Nhắc đến chiếu bóng lưu động, nhiều người nhớ về thời “hoàng kim” của phim chiếu màn ảnh rộng cách đây khoảng vài chục năm. Ngày ấy, hầu như tháng nào, đội chiếu bóng lưu động của tỉnh cũng về các vùng nông thôn để chiếu phim, mỗi đợt khoảng 4-5 đêm. Sân bãi đầy bụi bặm, đất cát nhưng đông cả ngàn người mỗi đêm. Anh Trần Thiện Hùng, đội trưởng đội chiếu bóng lưu động số 2 thuộc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng (PHPVCB) Nam Định cho biết: Có những buổi chiếu ở các xã ven biển, trời mưa to nhưng bà con không về, cứ dầm mưa đứng xem… Ngày ấy, cùng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác, hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động thuộc Cty Điện ảnh tỉnh (nay là Trung tâm PHPVCB Nam Định) đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Đội chiếu bóng lưu động Trung tâm PHP và Chiếu bóng Nam Định chuẩn bị cho đợt trình chiếu phục vụ khán giả nhân đợt phim kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam. |
Nhiệm vụ của các đội chiếu bóng lưu động là tổ chức chiếu phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Thời kỳ phát triển đỉnh cao, tỉnh ta có tới 42 đội chiếu bóng lưu động. Hiện nay, trong khó khăn chung của ngành chiếu bóng cả nước, Trung tâm PHPVCB Nam Định vẫn duy trì hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động. Trung tâm đã lên kế hoạch cụ thể cho các đội bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa bàn, theo từng thời điểm. Trung tâm đã tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền để tổ chức các buổi chiếu phim bảo đảm an toàn đạt được mục đích và hiệu quả tuyên truyền; kết hợp chiếu phim với việc tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, gắn với các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước; tổ chức giao lưu văn hóa để thu hút khán giả đến với các đợt phim. Các đội chiếu bóng lưu động luôn bám sát địa bàn phục vụ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tìm ra phương thức phục vụ tốt nhất. Nhiều buổi chiếu phim miễn phí của đội thu hút từ 500-1.000 người xem. Đặc biệt, từ khi Luật Điện ảnh và Nghị định 54/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, Trung tâm đã được Nhà nước đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia với 4 bộ máy chiếu phim Trung Quốc 35mm, 1 máy chiếu Video 100 inch và 1 ô tô bán tải. Từng đợt phim, Cục Điện ảnh đều có chương trình băng, đĩa hình gửi cho Trung tâm. Trung tâm đã kết hợp chiếu phim truyện nhựa với các nội dung tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị cụ thể để nâng cao hiệu quả buổi chiếu. Ngoài phục vụ nhân dân các vùng nông thôn, vùng đồng bào Công giáo thuộc các tuyến biên giới ven biển của tỉnh, các đội chiếu bóng lưu động còn thực hiện nhiều buổi chiếu tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học theo từng chủ đề, yêu cầu cụ thể của các đơn vị. 3 đơn vị chiếu bóng lưu động của Trung tâm hoạt động liên tục, bình quân 10-15 buổi chiếu/tháng.
Tuy đã trở thành một sinh hoạt văn hóa công cộng quen thuộc của nhân dân các vùng nông thôn trong tỉnh nhưng trước sự bùng nổ phát triển các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì hoạt động chiếu bóng lưu động gặp không ít khó khăn. Các bộ phim mới, hay, hấp dẫn khó đến được với khán giả nông thôn vì số lượng bản phim ít, các nhà phát hành (đặc biệt là các hãng phim tư nhân) không mặn mà với thị trường nông thôn vì doanh thu thấp, chi phí cao, khó quản lý. Từ thực tế trên cho thấy, để phát triển hoạt động điện ảnh, chiếu bóng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh cần có quy định bao nhiêu xã, bao nhiêu dân ở mỗi vùng thì cần 1 đội chiếu bóng lưu động; mức chi phí cho mỗi buổi chiếu phim; biên chế, chế độ công tác phí, các chính sách đãi ngộ cho những người làm công tác chiếu bóng lưu động ở từng khu vực. Cụ thể hóa chính sách tài trợ cho hoạt động chiếu bóng nông thôn, chiếu phim phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục đầu tư phương tiện vận chuyển, máy chiếu kỹ thuật số cho các đội chiếu bóng lưu động./.
Bài và ảnh: Minh Thuận