Ảnh: Internet |
Quê tôi trước đây nhà nào cũng trồng một giàn nhót. Cây nhót khẳng khiu với nhiều cành mảnh mai đan vào nhau thành vòm xanh mát từng là nơi bọn trẻ chúng tôi ríu rít nô đùa suốt một thời thơ bé. Thứ quả dân dã, quê mùa ấy khiến lũ trẻ lau nhau thấp thỏm trông chờ từ khi hoa nở trắng cành, hoa rụng đầy sân, đầy vườn đến khi những chùm quả bé xíu màu xanh ngọc phổng phao từng ngày. Nhiều lúc không cưỡng nổi sự hấp dẫn của những chùm nhót rung rinh mời gọi, chúng tôi giấu người lớn, hái trộm mấy quả còn xanh lét ủ vào vạt áo, mang ra góc vườn chấm muối ớt, thưởng thức vị chua chua, chát chát ẩn trong lớp thịt quả giòn tan. Cuối xuân, đầu hạ, khi cái nắng mới tươi non màu mỡ gà bắt đầu thắp sáng vườn quê, những chùm nhót chuyển dần sang sắc vàng rồi mọng đỏ. Cả góc vườn như bừng sáng bởi hàng trăm, hàng ngàn trái nhót đỏ hồng. Bà tôi không quên hái những chùm quả đẹp nhất, thành kính dâng lên bàn thờ tiên tổ, nhắc nhở con cháu về đạo lý tốt đẹp “ăn quả nhớ người trồng cây”. Mùa nhót chín, bọn trẻ suốt ngày lăng xăng bên giàn nhót. Những đứa sành ăn chọn những quả nhót hai da có màu nửa hồng nửa đỏ bởi đó thường là quả nhót ngọt lịm, chỉ thoảng vị chua dôn dốt. Hái quả xong, chúng tôi ngồi bệt luôn xuống gốc cây, thi nhau lau lớp phấn nhót li ti trắng như bạc vào quần áo hoặc miếng khăn len cho tới khi quả nhót chỉ còn màu đỏ căng mọng mới thích thú đưa lên miệng, cắn từng miếng nhỏ. Nhiều đứa sốt ruột chỉ lau qua loa, ăn xong mặt mũi chân tay vẫn còn dính đầy vảy nhót. Không chỉ làm mê đắm lũ trẻ, những chùm nhót đỏ rực còn làm cầu nối cho bao trai gái quê tôi nên vợ, nên chồng. Một sớm mai trong lành, nhận từ tay chàng trai nhà bên chùm nhót hái vội còn ướt đẫm sương đêm, má chị gái tôi hồng rực lên như màu trái chín. Nhiều chàng còn kiếm cớ sang hái nhót giúp nhà hàng xóm để suốt dọc đường đi chợ hôm ấy, các cô thôn nữ cứ tíu tít trêu đùa nhau làm rộn rã cả đường quê. Chúng tôi lớn lên, giàn nhót trước sân ngày càng còng xuống qua bao mùa quả trĩu cành, qua bao nắng mưa bão táp. Sau mỗi mùa thu hoạch quả, bố tôi lại tìm những cành cây có chạc ba vững chãi chống lại giàn nhót. Nhiều lúc mải mê công việc không kịp về thăm mẹ vào mùa nhót chín, thoáng gặp trên phố mẹt nhót hồng rực của các bà, các chị mang từ quê ra, lòng lại tự nhủ “Giờ đang là tháng tư!…”./.
Lam Hồng