Du lịch là ngành kinh tế đặc thù, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú thì việc liên kết giữa các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phát triển du lịch, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh (Sở VH, TT và DL) tổ chức hoạt động giới thiệu quảng bá du lịch tại Quần thể Khu Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản). |
Tỉnh ta có nhiều tiềm năng du lịch với hệ thống các khu, điểm du lịch phong phú, đa dạng. Trong đó có các khu, điểm du lịch tầm quốc gia như Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy)… Các điểm du lịch này nổi bật về giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch sinh thái, có khả năng thu hút số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm du lịch mang tính chất vùng, địa phương đa dạng, phong phú ở 10 huyện, thành phố như Di tích lịch sử Nhà máy Dệt (TP Nam Định); làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá; làng nghề chạm gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh; làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; cây Dã hương cổ thụ ở xã Yên Nhân (Ý Yên); làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá; Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng; cầu Ngói chợ Thượng, xã Bình Minh (Nam Trực)… Thời gian qua Sở VH, TT và DL, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các tour, chương trình kết nối các điểm du lịch trong tỉnh; kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành du lịch; tham dự liên hoan du lịch các tỉnh, qua đó giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế khuyến khích đầu tư của tỉnh; tổ chức các đoàn khảo sát các tuyến du lịch; triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng… Nhờ vậy, việc tổ chức không gian du lịch tỉnh theo hệ thống các khu, điểm du lịch đã bước đầu phát huy tác dụng. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cụm, khu du lịch trọng điểm như Cụm du lịch trung tâm Thành phố Nam Định, Khu di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Khu du lịch sinh thái biển Xuân Thủy (Giao Thủy), Cụm du lịch nghỉ dưỡng biển Thịnh Long (Hải Hậu) và Quất Lâm (Giao Thủy)… bước đầu thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Năm 2012, các khu, điểm du lịch này đón gần 1,84 triệu lượt khách trong và ngoài nước; 3 tháng đầu năm 2013 đón khoảng 720 nghìn lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2012.
Mặc dù ngành du lịch tỉnh ta đã có nhiều tín hiệu tích cực, song việc liên kết giữa các điểm, khu du lịch trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực chưa chặt chẽ nên chưa phát huy hiệu quả. Trong đó, ngành du lịch tỉnh chưa liên kết chặt chẽ với ngành du lịch Hà Nội, một trung tâm du lịch, phân phối khách vùng Bắc Bộ nên lượng khách du lịch đến tỉnh tăng chậm, khách du lịch quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%, thời gian lưu trú ngắn. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh chưa phát huy vai trò cầu nối liên kết, chủ yếu chỉ đưa khách trong tỉnh đi tham quan tỉnh ngoài, chưa liên kết đưa khách tỉnh ngoài về hoặc tổ chức các tour du lịch nội tỉnh. Để khai thác thế mạnh các khu, điểm du lịch trong tỉnh, thời gian tới ngành VH, TT và DL và các địa phương cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch, tiếp tục thu hút kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch có tiềm năng, tạo ấn tượng với du khách; tổ chức các tour, chương trình du lịch có liên kết các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh ta cần đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh gồm: Tuyến du lịch từ Thành phố Nam Định - Nam Trực - Nghĩa Hưng - biển Thịnh Long (Hải Hậu); Tuyến Thành phố Nam Định - Vụ Bản - Ý Yên; Tuyến Giao Thủy - Hải Hậu - Nghĩa Hưng… với các sản phẩm du lịch lễ hội, tham quan các di tích cách mạng, các công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu, các điểm du lịch sinh thái, nghỉ mát. Tỉnh sẽ xây dựng tuyến du lịch liên vùng nối Nam Định với các tỉnh duyên hải phía Đông Bắc, các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Hồng; các tuyến du lịch ven biển, tuyến du lịch đường sông, đường biển…, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2015 thu hút khoảng 2,3 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch dự kiến đạt 29,2 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 11 nghìn lao động./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc