Qua 15 năm triển khai, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (TDĐKXDĐSVH) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Giao Thủy quan tâm chỉ đạo, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực tham gia hưởng ứng nên ngày càng phát triển sâu rộng, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Những năm qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào của huyện đã có nhiều biện pháp tích cực, tổ chức thực hiện hiệu quả, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, tổ dân phố (TDP) văn hoá. UBND huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế công nhận danh hiệu làng, TDP văn hoá, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giải quyết các vấn đề: tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giảm nghèo... Đến nay, toàn huyện có 103/332 làng, thôn, xóm đạt danh hiệu làng văn hoá. Các xã có nhiều làng, xóm đạt danh hiệu làng văn hóa là: Giao Hà, Giao Phong, Giao Yến, Bạch Long, Bình Hòa, Giao Thịnh, Giao Tiến, Giao Long. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình văn hoá (GĐVH), coi đây là nội dung trọng tâm, cốt lõi của phong trào TDĐKXDĐSVH nên BCĐ của huyện đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng GĐVH. Nhiều cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, tiêu chuẩn xây dựng GĐVH, tổ chức công khai, dân chủ việc bình xét, công nhận và biểu dương danh hiệu GĐVH; việc công nhận lại danh hiệu GĐVH hằng năm và ghi vào sổ vàng GĐVH thay thế giấy chứng nhận GĐVH cấp 1 lần/năm như trước đây được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2012, toàn huyện có 44.500/60.554 gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Các xã, thị trấn có tỷ lệ GĐVH đạt cao là: Giao Tiến (92%), Giao Hà (91%), Giao Phong (90%), Giao Yến (87%), Thị trấn Quất Lâm (82%). BCĐ phong trào của huyện đã tổ chức biểu dương 300 lượt GĐVH tiêu biểu trong huyện; qua đó cổ vũ mạnh mẽ phong trào xây dựng GĐVH trên toàn huyện. Giao Thủy cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện hợp nhất cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để thống nhất tổ chức thực hiện. Các ngành thành viên BCĐ của huyện đưa các nội dung, tiêu chí của phong trào và cuộc vận động lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đồng thời mở rộng phạm vi, đối tượng thực hiện và huy động toàn dân tham gia. Đặc biệt, việc gắn phong trào TDĐKXDĐSVH với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của phong trào đối với đời sống nông thôn. Do đó huyện đã đạt kết quả tích cực trong xây dựng làng văn hóa, GĐVH, cơ quan văn hóa; đã tập hợp, đoàn kết, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của toàn xã hội trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, qua đó đã huy động được các nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các điểm sinh hoạt văn hoá - thể thao; tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao, phát triển các loại hình CLB văn hoá nghệ thuật, võ thuật, câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, các đội văn nghệ quần chúng, đội thông tin lưu động, khu vui chơi giải trí, phòng đọc sách báo, điểm bưu điện văn hoá xã... nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hoá, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho cán bộ và nhân dân trong huyện. Đến nay toàn huyện có 180/332 khu dân cư có nhà văn hóa (NVH) xóm, đạt 54,2%; 6 xã: Giao Hà, Giao Tiến, Giao Yến, Giao Phong, Giao Tân, Bạch Long đạt 100% xóm có NVH; các xã: Giao Xuân, Giao Hải, Giao Lạc, Giao An đã ban hành cơ chế khuyến khích xây dựng NVH xóm. Toàn huyện có 255 điểm vui chơi, 80 sân bóng chuyền, 55 sân bóng đá, 200 sân cầu lông, 78 sân bóng bàn, 59 CLB TDTT cơ sở, 122 tổ đội văn nghệ quần chúng mỗi năm dàn dựng và biểu diễn hàng trăm chương trình văn nghệ, thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Nông thôn mới xã Giao Thịnh thời đổi mới. |
Bên cạnh kết quả đạt được, phong trào TDĐKXDĐSVH ở Giao Thuỷ phát triển chưa đồng đều, thiếu bền vững, chưa đảm bảo bề rộng và chiều sâu, hiệu quả phong trào ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế. Các xã Giao Hương, Giao Thanh, Giao Lạc và các Thị trấn Ngô Đồng, Quất Lâm đến nay chưa có làng, xóm, TDP được công nhận làng, TDP văn hóa. Một số xã Giao Lạc, Giao Tiến, Thị trấn Ngô Đồng xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 nhưng không đăng ký xây dựng làng văn hóa. Một số xã như Giao Hải, Giao Tiến trước đây phong trào xây dựng làng văn hóa phát triển mạnh nhưng đến nay có dấu hiệu lắng xuống. Các địa phương có ít NVH xóm là: Giao Thanh, Giao Lạc, Giao Thiện, Giao Xuân, Giao Long, Giao Châu, Giao Hải, Hồng Thuận, Giao Nhân; riêng xã Giao Hương chưa có NVH xóm. Việc bình xét công nhận GĐVH nhiều nơi chưa chặt chẽ; thiếu công khai, dân chủ; chưa bám sát tiêu chuẩn. Nhiều làng, xóm, TDP sau khi được công nhận làng văn hoá có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý dẫn đến giảm sút về chất lượng. Có địa phương tỷ lệ GĐVH, khu dân cư tiên tiến khá cao nhưng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa chuyển biến; tình trạng tổ chức ăn uống linh đình trong việc cưới hỏi, ma chay, xây cất mồ mả tự phát, thói hư, tật xấu, tai tệ nạn xã hội, các biểu hiện thiếu văn hoá nơi công cộng, sự mai một các giá trị văn hoá truyền thống… chậm được khắc phục…
Mục tiêu của phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện giai đoạn 2011-2015 là tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hoá và nhân tố con người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2015 có 80% số gia đình trong huyện đạt tiêu chuẩn GĐVH; 50% làng, xóm, TDP đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hoá cấp huyện; 90% cơ quan, đơn vị được công nhận có nếp sống văn hoá; 50% xã, thị trấn; 100% làng (thôn, xóm, TDP) có NVH và điểm truy cập internet; có từ 30-35% người dân tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa - thể thao cộng đồng... Để đạt được các chỉ tiêu trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực công tác quản lý trên lĩnh vực văn hóa. Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nếp sống văn hoá. Tổ chức tốt việc đăng ký phấn đấu đơn vị đạt danh hiệu nếp sống văn hoá và tiến hành bình xét, công nhận đơn vị “Làng, thôn, xóm, khu phố văn hoá”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế có nếp sống văn hoá”, GĐVH. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, đánh giá đúng tình hình phong trào để có những biện pháp kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tăng cường đầu tư kinh phí và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, TDTT. Quan tâm đầu tư, quy hoạch, xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá, huy động sự đóng góp của nhân dân và tranh thủ các nguồn tài trợ, để nâng mức đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, khuyến khích xây dựng NVH xã, thị trấn và NVH thôn, xóm, khu phố. Huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia các hoạt động sáng tạo văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá phát triển, góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện và vững chắc./.
Bài và ảnh: Việt Thắng