Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản), đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1975. Lễ hội Phủ Dầy nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu và là một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước đưa “Lễ hội Phủ Dầy” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là định hướng đúng đắn nhằm bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hoá của dân tộc.
Giá trị lịch sử di tích và lễ hội
Theo các tài liệu, các công trình khoa học nghiên cứu quá trình "Tam sinh, Tam hoá" của Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào các thế kỷ XV, XVI, XVII thì lịch sử xây dựng, trùng tu các phủ Tiên Hương, Vân Cát… sớm nhất vào thời Hậu Lê thế kỷ XVII, niên hiệu Dương Hoà (1642), Cảnh Trị (1663-1671). Ban đầu đây chỉ là những ngôi miếu nhỏ lợp rạ, do dòng họ Trần Lê và dân làng Kim Thái tổ chức mở hội, kỷ niệm ngày Giáng Tiên về Thượng giới vào ngày mùng Ba tháng Ba âm lịch hằng năm, trong đó hình thức tế lễ là chủ yếu, ngoài ra có một số trò chơi dân gian truyền thống. Lễ hội Phủ Dầy được mở rộng phạm vi, quy mô gắn liền với công lao của Vương phi Trần Thị Ngọc Đài (1577-1669), người thôn Thông Khê, tổng Đồng Đội, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Thông Khê, xã Cộng Hoà, Vụ Bản). Bà là người đã xin chúa Trịnh miễn cho dân Thiên Bản không phải đi lao dịch đắp đê ở kinh thành. Nhớ lời bà dặn khi về qua Phủ Dầy, họ làm lễ tạ Thánh Mẫu Liễu Hạnh bằng cách xếp cuốc xẻng thành chữ “Cung tạ”. Từ đó, “Hoa trượng hội” đã trở thành một hoạt động tiêu biểu trong Lễ hội Phủ Dầy, được duy trì và phát triển đến ngày nay. Năm 1936, Hội Kinh Xuân Phổ Hoá (Huế) xin phép triều đình Nguyễn tổ chức khai thác, vận chuyển đá từ núi Nhồi (Thanh Hoá) về xây dựng Lăng Mẫu (Lăng Bà chúa Liễu). Năm 1938, Lăng Mẫu được hoàn thành và trở thành một trong ba công trình kiến trúc tiêu biểu thuộc quần thể di tích Phủ Dầy. Cùng với đó, một số di tích khác thuộc thôn Tiên Hương và Vân Cát cũng được nhân dân trùng tu, xây dựng và rước thần vị của các vị thần trong hệ thống Tứ phủ vào thờ. Quá trình “Mẫu hóa” các di tích thuộc xã Kim Thái đã tạo thành một quần thể di tích, một “siêu điện thờ”. Từ đó, Phủ Dầy trở thành trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Trong đó các phủ Tiên Hương, Vân Cát và Lăng Mẫu là di tích hạt nhân. Như vậy, vào thời Nguyễn, Lễ hội Phủ Dầy đã phát triển toàn diện, trở thành một lễ hội lớn, mang tầm vóc khu vực. Về mặt lịch sử, Lễ hội Phủ Dầy có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền qua các thế hệ. Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần (Mẫu) và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Trải qua nhiều thế hệ, các giá trị truyền thống đó đã được bồi đắp, kết tinh, hội tụ và lan tỏa rộng khắp ra các vùng miền trên toàn quốc. Vì vậy, Lễ hội Phủ Dầy trở thành một lễ hội lớn của khu vực, là di sản văn hóa phi vật thể đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội hiện nay.
Lễ hội Phủ Dầy năm 2013. |
Về phương diện văn hóa, Lễ hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ. Lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống, Lễ hội Phủ Dầy phản ánh tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước sống hòa đồng, coi trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống. Thông qua các hoạt động lễ hội còn nhằm đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và trong cộng đồng. Tình yêu Mẹ, trở thành nguồn cội, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên, giúp cho con người tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp, từ đó sống có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.
