Trước đây ở quê, bờ ao nhà nào cũng có một vài cây sung. Những cành sung soi bóng xuống làn nước trong vắt, nhìn rõ cả những con cá cờ đuôi sặc sỡ đang bơi lượn tung tăng trong thảm rong đuôi chó mềm mại. Mùa hè là mùa sung ra quả nhiều nhất. Những chùm quả xanh non, tròn xoe, trĩu trịt bám quanh thân cây từ gốc đến ngọn gợi sự no ấm, đủ đầy. Dưới gốc sung già tỏa bóng mát rượi, bọn trẻ chẳng phải sợ cái nắng rát bỏng của ngày hè, thỏa thích chơi đùa. Khi đã thấm mệt bởi những trò vui, lũ trẻ tranh nhau leo lên chạc ba ngồi vắt vẻo hoặc thách nhau trèo ra ngọn sung vươn ra tận giữa ao. Có đứa trượt chân rơi tõm xuống ao làm nước bắn lên tung tóe, vội vã bơi vào bờ trong tiếng cười giòn giã của đám bạn. Với lũ trẻ chúng tôi ngày đó, quả sung non chấm với muối trắng là món ngon nhớ đến tận bây giờ. Bọn con gái chơi trò bán hàng thường cố tìm những quả sung chín màu đỏ thẫm làm mẹt hàng thêm “hút khách”. Người mua trả “tiền” bằng những chiếc lá mít, nhận lấy quả sung liền bẻ ngay làm đôi thổi phù phù cho những con muỗi nhỏ bay ra hết rồi mới cắn ngập răng thứ thịt quả mềm ngọt, thơm dịu. Những hôm nhà có giỗ, bọn trẻ thích nhất là được giao nhiệm vụ đi hái lá sung để ăn kèm món nem nắm hoặc nem tai. Phải chọn lá sung non và bánh tẻ ăn mới bùi ngọt và không chát. Tuy nhiên, nhiều người lại thích ăn những lá sung có những nốt sần vì nó giòn. Nhìn nắm nem tròn vo màu vàng sậm nổi bật trên nền xanh của lá sung, nền trắng của đĩa sứ, ai cũng muốn sà ngay vào mâm. Những lá sung dày cuộn chặt các loại rau thơm và miếng nem tai thơm nức mùi thính, chấm vào bát nước mắm pha có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, giữa rất nhiều gia vị, ta vẫn nhận ra vị riêng của lá sung, thoảng chát mà rất bùi. Biết bao món ngon cần đến lá sung, quả sung để tăng thêm độ thơm ngon và sự hấp dẫn. Gỏi cá bớt đi vị tanh, ăn nhiều cũng chẳng lo lạnh bụng bởi có lá sung, lá mơ tam thể. Bát canh riêu cua vàng óng lớp “màu” chưng cà chua, hay bát ốc mít nóng hổi luộc cùng lá chanh, lá sả ăn kèm với quả sung non thái mỏng ngâm dấm, đường, tỏi, ớt, tưởng không “sơn hào, hải vị” nào sánh bằng. Nhưng trong nỗi nhớ của tôi về những ngày thơ bé, món sung muối luôn gợi bao kỷ niệm về quê hương nghèo khó mà thắm đượm nghĩa tình. Vào mùa hè, những rổ sung được hái về rửa sạch, cho vào vại cùng với nước muối đun sôi để nguội. Chỉ vài ngày sau, sung chuyển màu vàng là ăn được, kết hợp với món canh nào cũng hợp. Bây giờ về quê chẳng thấy mấy nhà còn muối sung. Bởi những lá sung, quả sung bùi bùi, chan chát lại “vi vu” theo người dân quê “ra phố” trở thành gia vị không thể thiếu, có mặt trong các nhà hàng, quán ăn… bên những món tái bê, tái dê. Để rồi, một chiều mưa mát lạnh, trong quán ăn lịch sự, sang trọng nơi thành phố, nhìn những quả sung tròn xoe, những lá sung xanh mướt, lòng lại rộn lên nỗi nhớ quê nhà./.
Lam Hồng