Tiểu ban SVC (CLB Thiên Trường) được thành lập giữa thập niên 90, thời điểm SVC đang trên đà khởi sắc. Với đa phần hội viên có tuổi đời khá cao, trung bình từ 70-75 tuổi, nên cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, các giống hoa lan được nhiều người lựa chọn trồng, chăm sóc bởi phù hợp với sức khỏe. Ông Phạm Văn Dậu, Trưởng Tiểu ban SVC cho biết: “Tham gia sinh hoạt, nhiều hội viên đã từng có thời gian gắn bó với cây cảnh nghệ thuật, có hàng trăm cây thế khác nhau, nhưng cũng không ít người mới chơi, kinh nghiệm còn ít. Gặp nhau chung niềm đam mê với thú vui tao nhã, giàu tính nhân văn, văn hóa truyền thống của cha ông, người nhiều, người ít kinh nghiệm đều tích cực tham gia xây dựng tiểu ban ngày càng vững mạnh”. Đều đặn hằng tháng, Tiểu ban SVC tổ chức một buổi sinh hoạt với sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân, người làm cây cảnh “có tiếng” của các nhà vườn, CLB cây cảnh nghệ thuật trong tỉnh, Hội SVC Thành phố Nam Định…; qua đó cung cấp cho các hội viên những kiến thức cơ bản về kỹ thuật cắt tỉa cây cảnh nghệ thuật tạo thế dáng đẹp, lạ; về cách thức chăm bón địa lan, phong lan để hoa nở thời điểm, cách phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, việc tổ chức thường xuyên các hoạt động tham quan, giao lưu với các CLB cây cảnh nghệ thuật, các nhà vườn trong tỉnh giúp hội viên tăng thêm vốn kiến thức chăm sóc cây, hoa. Ở 6 tổ SVC được chia theo địa bàn các phường, xã của thành phố cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Nhiều hội viên tuổi cao nhưng vẫn tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động, là tấm gương lớn cho các hội viên khác noi theo như cụ Nguyễn Việt Đỗ, 92 tuổi ở phường Vỵ Hoàng, cụ Trần Viết Thông, 85 tuổi ở phường Lộc Hạ, cụ Nguyễn Đình Trắc, 83 tuổi ở phường Lộc Hạ (TP Nam Định), cụ Vũ Viết Chính, 81 tuổi, ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… Các phong trào thi đua sản xuất, phát huy sáng kiến, đổi mới tư duy, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây cảnh được tiểu ban phát động sâu rộng. Nhiều sáng kiến độc đáo, hiệu quả được các hội viên tìm tòi, chia sẻ cho các hội viên khác áp dụng như kỹ thuật cấy, ghép cây cảnh độc đáo của ông Trần Thế Thông; trồng các cây mini trong các ấm, chuyên vỡ của ông Trần Quang Hải; phương pháp giâm cây thủy tùng của ông Lê Đình Ước… Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, tiểu ban SVC đã từng bước lớn mạnh, là “mái nhà” của các hội viên chung niềm đam mê hoa, cây cảnh nghệ thuật. Hiện các hội viên tiểu ban sở hữu hàng nghìn cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, địa lan, phong lan các loại, trong đó có tới 200-300 cây cảnh và hàng trăm chậu địa lan, giò phong lan có giá trị kinh tế cao. Nhiều hội viên trở thành lực lượng nòng cốt, tham gia điều hành một số Hội SVC các phường, xã của thành phố, trong đó có 4 hội viên là cụ Nguyễn Viết Chính ở xã Mỹ Tân, cụ Trần Viết Thông và ông Trần Quang Hải ở phường Lộc Hạ, ông Phạm Văn Lộc ở phường Năng Tĩnh được Hội SVC tỉnh phong tặng “Nghệ nhân SVC” sáng tạo ra nhiều tác phẩm đẹp, độc đáo, mang giá trị kinh tế cao.
Tiểu ban SVC (CLB Thiên Trường) tuyển chọn các tác phẩm tham gia trưng bày nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập CLB Thiên Trường. |
“Chơi cá dưỡng tâm, chơi cây dưỡng trí, chơi chim dưỡng thần”(!). Với Tiểu ban SVC của CLB Thiên Trường, niềm đam mê hoa cây cảnh, chim cảnh, gỗ lũa nghệ thuật không chỉ làm thỏa mãn thú chơi tao nhã, thư thái tinh thần, tiếp tục “sống vui, sống khỏe, sống có ích” mà qua đó giúp hội viên cao tuổi đẩy mạnh sản xuất, giao lưu, trao đổi hàng hóa nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều hội viên nhờ làm cây cảnh đã từng bước vươn lên trong cuộc sống; không ít người nhờ cây cảnh đã trở nên giàu có, nuôi con cháu ăn học, trưởng thành. Hội viên Trần Ích Phượng ở phường Trần Tế Xương, sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 1991, trong thời gian tìm hướng sản xuất, ông nhận ra rằng cây địa lan không chỉ được nhiều người ưa thích mà còn có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trồng địa lan, nhất là những giống cây quý không phải dễ bởi đòi hỏi người trồng am hiểu kỹ thuật. Ông đã tìm cách học tập, đúc rút kinh nghiệm trồng địa lan từ nhiều người, từ trong sách vở. Khởi nghiệp từ năm 1994 với chỉ có 2 bàn tay trắng, đến nay, ông Phượng có 2 vườn địa lan với khoảng 300 chậu thuộc gần 10 loại lan quý như thanh ngọc, hoàng vũ, hoàng thanh, hoàng cẩm tố…, trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng. Ở phường Lộc Hạ, nhiều người biết tới cụ Trần Viết Thông là nghệ nhân SVC “có tiếng” trên địa bàn Thành phố Nam Định. Dưới bàn tay tài hoa và tình yêu thiên nhiên, sự cảm thụ nghệ thuật tinh tế đã giúp cụ Thông sáng tạo nhiều cây cảnh độc đáo về hình thế, được khách hàng yêu thích, mang lại nguồn thu lớn, ổn định cho cuộc sống gia đình. Với nghệ nhân SVC Vũ Viết Chính ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), việc sáng tạo ra nhiều tác phẩm cây cảnh hội tụ đủ các yếu tố “cổ, kỳ, mỹ” nên nhiều lần ông được các cấp Hội SVC tỉnh chọn tham dự các triển lãm SVC lớn của đất nước, của tỉnh.
Dù thành công trên thương trường nhưng các hội viên đều tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề do tiểu ban tổ chức để tích lũy thêm kiến thức, đồng thời truyền lại kinh nghiệm quý báu cho các hội viên khác, từ đó giúp họ gắn bó hơn với niềm vui SVC. Trong những ngày đầu tháng Giêng năm Quý Tỵ 2013, nhiều hội viên tham gia trưng bày SVC tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - chùa Tháp phục vụ du khách thập phương tới dự Lễ Khai ấn Đền Trần, qua đó quảng bá, nâng cao vị thế của phong trào SVC tỉnh trong cả nước. Đặc biệt, trong các ngày 27 và 28-2-2013, Tiểu ban SVC phối hợp với Hội SVC Thành phố Nam Định, CLB cây cảnh nghệ thuật Thiên Trường Nam Định tổ chức trưng bày các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai khu vực trụ sở CLB Thiên Trường. Cuộc trưng bày quy tụ khoảng 100 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai đẹp, độc đáo được tuyển chọn kỹ càng đã thu hút sự quan tâm của cán bộ, nhân dân thành phố, qua đó khẳng định sự phát triển, trưởng thành của Tiểu ban SVC, đồng thời mang ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập CLB Thiên Trường./.
Bài và ảnh: Đức Thiện