Phát huy giá trị tiềm năng du lịch quần thể thờ Vua Đinh ở Ý Yên

09:08, 23/08/2013

Huyện Ý Yên có nhiều di tích lịch sử, văn hóa là cơ sở để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh. Một trong những điểm du lịch đang được huyện Ý Yên quan tâm đầu tư nhằm thu hút khách du lịch đó là quần thể di tích lịch sử thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại xã Yên Thắng và Yên Tiến.

Nằm cách Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) xưa nơi Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi trị vì đất nước chưa đến 20km, quần thể di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại huyện Ý Yên mang ý nghĩa lịch sử, là nơi Vua Đinh thu nạp, rèn luyện binh sĩ để dẹp loạn 12 xứ quân, làm nên nghiệp lớn. Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ý Yên gồm: Đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng; đền Thượng, đình Thượng Đồng và đình Cát Đằng ở xã Yên Tiến, trong đó đình Thượng Đồng, đình Cát Đằng đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tại các di tích này, ngoài thờ Vua Đinh, nhân dân địa phương còn phối thờ thành hoàng làng là những người có công với quê hương, đất nước. Đình Thượng Đồng ở xã Yên Tiến thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và 2 anh em Đinh Đức Đạt, Đinh Đức Thông người thuộc phường Lư Châu (nay thuộc thôn Cát Đằng) dấy binh theo Đinh Bộ Lĩnh. Khu vực của đình chính là nơi Vua Đinh đã đóng quân ngày xưa. Đình mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ XIX và một mảng chạm khắc rất tinh xảo thời Hậu Lê - thế kỷ XVII-XVIII. Xung quanh đình còn nhiều địa danh khá nổi tiếng như cánh đồng Kiệu nơi đặt kiệu nhà vua, cánh đồng Khăm nơi quân giặc bị mắc mưu vào bẫy của nghĩa quân, khu mả Vạn nơi chôn vùi xác giặc… Tại xã Yên Tiến, năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào thi đua lao động sản xuất của địa phương. 12 năm sau, nơi đây đã được đón đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm và trồng cây đa lưu niệm. Cách đó không xa là đình Cát Đằng cũng thờ Vua Đinh Tiên Hoàng cùng 2 anh em Đinh Đức Đạt, Đinh Đức Thông và ông tổ nghề sơn mài của địa phương Ngô Đức Dũng. Trong đình hiện lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như các cổ thư, các đạo sắc phong từ thời Vua Lê Vĩnh Tộ (1619-1628) đến thời Vua Khải Định (1916-1925), bức tượng Vua Đinh bằng đồng được đặt trong cỗ khám thờ lớn. Đền Vua Đinh thuộc 2 thôn Tam Quang và Dương Hồi, xã Yên Thắng đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1996. Cụ Trần Văn Hán, 85 tuổi và cụ Phạm Xuân Thận, 81 tuổi trong Ban quản lý di tích đền Vua Đinh của xã Yên Thắng cho biết: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng nhằm tưởng nhớ tới ngài nơi ngài đã dừng chân, tuyển quân để dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước. Đền được xây dựng cách đây mấy trăm năm, trải qua các thời kỳ lịch sử nhưng vẫn lưu giữ được những hiện vật có giá trị như: bức tượng Vua Đinh bằng đồng nặng hơn 1.600kg, 4 bức tượng quan văn, võ, nhiều bức đại tự, 27 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến… Mỗi năm, vào ngày kỵ của đức Vua (rằm tháng Tám âm lịch), nhân dân 2 làng lại tổ chức lễ hội với phần lễ, phần hội phong phú, đặc sắc. Vào thời khắc giao thừa, sáng mùng một Tết âm lịch hằng năm, dân làng còn tổ chức lễ rước lửa với niềm tin mang lại may mắn, tốt lành cho năm mới…

Đền vua Đinh, xã Yên Thắng được trùng tu, tôn tạo nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và thu hút du khách thập phương.
Đền vua Đinh, xã Yên Thắng được trùng tu, tôn tạo nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và thu hút du khách thập phương.

Cùng với quần thể di tích thờ Vua Đinh, ở các xã phía nam huyện Ý Yên còn có một số điểm du lịch văn hoá tâm linh như: Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) thờ Mẫu Liễu Hạnh ở thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; cây Dã hương cổ thụ ở làng Dương Phạm, xã Yên Nhân được công nhận là Cây di sản Việt Nam… Bởi vậy, việc phát triển du lịch văn hoá tâm linh ở các xã khu vực phía nam huyện Ý Yên thực sự có tính khả thi và ngày càng được quan tâm. Tại các điểm di tích thờ Vua Đinh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 xã đã đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thu hút khách du lịch. Tại xã Yên Tiến, các di tích đền Thượng, đình Thượng Đồng, đình Cát Đằng được chính quyền, nhân dân trong xã nhiều lần đầu tư trùng tu, tôn tạo, cải tạo cảnh quan thiên nhiên, duy trì tổ chức các ngày hội làng, thu hút du khách thập phương tới dự. Còn tại đền Vua Đinh xã Yên Thắng, với sự đóng góp của nhân dân địa phương và một số người con xa quê, năm 2012 đã đầu tư khoảng 3,7 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo tòa tiền đường, trung đường, làm mới nhà khách, nhà thờ tổ thờ 18 người quê hương theo Vua Đinh làm nên sự nghiệp... Nhờ trùng tu, tôn tạo, các di tích trên ngày càng khang trang, nhưng vẫn giữ nguyên các giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo, bước đầu thu hút nhiều đoàn khách du lịch trong nước, nhất là trong ngày hội làng, nhân ngày kỵ của Vua Đinh Tiên Hoàng. Tại lễ hội, chính quyền địa phương tổ chức nhiều trò chơi dân gian như võ vật, chọi gà, đánh cờ tướng... Tuy nhiên, theo các ban quản lý di tích có thờ Vua Đinh trên địa bàn huyện, số lượng khách du lịch đến các điểm trên chưa nhiều, chủ yếu là các nhà nghiên cứu, sinh viên.

Để thu hút đông đảo du khách đến các điểm di tích trên, thời gian tới huyện Ý Yên cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, xây dựng các tour du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị di tích; phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh (Sở VH, TT và DL) tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, xây dựng hệ thống sách, ảnh giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa nhiều khách đến các điểm du lịch trên, góp phần đưa du lịch huyện phát triển./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com