Làng Xuân Hy, xã Xuân Thủy (Xuân Trường) được hình thành cách đây 620 năm do Tướng quân Ngô Miễn, làm quan triều đại nhà Hồ, người làng Kẻ, thôn Mơi, tổng Kim Hoa, phủ Bắc Hà (nay thuộc phường Phúc Thắng, Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đưa 10 dòng họ về đây khai hoang lập ấp. Đền Xuân Hy thờ Tướng quân Ngô Miễn được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Hằng năm, vào các ngày 20 và 21-8 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội truyền thống tại đền kỷ niệm ngày thành lập làng. Trong lễ hội truyền thống, ngoài phần lễ, các thế hệ dân làng Xuân Hy nhiều năm qua còn lưu giữ, phát triển các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc như bơi chải, thi kéo tre lấy lửa thổi cơm cần…
Bơi chải hội làng Xuân Hy hằng năm luôn có sự tham gia của 5 đội ở cả 5 xóm là Đại Nghĩa, Hưng Đạo, Thọ Xuân, Đoàn Kết, Nam Biên. Mỗi xóm có 1 đội chải nam và 1 đội chải nữ, trong đó mỗi đội bơi chải gồm 15 người, 12 tay chải, 1 lái trưởng, 1 tay mõ và 1 người tát nước. Các VĐV tham gia thi đấu được lựa chọn kỹ lưỡng, các tay chèo đều là thanh niên khỏe mạnh, có sức bền, nhanh nhẹn, nhiệt tình. Vị trí lái trưởng là người có kinh nghiệm sông nước, có kỹ thuật lái để đưa chải đi đúng làn, nhanh, không bị mất sức của đồng đội. Người tát nước, gõ mõ biết phối hợp nhịp nhàng với đồng đội. Mỗi năm vào cuộc thi bơi chải, mỗi xóm chọn ra 30 VĐV thi đấu chính và 10 VĐV dự bị. Sáng 15-8 âm lịch, các xóm tổ chức hạ chải trên sông Mã cạnh di tích Đền Xuân Hy để các VĐV tập luyện. Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng Ban bảo vệ Di tích Đền Xuân Hy cho biết: Giải bơi chải của làng được tổ chức trong 2 ngày; ngày 20-8 âm lịch tổ chức thi giải lèo (giải phụ), ngày 21-8 âm lịch chính hội tổ chức thi giải cốn (giải chính). Cả 2 giải, đều phân định thắng thua, xếp thứ hạng, riêng giải cốn có trao cờ cho các đội tham dự. Quãng đường bơi chải dài, các chải nam thi bơi một vòng quanh xã và một vòng trước làng với tổng chiều dài 12km. Các chải nữ thi bơi một vòng quanh xã với chiều dài 8km. Mặc dù, tiền thưởng dành cho đội thắng cuộc không nhiều, nhưng các đội đều cố gắng giành thắng lợi để nhận được nhiều may mắn trong cả năm.
Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Đền Xuân Hy. |
Cùng với bơi chải, lễ hội truyền thống làng Xuân Hy còn có trò chơi truyền thống đặc sắc là thi kéo tre lấy lửa thổi cơm cần. Cuộc thi cũng có sự tham gia của 5 đội ở 5 xóm. Mỗi đội có 3 người đàn ông, một người làm nhiệm vụ thổi lửa, 2 người nấu cơm. Khai mạc cuộc thi, Ban tổ chức (BTC) đánh 3 hồi 9 tiếng trống. Các đội thi chạy vòng quanh hồ đến nơi đặt ổ mót (do BTC chuẩn bị), sau đó kéo 2 thanh tre vào nhau để tạo lửa và dùng tờ giấy ghi giải (có đánh số thứ tự) để nhóm lửa nấu cơm. Việc đốt giấy ghi giải đòi hỏi phải khéo léo, nếu đốt nhầm tờ giải thì không được nhận giải đó; nếu trong khi đốt, tờ giải rơi xuống đất, không cháy hết thì giải đó thuộc về làng. Một người vác cần treo nồi cơm, 2 người thay nhau vừa đốt lửa bằng đuốc vừa thổi cơm và phải đi vòng quanh hồ (150m), khi nào đi hết vòng hồ thì thổi xong cơm. Sau đó, các đội thả nồi cơm xuống nước để hơi nóng tỏa nhanh. Cơm chín được đơm vào bát bằng đồng, dâng cúng đền, sau đó mới hạ xuống để BTC chấm điểm.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy, Trưởng BTC lễ hội truyền thống làng Xuân Hy năm 2013 cho biết: Các môn thể thao bơi chải, thi kéo tre lấy lửa thổi cơm được tổ chức trong lễ hội là dịp để người làng Xuân Hy tưởng nhớ công lao Tướng quân Ngô Miễn và các thế hệ cha ông đã tạo nên mảnh đất màu mỡ, trù phú hôm nay. Để khôi phục được 2 môn thể thao trên, nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, dân làng Xuân Hy đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực vào việc khôi phục. Nhờ vậy, nhiều năm qua, làng Xuân Hy vẫn duy trì môn bơi chải, thi lấy lửa thổi cơm cần để qua đó giữ gìn, tạo nét đặc sắc của lễ hội. Từ việc khôi phục, phát triển môn bơi chải truyền thống, nhiều năm qua đội bơi chải nữ làng Xuân Hy đã nhiều lần đại diện cho huyện tham gia Giải Bơi chải tỉnh và đã giành giải Ba tại Giải Bơi chải tỉnh thuộc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII-2013./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc