sợi dây thần kinh nhạy cảm nhất của một dân tộc. Ngay sau khi Bác mất, đã có hàng nghìn bài thơ viết về Bác. Những bài thơ được viết ra ngay trong những ngày “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” ấy. Trong tột cùng đau thương, tột cùng yêu kính ấy, nhiều bài thơ đã mãi mãi trở thành những bài thơ hay nhất viết về Bác. Nhà thơ Việt Phương trong bài thơ “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” đã viết:

"Muôn dòng sông chảy về lòng biển cả
Bác nằm đây nhớ rõ mỗi người thân
Bác thường để lại đĩa thịt gà, mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ
Tránh nói chữ to và đi rất nhẹ cả trong vườn
Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời, góc bể
Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn".

Khi người ta được trao một chức vụ lớn, một chức vụ quan trọng một thời gian dài, rất dễ nảy sinh những khuyết điểm về quyền lực và tệ sùng bái cá nhân. Song với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì hoàn toàn khác! Khi nghĩ đến Bác, chúng ta không nghĩ đến những chức vụ cao sang, mà chỉ nghĩ đến một người Bác, một người Cha thân thiết, kính yêu! Và nhà thơ Việt Phương đã viết: “Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn!”.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Được ở gần Bác, nhà thơ Việt Phương phát hiện ra nhiều chi tiết thơ, những chi tiết làm lay động trái tim người đọc. Và ông viết:

"Ôi lòng Bác bao la trong Di chúc
Vẫn hạt lúa, củ khoai, chân chất bình thường
Cả dân tộc khóc Người thương mình nhất
Người được thương trên tất cả người thương"

Nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã có lần viết:

"Ôi giữa lòng ta Bác đến tự bao giờ
Bác vĩ đại, nhưng chẳng làm ai kinh ngạc…"

Cũng trong những ngày ấy, từ chiến trường miền Nam nhà thơ Thu Bồn gửi ra bài: “Gởi lòng con đến cùng Cha”

"Có người thợ dựng thành đồng
Đã yên nghỉ cạnh sông Hồng mẹ ơi!
Con đi dưới một vòm trời
Đau thương nhưng vẫn sáng ngời niềm tin
Đã ngừng đập một quả tim
Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng
Niềm đau vô tận thời gian
Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi…"

Bài thơ viết cho những người đang cầm súng ở chiến hào, Thu Bồn không muốn những đau thương lớn làm buồn lòng những người lính. Trong bài thơ này tác giả cũng nói đến ước mong cháy bỏng của đồng bào miền Nam là được đón Bác vào thăm. Và ước mong lớn ấy đã được nhà thơ Hải Như tả lại thật là cảm động trong bài thơ: “Đừng một phút quên làm đẹp ý Người”

"Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ
Phút ra đi là phút Bác Hồ vào
Hai mươi bốn năm qua, hỏi có đêm nào
Bác thao thức, miền Nam không hiện đến
… Buổi sáng ấy cờ ta bay rực đỏ
Khắp miền Nam đi đón Bác Hồ vào
Phút bàng hoàng mừng tủi nói làm sao
Ai cũng muốn ngắm Bác Hồ bằng được
Bác Hồ đến, lệ thường không báo trước
Nhưng miền Nam đã đoán được Bác vào
Dựng thành đồng để Bác đứng thật cao
Cho xa khắp đồng bào đều thấy rõ

… Sáng đẹp ấy, trời miền Nam mây bạc
Với mây hồng ngưng tụ lại, không bay
Bác Hồ cười hồn hậu, đứng trong mây
Như Tổ quốc, Người muôn đời bất tử!"

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người đã hoá thân vào dân tộc, vào thời đại mang tên Người. Và tình yêu của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác cũng thật lớn lao. Biết bao bài thơ, bài hát đã nói về Người với tất cả tấm lòng kính yêu vô hạn. Nhân dân mãi mãi nhớ Người - Một con người đã suốt đời quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“… Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa!”

Những ngày này, cả nước chúng ta đang “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chúng ta càng nhớ đến Người, nhớ đến những lời dặn dò tâm huyết của Bác trong bản Di chúc lịch sử.

“Di chúc không viết lên đá, khắc lên vàng chói lọi
Mà trên bản tin hàng ngày, lật lại
Sau bản tin một hôm, Người ký thác chuyện muôn đời
… Di chúc Người viết cho ta, đâu phải vì Người
Bác sợ khi Bác đi rồi, ta sẽ lạnh
Sợ ta đau, sợ ta rồi lơ đễnh, sợ ta quên
Người gửi lại một niềm tin
Còn như Người, Người đã hoá hương sen
Trở về cái làng Sen muôn thuở
Mắt rưng lệ, ta đọc Di chúc Người từng câu, từng chữ
Ngỡ như trước mắt, trên cao đâu đó,
Bác nhìn”

                       Chế Lan Viên

Trong những lời dặn dò cuối cùng ấy, ta đọc thấy cả những nỗi lo lắng, ưu tư của Bác. Người dặn dò chúng ta phải coi trọng việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Rô-met Chan-đra, Chủ tịch danh dự Hội đồng Hoà bình thế giới đã viết:

“Trong nửa sau thế kỷ 20, có một từ đã bắt đầu xuất hiện trong tiếng nói của những người bảo vệ hoà bình và kiến tạo hoà bình trên thế giới - một từ mà cùng một lúc mang rất nhiều ý nghĩa: Đấu tranh, Dũng cảm, Anh hùng và nó còn có ý nghĩa là: Chiến thắng, Độc lập, Tự do.
Từ đó là Việt Nam!

Và có một cái tên đã luôn gắn liền với từ này - Từ chỉ tên của một đất nước. Đó là Hồ Chí Minh!”./.

Bùi Vũ Thái Nam



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com