Giao Thủy tăng cường công tác biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng

06:07, 26/07/2013

Giao Thủy là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trải qua mấy trăm năm lịch sử hình thành và phát triển đã hun đúc nên những truyền thống quý báu của người dân Giao Thuỷ: đoàn kết, thuỷ chung, nhân hậu trong cuộc sống cộng đồng; cần cù, dũng cảm trong lao động sản xuất; kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống áp bức, chống giặc ngoại xâm. Trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước hôm nay, việc tái hiện đầy đủ, khách quan quá trình Đảng bộ lãnh đạo phong trào cách mạng, tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử của Đảng bộ và đưa vào tuyên truyền, giảng dạy trong nhà trường sẽ góp phần bồi dưỡng ý chí, tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đồng chí Nguyễn Xuân Nghinh, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy cho biết: Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Giao Thủy đã ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Các cấp ủy Đảng trong huyện đã tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chỉ thị của Huyện uỷ đến toàn thể cán bộ, đảng viên; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung cũng như quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện đối với công tác sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ các địa phương, các ngành. Ban Chỉ đạo nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, Ban biên soạn của mỗi Đảng bộ xã, thị trấn có từ 5 đến 7 người do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban. Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu biên soạn, Đảng ủy các xã, thị trấn đã phát động cán bộ, nhân dân, nhất là cán bộ lão thành cách mạng cung cấp tư liệu, để sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương. Đến nay, toàn huyện có 20/22 xã, thị trấn hoàn thành việc xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương. Các công trình được biên soạn, xuất bản đều đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học, thể hiện rõ những nét đặc thù của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ huyện. Lịch sử các địa phương được tái hiện đầy đủ, chân thực và sinh động. Nhiều công trình đã chú ý tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm của địa phương, góp phần làm tốt công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong sự nghiệp đổi mới. Năm 2009, huyện đã hoàn thành việc xuất bản và phát hành cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Giao Thủy 1930-2005”. Năm 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn “Giao Thủy - 15 năm, một chặng đường (1997-2012)” làm tài liệu tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương ở Giao Thủy vẫn còn một số hạn chế. Chất lượng một số công trình biên soạn còn thấp; một số cuốn lịch sử Đảng bộ xã, thị trấn còn nặng về miêu tả diễn biến sự kiện, chưa chú trọng tính tổng kết. Một số Đảng ủy cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo việc sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nên tiến độ xuất bản lịch sử Đảng bộ các cấp trong huyện nhìn chung còn chậm. Công tác giáo dục truyền thống lịch sử của Đảng bộ địa phương tới cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là trong các trường phổ thông tuy đã được các cấp ủy Đảng triển khai song chưa đều, kết quả còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, các cấp ủy Đảng cần quan tâm chỉ đạo, tăng cường đầu tư kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh công tác sưu tầm, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn và các ngành. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục lịch sử trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện và các địa phương, đơn vị. Phấn đấu đến hết năm 2013 tất cả các Đảng bộ xã, thị trấn xuất bản được cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân địa phương; các ngành của huyện tiếp tục hoàn thành bản thảo, tiến tới thẩm định và xuất bản vào năm 2015. Chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện quy trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và xuất bản đảm bảo tính Đảng, khoa học, khách quan, góp phần giáo dục lòng tự hào truyền thống quê hương, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đưa việc giáo dục, giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện vào chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho học viên lớp đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng, lớp bồi dưỡng đảng viên mới, học viên lớp sơ cấp lý luận chính trị, các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên của các ban, ngành, đoàn thể và tích hợp việc giảng dạy lịch sử Đảng bộ huyện, các xã, thị trấn vào chương trình giảng dạy chính khóa và các chương trình, hoạt động ngoại khóa của các nhà trường ở các cấp học trên địa bàn huyện./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com