Mỗi năm có một khoảng thời gian rất đặc biệt mà tôi thấy ông nội tôi “khác” so với ngày thường. Ông nội thường trở nên ít nói, trầm lặng và suy tư hơn. Có nhiều khi ông ngồi hàng giờ trước ti vi, mắt không chớp khỏi màn hình. Tôi tự hỏi, ông tôi xem cái gì mà chăm chú thế? Rồi tôi tự trả lời, hay là ông tôi có chút lẩn thẩn. Người già không phải khi nào cũng minh mẫn, xem đi xem lại mãi một thứ mà vẫn bảo, cái này chưa xem đấy thôi. Nghĩ vậy, tôi không buồn ngó lại chỗ cái màn hình ti vi 14 “in” nhỏ xíu của ông tôi. Ông thấy vậy, cũng không gọi tôi lại như mọi ngày. Suốt cả đầu tháng tám, mấy năm trở lại đây, ông tôi luôn như vậy. Tôi đã quá quen nên cũng không còn thắc mắc, bận tâm nữa.
Đền Liệt sĩ huyện Hải Hậu. Ảnh: Đức Toàn |
Một ngày giữa tháng tám trời mưa tầm tã, cơn nọ nối cơn kia ào ạt. Mưa to, tôi phải hoãn mọi kế hoạch đi chơi cùng đám bạn của mình. Như mọi ngày, tôi ngồi quay lưng với ông nội trong nhà. Ông vẫn đắm mình vào với những chương trình được phát trên chiếc ti vi nhỏ. Tay tôi cầm điện thoại mắt liếc bồn chồn lên đám lá cây đang run rẩy trong mưa. Mưa to quá, mưa hình như làm mọi vật sợ hãi, lo lắng. Tôi nhìn mưa, ông trời có vẻ đang giận giữ, mưa trút xuống sân càng lúc càng bỏng rát. Thậm chí, tôi có thể nghe thấy tiếng bong bóng mưa vỡ khi chạm sân gạch. Tháng tám năm nào cũng mưa, nhìn mưa còn cảm thấy buồn hơn, tôi giật mình quay lại, ông nội tôi đang nói một mình. Tôi bắt gặp cái nhìn mờ đục của ông trong mưa. Đó là một ánh mắt khác biệt, xa vắng, buồn bã… tôi chưa từng bắt gặp. Bỗng nhiên tôi thấy thương ông. Tôi đến ngồi cạnh ông và nhìn chăm chú vào ti vi như cách ông làm. Tôi phát hiện, trong ti vi ngập tràn hình ảnh về Cách mạng Tháng Tám, những bài hát, những bộ phim, những ký ức Tháng Tám… Ông tôi bảo, đó là một phần đời quan trọng của ông, những kỷ niệm đã xa nhưng chưa khi nào ông quên được. Ông vẫn nhớ như in khoảng thời gian đó, khoảng thời gian tuy gian khó, nguy hiểm nhưng cũng là minh chứng cho tuổi thanh xuân nhiệt huyết, hào hùng. Nơi đó, trên những chiến trường ông đã đi qua có bạn bè, có đồng đội, có cả một phần xương máu của ông… Đó có phải là lý do, mỗi tháng tám con lại thấy ông “khác”? Cũng không hẳn thế, ông trả lời tôi. Đó chỉ là một phần của sự chiêm nghiệm con ạ. Là như thế nào ông? Có nghĩa là khi tuổi tác ngày một lớn lên, con người ta càng có xu hướng quay về với những hoài niệm quá khứ, cũng coi nhẹ nhiều điều trong cuộc sống hơn. Chẳng còn đâu hơi sức mà tham, sân, si nữa con ạ. Trên ti vi phát đi hình ảnh những người lính đang chải đầu, đọc thư cho nhau nghe. Xem đến đó, tôi thấy ông ứa nước mắt. Những giây phút như thế này trước và sau mỗi trận chiến ác liệt đều có con ạ. Và có khi phải trả giá bằng cả sinh mạng mình đó con. Trong chiến dịch này, ông đã mất đi một số đồng đội. Vô cùng đau xót. Ông nội tôi khóc rưng rức. Họ cũng chỉ bằng tuổi con bây giờ… Nhưng mà con ạ, tháng tám đối với ông không hẳn như con nghĩ đâu. Nhớ về những người bạn cũ trong lòng ông cảm thấy vui và tự hào. Tự hào vì những ngày tháng gian khổ, phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết đã không ai nản lòng. Vui vì những ngày tháng như vậy đã được đền bù bằng cuộc sống của các con bây giờ… Những ngày tháng tám, đối với thế hệ như ông mà nói, đáng để tĩnh tâm, để chiêm nghiệm, để ghi nhớ, để được trân trọng. Bất giác tôi cũng thấy mình nghèn nghẹn. Tháng tám, tôi thấy mình “trẻ người non dạ” để không hiểu, vô tình trước tâm tình của một người già, trước ông tôi…
Những ngày cuối tháng tám, trời thu trong xanh khác lạ, khắp cả phố đi trên con đường nào tôi cũng bắt gặp những màu cờ đỏ được treo trước mỗi nhà. Loa truyền thanh của phường phát đi phát lại những ca khúc tôi nghe trên chiếc ti vi cũ của ông tôi. Thành phố mà tôi đang sống có một khí thế khác, trong một tâm thế khác. Tôi nhận ra như thế sau buổi sáng trời mưa nói chuyện với ông tôi. Tháng tám, tuổi trẻ của tôi có thêm những nhận thức mới tôi chưa từng “chạm” đến trước đó. Tháng tám ấn tượng nhất trong tôi bây giờ là hình ảnh của ông nội tôi, những ca khúc hừng hực khí thế chiến đấu và dãy phố đầy những màu cờ đỏ. Tháng tám, những cảm nhận rất mới…
Hoa Xuân