Lễ hội Phủ Dầy với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như: nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội... phản ánh phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian, thẩm mỹ của cộng đồng. Đến với lễ hội, mọi người không chỉ được thỏa nguyện tâm linh mà còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp của một quần thể kiến trúc truyền thống đền, chùa, lăng, phủ vô cùng độc đáo. Cùng với những di sản văn hóa vật thể, Lễ hội Phủ Dầy còn được diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp con người hướng tới những giá trị: Chân - Thiện - Mỹ. Cùng với quần thể kiến trúc, Lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.
Xứng tầm lễ hội cấp quốc gia
Ngày 21-2-1975, Quần thể Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng cấp Quốc gia, trong đó có 3 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và Lăng Mẫu đã được cấp Bằng Di tích lịch sử, văn hóa. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khu di tích. Ngày 5-3-1998, Bộ VH, TT và DL chính thức cho phép mở hội Phủ Dầy. Sau 3 năm mở hội thử nghiệm và 19 năm mở hội chính thức, Lễ hội Phủ Dầy đã thu hút đông đảo du khách về du xuân, tham quan, lễ Mẫu với số lượng khoảng gần 1,5 triệu lượt khách/năm. Lễ hội Phủ Dầy theo tục thờ Mẫu đã được phục hồi, bảo tồn và thực sự phát huy được các giá trị di sản văn hoá truyền thống của quê hương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương theo quy chế mở hội của Bộ VH, TT và DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh. Do đặc thù là một quần thể di tích gồm 21 đền, chùa, lăng, phủ trải rộng khắp diện tích gần 10km2, từ năm 1994 đến nay, thực hiện mô hình công tác quản lý di tích và lễ hội chủ yếu thông qua hệ thống thủ nhang. Mỗi di tích có một thủ nhang (là người sở tại) được giao nhiệm vụ trông coi, bảo quản di tích. Hằng năm, bằng nguồn thu từ các di tích, thủ nhang có trách nhiệm đóng góp một phần vào ngân sách địa phương để xây dựng các công trình phúc lợi và tổ chức lễ hội, phần còn lại để trùng tu, tôn tạo di tích. Đồng thời, thủ nhang là người trực tiếp tổ chức đón và tạo điều kiện cho du khách thập phương về tham quan, thực hành các khoá lễ theo tuần tiết cổ truyền trong khuôn viên di tích. Theo thống kê, gần 20 năm qua, từ nguồn kinh phí công đức của khách thập phương, các thủ nhang đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục tại 19 công trình di tích với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Do vậy đã khắc phục được hiện tượng hư hỏng, xuống cấp tại các di tích. Lễ hội Phủ Dầy với những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, thu hút đông đảo cộng đồng và du khách tham dự, không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy đã được quy hoạch kết nối cùng với các di sản văn hóa khác trong khu vực tạo thành các tuyến, điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh. Lễ hội Phủ Dầy cũng được cộng đồng và chính quyền địa phương tổ chức ngày càng quy mô, hấp dẫn, không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn sáng tạo, tổ chức thêm các hoạt động văn hóa mới, phù hợp với cuộc sống đương đại.
Năm 2012, “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đã được Bộ VH, TT và DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Về ý nghĩa khoa học, công tác lập hồ sơ đưa “Lễ hội Phủ Dầy” vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục các thủ tục đệ trình các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam và UNESCO công nhận nghi lễ chầu văn là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, các ngành hữu quan cần nghiên cứu và phục hồi lại một số nghi lễ truyền thống vốn có trong Lễ hội Phủ Dầy xưa. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho quần thể di tích. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa cho các thủ nhang, đồng đền và cộng đồng để họ thực sự là chủ nhân gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh lễ hội, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ và các nguồn thu ngân sách nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; tập trung đẩy lùi các hiện tượng mê tín, các tệ nạn xã hội, khắc phục nạn hành khất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phản cảm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách về dự lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn giá trị di sản quần thể di tích và nét độc đáo của Lễ hội Phủ Dầy./.
Bài và ảnh: Việt Thắng