Dẻo thơm khoai tía riềng

07:07, 26/07/2013

Trước đây ở quê, khi nhà nhà còn nuôi lợn theo phương pháp truyền thống, chỉ bằng rau bèo sẵn có trong tự nhiên thì cây khoai nước có mặt khắp các làn ao, bờ thềm, rung rinh những chiếc lá hình trái tim xanh như ngọc. Cây khoai trắng dễ trồng, rất năng suất, có nhà chỉ trồng quanh bờ ao mà cắt chưa hết lứa này, lứa kia đã mọc lên xanh tốt. Khi cuộc sống còn khó khăn, vất vả, cây khoai nước cùng kinh qua những nhọc nhằn, sẻ chia nỗi bần hàn với người dân quê bằng những món ăn dân dã, đậm đà hương vị. Dọc khoai ngứa rửa sạch, muối chua như dưa, đem nấu với cá, ăn hơi lăn tăn nơi đầu lưỡi nhưng rất giòn và lạ miệng (ca dao cổ có câu “Khoai ăn chẳng ngứa cũng lăn tăn. Mẹ chồng chẳng ác, cũng cằn nhằn nàng dâu” có lẽ xuất phát từ món ăn này?!). Vào khoảng tháng 6 âm lịch, hoa khoai nước nở vàng bờ ao, bờ ruộng, mùi thơm ngai ngái nồng nồng. Nhiều người đi cắt khoai thường hái hoa và những dọc già khô quắt bám sát gốc, mang về phơi trên nền sân gạch dưới cái nắng rát bỏng của mùa hè, cho đến khi hoa chuyển màu nâu đen thì cất lên gác bếp. Những hôm lạnh trời, mang hoa và dọc khoai phơi khô ra kho với tóp mỡ và cá vụn, thế là có ngay một món ngon bởi vị mằn mặn, bùi ngậy của tóp mỡ và cá, mùi thơm hấp dẫn cô đặc trong ngọn hoa. Mùa hè, những cơn mưa rào ào ạt đổ xuống làm cho búp khoai xanh nõn và ngó khoai mập mạp đua nhau chui lên từ lớp bùn dẻo, tua tủa vươn ra mặt ao. Đây là thời điểm thích hợp nhất để làm món canh khoai nước ngọt lịm, mát lành. Búp khoai, ngó khoai cắt về tước sạch lớp xơ bên ngoài, luộc với nước muối 2-3 lần cho hết ngứa rồi nấu cùng ốc vặn, mẻ chua, các loại rau tập tàng và nhất định không thể thiếu rau ngổ, tía tô, lá lốt. Có nhà còn nấu cùng cá rô, nước hầm xương hoặc nước cua đồng ăn cũng rất ngon. Nồi canh bắc xuống từ bếp còn tỏa khói, ngào ngạt mùi thơm của rau gia vị khiến ai nấy đều không cưỡng nổi, phải múc ngay một bát xì xụp chan húp cho thỏa nỗi khát thèm. Riêng cây khoai tía riềng một dạo là đặc sản thường thấy ở chợ Ninh Cường. Người dân vùng này chỉ thu hoạch củ vào cuối thu, đầu đông, khi các lớp lá khoai bắt đầu héo tàn trong cái nắng hanh hao chứ không bao giờ cắt dọc trong suốt quá trình trồng, bởi như vậy củ sẽ bị sượng và ngứa. Gọi là khoai tía riềng vì lá khoai có màu nâu tím và củ khoai khi luộc chín ruột có màu vàng như củ riềng nếp. Khoai tía riềng dẻo thơm, ăn nhiều cũng không thấy chán. Nhiều trẻ quê nghèo ngày trước, bây giờ dù đã nên ông nên bà vẫn chưa quên cảm giác ngóng chờ nồi cám lợn sôi sùng sục để vớt ra mấy củ khoai nhánh luộc “ké” trong nồi. Người quê vốn lo xa, thường nhắc nhở nhau: “được mùa chớ phụ ngô khoai, đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”. Vậy nên, khi thóc lúa đầy chum, đầy bồ, bà con vẫn tích trữ trong nhà những vại khoai tía riềng thái nhỏ, phơi săn, phòng lúc giáp hạt hoặc mất mùa, cả nhà vẫn quây quần, đầm ấm với những bữa cơm độn khoai. Bây giờ ở phố, nhiều người cũng nghiện ăn canh ngó khoai nên vào mùa mưa, những bó ngó khoai tim tím, bụ bẫm vẫn thấy xuất hiện đây đó bên những hàng rau xanh. Chỉ có khoai tía riềng là ngày càng vắng bóng, để những ai thương về xưa cũ không khỏi ngậm ngùi!./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com