Bảo tồn, phát huy nghệ thuật rối nước làng Rạch

08:05, 13/05/2013

Phường rối nước làng Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) đến nay đã trải qua 7, 8 thế hệ cha truyền con nối. Nghệ thuật rối nước của làng đã vượt qua khuôn khổ ao làng, được vinh dự mời đi biểu diễn khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc, sang cả các nước như: Pháp, Thụy Điển và một số nước Tây Âu…

Nghệ nhân Phan Văn Mẽ đang tạo hình các con rối.
Nghệ nhân Phan Văn Mẽ đang tạo hình các con rối.

Gia đình ông Phan Văn Ngải đã 7 đời gắn bó với nghiệp múa rối nước và làm các con trò. Ông Ngải cũng là một trong những nghệ nhân đầu tiên của Nhà hát múa rối nước Việt Nam. Kế tục nghề tổ của làng từ cha, các con ông đều say mê nghệ thuật múa rối nước. Anh Phan Văn Mẽ từng theo cha đi biểu diễn từ khi tóc còn để chỏm, nay đã trở thành trụ cột trong phường rối. Anh là người trực tiếp điều khiển con trò, lại có thể tự làm con trò, hiểu biết tường tận các bí quyết nhà nghề về rối nước, vì vậy các con trò dưới bàn tay khéo léo của anh được sử dụng linh hoạt. Ngoài gia đình ông Ngải, còn nhiều gia đình khác ở làng Rạch như gia đình ông Huyên, ông Mao, ông Niệm, ông Cạnh… các con cháu cũng nặng lòng với rối nước. Họ đã góp phần để bộ môn nghệ thuật dân gian này trải qua bao thăng trầm tiếp tục phát triển, được nhiều đối tượng khán giả yêu mến. Phường rối của làng hiện có gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Bên cạnh các tích được truyền lại từ xa xưa, các nghệ nhân hôm nay còn nghiên cứu, dàn dựng nhiều tích trò mới cho phù hợp với thị hiếu khán giả, tăng thêm sức hấp dẫn cho rối nước. Ngoài dịp biểu diễn trong các hội làng, ngày lễ, tết, những năm gần đây, phường rối làng Rạch còn được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn cho khách du lịch. Các nghệ nhân ngoài thời gian đi biểu diễn, cũng bươn chải đủ nghề để kiếm sống và duy trì niềm đam mê. Nhờ đó, phường rối có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật rối cổ, các nghệ nhân có thêm động lực để vượt qua khó khăn, gắn bó với rối nước. Anh Phan Văn Mẽ cho biết: Hiện nay, làng Rạch không thiếu những người biết biểu diễn rối nước, yêu rối nước bởi nghệ thuật rối nước đã gắn bó mật thiết với đời sống, trở thành niềm vui, niềm tự hào của mỗi người dân. Hơn nữa, người trong làng cũng luôn có ý thức trong việc bảo tồn nghệ thuật rối nước thông qua việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Song để những người trẻ tuổi tận tâm và một lòng theo nghề rối thì làng Rạch đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết do thực tế cuộc sống. Mặc dù, nghệ thuật rối nước làng Rạch được đi biểu diễn ở khắp các tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc, thậm chí ra nước ngoài, song tiền thù lao không đủ để các nghệ nhân duy trì cuộc sống. Hơn nữa, sự quan tâm của ngành chức năng cho nghệ thuật này cũng chưa thật sự thỏa đáng. Trong những năm 2001-2003, phường rối nước làng Rạch được Quỹ Ford (Mỹ) thông qua Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT) tài trợ kinh phí và hiện vật trị giá 87 triệu đồng, trong đó 15 triệu đồng dành cho việc đào tạo diễn viên rối nước. Kể từ đó đến nay, các hoạt động biểu diễn, bảo tồn, phát huy nghệ thuật rối nước đều do các nghệ nhân với lòng đam mê, mong muốn gìn giữ tài sản văn hóa quý giá của cha ông. Hiện cả phường rối có 20 người nhưng chỉ có 3 người ở độ tuổi 20-22. Những nghệ nhân trụ cột của phường rối hầu hết tuổi đã cao, nếu không đào tạo được người kế cận, rất có thể phường rối và những tích trò rối cổ sẽ bị mai một. Để lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này, chỉ có niềm đam mê giữ lấy nghề tổ của các nghệ nhân, diễn viên rối nước thôi thì chưa đủ, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành hữu quan./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com