Bà tôi, bố tôi, chú tôi, tôi và bó hoa huệ trắng

07:07, 26/07/2013

Bố tôi hiện làm chủ một nhà hàng ẩm thực khá lớn trong thành phố. Ông là người giỏi làm ăn và có tài xoay xở, cũng là người rất tinh nhạy. Ra khỏi chiến tranh, không như một số đồng đội khác, ông bắt nhịp khá nhanh, lao vào làm ăn kinh tế. Hơn hai chục năm sau chiến tranh, nhà tôi đã có cơ ngơi nhiều người mơ ước, vườn tược, nhà cửa đều rộng rãi. Bố tôi ít khi ở nhà, có ở nhà cũng chỉ toàn nói chuyện tôm, cua, cá, ếch, rắn... Nhà rộng thênh thang, chỉ tôi, bà nội là thường xuyên ở nhà. Tôi có thế giới riêng của mình, bà nội tôi cũng vậy, công việc hằng ngày chủ yếu là lau dọn bàn thờ, nơi có di ảnh còn lại của chú tôi và ra chăm sóc, trông nom mấy mét vuông hoa huệ, tự tay bà trồng. Muốn tìm bà tôi không nơi nào ngoài 2 nơi ấy.

Trưa nay tôi đi chơi về, gọi trong nhà mãi không thấy bà nội trả lời. Tôi nghĩ bà nội chắc ở ngoài vườn với mấy luống hoa huệ. Ngồi chơi một lúc, tự nhiên nóng ruột tôi ào ra vườn tìm bà nội. Trưa nắng vàng rực rỡ, những bông hoa huệ chum chúp nở trắng thơm ngọt ngào. Phải thừa nhận rằng, bất cứ lúc nào, trong tâm trạng như thế nào, đứng trước một vườn hoa ta cũng có cảm giác “chững” lại. Là bởi vẻ đẹp, sự tươi mới, màu sắc của hoa, của lá dễ làm lòng ta dịu mát. Nhất là khi đối diện với sắc trắng của hoa huệ. Giữa trưa nắng, màu xanh thẫm, tươi mát của lá hòa với sắc trắng tinh khiết của hoa làm tôi “xao động”. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bà tôi đâu. Loay hoay không nghĩ được chỗ nào bà có thể đi, tôi gọi điện thoại cho bố. Bố tôi nói ngắn gọn, tìm bà đi, xem bà có “tụ tập” cùng các cụ hàng xóm không. Nắng nhạt dần, tôi vẫn không tìm thấy bà tôi. Bố tôi sốt ruột cũng đã về nhà cáu gắt loạn lên. Bà bán nước chè ở cuối phố bảo, lúc gần trưa thấy cụ quần áo chỉnh tề lắm, tay còn cầm theo một cái túi bóng, hình như trong ấy có cả nén hương thì phải. Bố con tôi hốt hoảng thực sự. Bà bán nước chè tiếp, hay hôm nay 27-7, anh với cháu xem cụ có ra Nghĩa trang phúng viếng, thắp hương gì đó không? Bố con tôi ngớ người…

Bà tôi ngồi dưới chân một tấm bia lớn có khắc tên những liệt sĩ, thỉnh thoảng chậm chạp lấy khăn chấm nước mắt. Ánh nắng chiều nhạt chiếu xiên lên tóc bà tôi thành một màu trắng rất lạ, pha chút gì đó “sương khói”. Hình như đã lâu lắm tôi (và chắc cả bố tôi) không “quan sát” bà. Lưng của bà tôi từ phía sau đã nhô ra khá nhiều, tay nhăn nheo và nếu phải cầm nắm thứ gì đó lâu lâu một chút thì run rẩy. Vai thì hầu như đã “khô” lại… Bà tôi đang ôm khung ảnh trong lòng, có lẽ là ảnh của chú tôi, bên cạnh là bó hoa huệ phơi nắng nhiều đã hơi heo héo. Nhìn thấy bà tôi, bỗng nhiên tôi có cảm giác nghèn nghẹn, tưng tức nơi ngực. Tôi đã không nhìn bà tôi như thế suốt một năm qua, cũng có thể là lâu hơn, 2 hoặc 3 năm rồi. Vì tôi bận, vì tôi có những mối quan tâm khác ngoài việc quẩn quanh bên chân bà, chờ bà cho ăn, ru ngủ như hồi bé… Mặc dù tôi vẫn là thằng cháu của bà, vẫn được bà yêu thương và yêu thương bà.

Nhưng không hiểu sao, càng lớn lên, tôi càng ít có thời gian dành cho bà. Bố tôi cũng không là ngoại lệ. Tôi tin cảm giác của mình là đúng, bố đang gồng mình lên lo cho cả nhà. Và với bố, yêu thương, lo toan là sắm sửa được đầy đủ mọi thứ, lo cho cuộc sống gia đình sung túc. Vì gánh nặng đó, bố tôi cũng dần sao nhãng những việc tâm tình, nói chuyện hay quan tâm đến cuộc sống tinh thần những người khác… Thế giới của bà tôi vì vậy càng thu nhỏ hơn, chỉ còn lại tấm ảnh của chú tôi và vườn hoa huệ. Ngày thường chả bao giờ bà để lộ điều đó, lúc nào cũng bảo, bà bây giờ “sướng” rồi, chả phải lo nghĩ gì nữa, cái gì con cháu cũng mua cho bà hết… Lòng tôi se lại, à thì ra, với người già “sướng” rồi chưa chắc hẳn đã phải là cuộc sống vật chất đầy đủ.

Bố tôi cầm lấy tay bà run run, mẹ ơi, sau tháng này con sẽ thu xếp công việc, liên hệ với đơn vị em con lần nữa để xem có thể đưa được chú ấy về nhà hay không. Con xin lỗi mẹ, thời gian qua đã không ở bên mẹ được nhiều, để mẹ buồn. Mẹ đi từ sáng, con với cháu lo quá... Dưới chân tượng đài, màu nắng đã nhạt hẳn. Sót lại chiều muộn, bó hoa huệ và mái tóc người già ngả màu sáng lên, rung rung như đang đón nhận một niềm vui mới./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com